Đầu tư chứng khoán hay “chơi chứng khoán”? Chỉ là hai cách gọi nhưng sẽ quyết định cách bạn hành động.

Chứng khoán là công cụ đầu tư rất rất phổ biến ở các nước phát triển. Xét về 2 góc nhìn:

  • Đối với doanh nghiệp và thị trường, chứng khoán là thị trường vốn, kênh huy động vốn để doanh nghiệp có vốn để làm ăn kinh doanh và sản xuất.
  • Đối với cá nhân, chứng khoán là công cụ tích lũy tài sản ròng (Net Worth) để giúp bạn tự do tài chính trong tương lai với tỷ suất lợi nhuận tốt nhất trong các kênh đầu tư.

Invest VND ra đời với mục tiêu giúp bạn tự do tài chính. Vì vậy, đầu tư chứng khoán sẽ là công cụ mà Invest VND chia sẻ và giới thiệu đến các bạn rất thường xuyên.

Invest VND muốn xây dựng một cộng đồng có tư duy đúng đắn về công cụ đầu tư này để không đi sai về bản chất của nó.

Bài viết dưới đây sẽ rất dài. Nó bao gồm mọi khía cạnh để người mới có thể bắt đầu đầu tư chứng khoán một cách đơn giản, dễ hiểu và hiệu quả nhất!

Nếu bạn đọc hết bài viết, bạn có thể sẽ có một sức khỏe tài chính tuyệt vời nhờ tận dụng sức sinh lời của thị trường chứng khoán (Thị trường vốn) này.

Bài viết sẽ chia thành từng phần nhỏ để bạn có thể dễ dàng “thẩm thấu” các kiến thức mới mẻ về thị trường tài chính. Đừng lo quá! Bạn không cần phải giỏi Toán và có “quả óc” siêu phàm.

PHẦN 1: KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Trong phần này mình tập trung chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất về đầu tư chứng khoán.

Những khái niệm, chỉ số tham chiếu, các thuật ngữ hay sử dụng trên thị trường chứng khoán.

Đừng bỏ qua phần này bạn nhé! Vì nó là các kiến thức nền tảng, sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

#Tìm hiểu về các loại chứng khoán cho người mới bắt đầu

Chứng khoán vốn là gì?

Chứng khoán vốn là cổ phiếu, tức là cổ phần của doanh nghiệp. Bạn mua một cổ phiếu tức là bạn đang đầu tư vào doanh nghiệp đó.

Bạn thực sự là cổ đông của doanh nghiệp!

Nếu bạn hâm mộ bác Phạm Nhật Vượng, bạn tin vào niềm tin của bác Vượng, bạn tin vào Vingroup. Bạn muốn trở thành cổ đông của tập đoàn Vingroup (VIC), bạn có thể đầu tư vào Vingroup và trở thành cổ đông thực thụ.

Tuy nhiên, chỉ có các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán bạn mới có thể mua cổ phần với số vốn nhỏ. Các công ty tư nhân không niêm yết thì bạn không mua được cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán nợ là gì?

Chứng khoán nợ là trái phiếu, đây cũng là kênh huy động vốn.

Bạn hãy tưởng tượng, doanh nghiệp là một cái “hồ bơi” mà hồ thì cần nước để lắp đầy. Doanh nghiệp kinh doanh cần nhiều nguồn vốn khác nhau để tăng vốn để đầu tư và phát triển.

Các nguồn vốn có thể là huy động vốn trên thị trường chứng khoán bằng cách IPO (Initial Public Offering), phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc vay nợ ngân hàng (Vốn vay).

Hiểu đơn giản là doanh nghiệp cần vốn mà vốn từ cổ đông góp hoặc đi vay để có.

Trái phiếu là một dạng đi vay nhưng vay từ nhà đầu tư, không vay từ ngân hàng.

Bạn mua trái phiếu tức là bạn thành “chủ nợ thực sự” của doanh nghiệp! Doanh nghiệp sẽ trả cho bạn lãi vay, gọi là coupon rate.

Lãi trái phiếu sẽ khác nhau ở mỗi doanh nghiệp và kỳ hạn khác nhau. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất dao động từ 7-9%/năm, kỳ hạn trung bình từ 6 tháng – 1 năm.

Trái phiếu còn được xem là công cụ đầu tư tài chính ngắn hạn và có rủi ro thấp.

Chứng khoán phái sinh là gì?

Nếu bạn đã coi phim “Squid Game” của Hàn Quốc, có một đoạn thoại của Cho Sang-Woo nói là anh đã “nợ 6 tỷ Won” vì đánh phái sinh….

Trong phim, anh là Thạc Sĩ Khoa Kinh Doanh của Đại Học Seoul. Vậy anh có đầu phân tích không? Đương nhiên có vì trong phim anh thể hiện mình là người rất thông minh và sáng suốt nhưng quá “tham lam”. Tuy nhiên, anh vẫn lỗ ròng 6 tỷ Won.

Thông qua bộ phim chúng ta có thể “thấy trước” chứng khoán phái sinh không dành cho nhà đầu tư F0, nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường chứng khoán.

Ở Việt Nam, chứng khoán phái sinh còn rất đơn giản vì mới triển khai gần đây.

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, có giá trị phụ thuộc vào giá trị của tài sản cơ sở. Các tài sản cơ sở có thể là cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, hàng hóa, tiền tệ hoặc các chỉ số tham chiếu trên thị trường như VN-Index, VN30,…

Giá giao dịch sẽ được xác định ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên thời điểm thực hiện sẽ ở một ngày cụ thể trong tương lai. Chứng khoán phái sinh gồm 4 loại:

– Hợp đồng quyền chọn (Option Contract)

– Hợp đồng tương lai (Future Contract)

– Hợp đồng kỳ hạn (Forwards Contract)

– Hợp đồng hoán đổi (Swap Contract)

Tại thị trường Việt Nam hiện mới cho phép giao dịch hợp đồng tương lai (Future Contract) chỉ số cổ phiếu (Tài sản cơ sở là chỉ số VN30) và trái phiếu chính phủ (Tài sản cơ sở là TPCP kỳ hạn 5 năm/kỳ hạn 10 năm).

Hiểu một cách đơn giản nhất phái sinh là “đánh cược”, bạn cược hợp đồng tăng giá hoặc giảm giá trong tương lai. Nếu hợp đồng đúng như bạn đặt cược, bạn sẽ thắng và ngược lại.

Về bản chất, các tổ chức hoặc các quỹ đầu tư lớn dùng phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư. Cụ thể ở đây là danh mục cổ phiếu VN30, nếu thị trường xuống giá thì các tổ chức hoặc quỹ đầu tư sẽ dùng Short phái sinh để giúp cân bằng lại danh mục, hạn chế mức lỗ khi nắm giữ danh mục VN30.

Tuy nhiên, đa phần nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam chỉ sử dụng phái sinh như trò “đặt cược” để kiếm lợi nhuận nhanh. Các chỉ báo kỹ thuật chỉ đúng tầm 30-40%, còn lại là may mắn.

Phái sinh giao dịch liên tục T0 không phải đợi như cổ phiếu. Bạn mua cổ phiếu thì khi cổ phiếu về tài khoản bạn mới có thể giao dịch được và chỉ được sử dụng vốn vay ký quỹ ở mức độ nhất định theo quy định của từng công ty chứng khoán.

Phái sinh được phép ký quỹ gấp nhiều lần vốn nếu thắng thì rất nhiều và thua cũng rất nhiều.

Bạn có thể mở vị thế giao dịch phái sinh bằng các lệnh mua (Long) nếu dự đoán giá tài sản cơ sở tăng trong tương lai, lệnh bán (Short) nếu dự đoán giá tài sản cơ sở giảm trong tương lai.

Theo quan điểm của mình, nhà đầu tư mới không nên tham gia phái sinh vì rủi ro rất cao trong ngắn hạn. Nếu bạn mong muốn trở thành trader (nhà giao dịch) thì hãy học hành bài bản mới nên tham gia chứng khoán phái sinh.

Còn mục tiêu chúng ta là tích lũy tài sản ròng của cá nhân thì nên lựa chọn đầu tư cổ phiếu hoặc trái phiếu vì tính ổn định, bền vững và có giá trị thực cho nền kinh tế.

Nếu Warren Buffett cũng “đánh phái sinh” thì sẽ không có nhà đầu tư giá trị huyền thoại! Ông là người “phản bác” các chỉ báo kỹ thuật, ông là nhà đầu tư thực thụ.

Ngoài cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh còn có chứng quyền (CW). Bạn có thể tìm hiểu chứng quyền tại đây!

Bài viết này chỉ tập trung vào chứng khoán vốn (Cổ phiếu) của thị trường cơ sở và đây cũng là công cụ được giao dịch phổ biến nhất hiện nay.

Cổ phiếu khác gì trái phiếu?

Cổ phiếu là chứng khoán vốn còn trái phiếu là chứng khoán nợ. Một bên là vốn huy động từ nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức, còn một bên là vốn vay từ nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức.

Bạn có thể xem qua bảng phân biệt cổ phiếu và trái phiếu:

Cổ phiếu Trái phiếu
Vốn huy động từ nhà đầu tư (Bạn là cổ đông) Vốn vay từ nhà đầu tư (Bạn là chủ nợ)
Rủi ro cao trong ngắn hạn. Rủi ro thấp trong ngắn hạn
Thanh khoản cao Thanh khoản cao
Tỷ suất lợi nhuận (Rate of Return) hấp dẫn trong dài hạn, kỳ vọng từ 13-17%/năm. Tỷ suất lợi nhuận (Rate of return) trung bình từ 7-9%/năm (Cao hơn tiền gửi ngân hàng)

Chứng chỉ quỹ đầu tư là gì?

Chứng chỉ quỹ là xác nhận quyền của nhà đầu tư đã góp vốn vào quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư dùng vốn của bạn để đầu tư vào các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi,…

Đọc thêm:

Chứng chỉ quỹ là gì?

Chứng chỉ quỹ khác gì cổ phiếu?

Chứng chỉ quỹ là hình thức ủy thác đầu tư, bạn không tự mình đầu tư mà góp vốn vào quỹ đầu tư để họ đầu tư sinh lời giúp bạn.

Chứng chỉ quỹ phù hợp với nhà đầu tư mới tham gia thị trường chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức để tự đầu tư cổ phiếu.

Bạn hãy xem bảng phân biệt sự khác nhau chứng chỉ quỹ và cổ phiếu bên dưới:

CCQ (OEFs, CEFs, ETFs) Cổ phiếu (Individual Stock)
Được quản lý bởi quỹ đầu tư chuyên nghiệp hoặc được lựa chọn mô phỏng lợi nhuận rổ chỉ số (Price Index) trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như tập đoàn Hòa Phát (HPG), tập đoàn Masan (MSN),...
Rủi ro thấp vì danh mục gồm nhiều tài sản khác nhau để phân tán rủi ro. Rủi ro cao tùy hiệu suất từng cổ phiếu.
Không được lựa chọn danh mục đầu tư của quỹ. Được lựa chọn danh mục cổ phiếu theo nhu cầu cá nhân.
Nhiều chi phí (Phí quản lý, phí mua lại, thuế TNCN) Phí thấp (Phí giao dịch, thuế TNCN)

#Sở giao dịch chứng khoán là gì?

Sở giao dịch chứng khoán là nơi thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán giống như một “cái chợ” cho các công ty niêm yết huy động vốn từ đại chúng – ở đây là nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức.

HOSE là gì?

HOSE – Ho Chi Minh Stock Exchange là sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh. HOSE là nơi niêm yết các cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản cao và điều kiện niêm yết khó khăn hơn các sàn khác.

Hiểu đơn giản, cổ phiếu niêm yết trên HOSE có chất lượng cao hơn nhiều so với các sàn khác. HOSE có nhiều cổ phiếu tốt, doanh nghiệp tỷ đô như Vingroup (VIC), Hòa Phát (HPG), MWG (Thế giới di động), VNM (Vinamilk),…

Các cổ phiếu trên sàn HOSE có biên độ dao động +-7%. Tức là tăng cao nhất là 7% hoặc giảm thấp nhất là 7%.

HNX là gì?

HNX – Hanoi Stock Exchange (HNX-INDEX) là sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. HNX là nơi niêm yết các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ hơn sàn HOSE. Điều kiện niêm yết cũng dễ dàng hơn. Các công ty chưa đủ điều kiện niêm yết trên HOSE sẽ được niêm yết trên HNX.

Tuy chất lượng cổ phiếu không bằng HOSE nhưng về cơ bản cũng có nhiều cổ phiếu tốt trên HNX, bạn chỉ cần chịu khó tìm tòi là sẽ có cổ phiếu tốt để đầu tư.

Các cổ phiếu trên sàn HNX có biên độ dao động lớn hơn nên rủi ro sẽ cao hơn HOSE, biên độ dao động của HNX-INDEX là +-10%.

UPCOM là gì?

UPCOM là sàn giao dịch trực thuộc sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tức là được quản lý bởi sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. UPCOM viết tắt là Unlisted Public Company Market tức là sàn giao dịch cho các công ty đại chúng chưa niêm yết, các công ty chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn HNX.

Các công ty trên UPCOM thường sẽ kém chất lượng hơn các công ty trên HOSE và HNX, tuy nhiên cũng có vài công ty làm ăn tốt nhưng vẫn thiếu một số điều kiện để niêm yết trên HNX và HOSE.

Cổ phiếu trên UPCOM dao động với biên độ cao +-15%, rất rủi ro trong ngắn hạn nhưng lợi nhuận rất cao. Sàn UPCOM là nơi “lưu trú” của dòng tiền đầu cơ, kiếm lợi nhuận ngắn hạn nhưng cũng rút rất nhanh.

Nếu bạn là nhà đầu tư nhỏ lẻ, mới tham gia thị trường thì không nên đi theo dòng tiền đầu cơ vì khi tiền rút, bạn không kịp trở tay tài khoản sẽ lao nhanh “vun vút”.

Các cá mập sẽ nuốt chửng bạn.

#Công ty chứng khoán là gì?

Công ty chứng khoán là nhân tố không thể thiếu trên thị trường chứng khoán. Công ty chứng khoán giống như “sân chơi” cho các nhà đầu tư. Họ tạo ra các sản phẩm để bạn có thể giao dịch, mua bán cổ phiếu trên HOSE, HNX và UPCOM.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán còn tự doanh chứng khoán, cho vay margin và tạo ra các sản phẩm chứng chỉ quỹ để thu lợi nhuận. Hoạt động xoay quanh việc mua bán chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư cá nhân có thể mở tài khoản tham gia đầu tư.

#Sàn giao dịch chứng khoán khác gì với sở giao dịch chứng khoán?

Sở giao dịch chứng khoán quản lý và tạo ra các sàn giao dịch chứng khoán ví dụ như SGDCK Hồ Chí Minh tạo ra và quản lý sàn HOSE.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tạo ra và quản lý sàn HNX và UPCOM.

Sở giao dịch chứng khoán là nơi xét duyệt cho các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán.

#Công ty chứng khoán khác gì với sở giao dịch hay sàn giao dịch chứng khoán?

Công ty chứng khoán tạo ra “sân chơi” và môi trường cho nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức tham gia mua bán cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, phái sinh, chứng quyền,… trên sàn giao dịch chứng khoán như HOSE, HNX và cả UPCOM.

Họ tạo ra hệ thống giao dịch kết nối trực tiếp với các sàn giao dịch để bạn đặt lệnh mua/bán chứng khoán, vay ký quỹ margin, mua chứng chỉ quỹ mở hoặc quỹ ETF, “đánh phái sinh”, “chơi chứng quyền”,…

Khi muốn đầu tư chứng khoán bạn phải mở tài khoản ở các công ty chứng khoán như TCBS, SSI, VND, VPS,… để có thể giao dịch.

#Môi giới chứng khoán (Broker) là gì?

Môi giới chứng khoán làm việc tại các công ty chứng khoán, họ chịu trách nhiệm phân tích, định giá và khuyến nghị mua/bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư.

Các môi giới chứng khoán sẽ phân tích định kỳ và thường xuyên, khuyến nghị nhà đầu tư mua bán tại một mức giá.

Các phân tích của môi giới chứng khoán có đúng không?

Bạn chỉ nên tham khảo để lấy thông tin, không nên quá tin 100%. Trong đầu tư, bạn không nên tin ai cả. Chỉ nên tin vào trực giác và phân tích của chính bạn, đó là con đường duy nhất khiến bạn thành công trên thị trường.

Đi chung với đám đông khi thị trường sụp, bạn cũng sẽ sụp đổ. 

Học kĩ các kiến thức và tự mình đầu tư vẫn là tốt nhất.

#Uỷ ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) có vai trò gì?

UBCKNN là cơ quan quyền lực của Bộ Tài Chính, quản lý toàn bộ thị trường chứng khoán, xử lý các vi phạm trên thị trường như giao dịch chui không công bố thông tin, thao túng giá cổ phiếu làm thiệt hại cho nhà đầu tư và xử lý những sai phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

#Cách hoạt động của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán hay cổ phiếu hoạt động theo cơ chế Supply – Demand (Cung cầu). Các công ty niêm yết phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân một số lượng nhất định. Các nhà đầu tư cá nhân mua/bán lẫn nhau tạo ra cung cầu trên thị trường.

Cung tăng thì giá giảm và ngược lại cầu tăng thì giá tăng. Số tài khoản chứng khoán mở mới khiến cầu tăng nên thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh mới và tăng trưởng ấn tượng sau 21 năm thành lập.

#Chỉ số tham chiếu là gì? Các chỉ số tham chiếu trên thị trường chứng khoán.

Chỉ số giá tham chiếu (Price Index) trên thị trường chứng khoán dùng để theo dõi độ biến động của một rổ các cổ phiếu đáp ứng 1 điều kiện nhất định. Trên thị trường có nhiều rổ cổ phiếu khác nhau được lập ra để theo dõi sự biến động của nhóm cổ phiếu đó.

Chỉ số VN-Index

Chỉ số VN-Index theo dõi độ biến động của một rổ tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE (Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hồ Chí Minh).

Đây là chỉ số thị trường, ngày nào bạn cũng đọc báo sẽ thấy chỉ số này được viết mỗi ngày. VN-Index hiện tại đang lập đỉnh lịch sử sau 21 năm thị trường chứng khoán ra đời.

VN-Index thường được dùng để các nhà đầu tư hoặc các quỹ đầu tư tham chiếu để so sánh xem danh mục của mình có hiệu suất vượt trội so với thị trường chung hay không.

Chỉ số VN-Index năm 2021 đang có mức định giá P/E khoảng 16 lần, vẫn là mức định giá hấp dẫn so với các thị trường chứng khoán ở khu vực như Malaysia, Philippine,…

VN-Index năm 2021 nằm trong top chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới 30.84%(Tháng 10/2021) do quy mô thị trường gia tăng nhờ các nhà đầu tư F0 như chúng ta.

Chỉ số VNAllshare-Index

VNAllshare là chỉ số ra đời để bổ sung cho VN-Index cùng đo lường độ biến động của tất cả các cổ phiếu trên HOSE. Tuy nhiên, VN-Index đo lường tất cả các cổ phiếu và không có tiêu chí nào để lọc cổ phiếu.

VN-Index thiếu đi sự chuẩn xác vì nhiều khi có nhiều mã giảm nhưng chỉ số vẫn tăng mạnh vì bị chi phối bởi các cổ phiếu vốn hóa cực lớn như VHM (Vinhomes), VCB (Vietcombank, VIC (Vingroup),…

Trong chứng khoán hay gọi là “xanh vỏ đỏ lòng”. VNAllshare đưa ra bộ tiêu chí về thanh khoản, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, thời gian niêm yết và giới hạn tỷ trọng vốn hóa để đưa vào rổ để hạn chế sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

VNAllshare đo lường các chỉ số thị trường chuẩn xác hơn VN-Index tuy nhiên ít được sử dụng mà đa phần các công ty chứng khoán sẽ dùng VN-Index do mức chênh lệch không quá xa và VN-Index là bộ chỉ số lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán.

VNAllshare là bộ chỉ số nền dùng để xây dựng các bộ chỉ số khác như VN30, VN100, VNFIN LEAD,…

Tìm hiểu về VNAllshare-Index.

Chỉ số VN30

VN30 là chỉ số mô phỏng độ biến động giá của danh mục 30 cổ phiếu hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Danh mục VN30 phải đáp ứng điều kiện về vốn hóa, thời gian niêm yết, thanh khoản, free float (Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng) và được thay đổi định kỳ, nếu cổ phiếu nào không đáp ứng các tiêu chí sẽ bị loại ra khỏi rổ VN30.

VN30 là chỉ số quan trọng ảnh hưởng mạnh đến VN-Index vì 30 cổ phiếu trong rổ này có vốn hóa rất lớn, doanh nghiệp lớn, kinh doanh “lãi to” nhiều năm liền.

Người mới có thể lựa chọn các cổ phiếu trong nhóm VN30 để đầu tư giá trị vì rủi ro thấp so với các nhóm khác và tỷ suất lợi nhuận kép ổn định 15-17%/năm trong dài hạn 3-5 năm.

Có rất nhiều cổ phiếu tốt, lợi nhuận tỷ đô như HPG (Hòa Phát), VHM (Vinhomes),… vẫn đang được định giá hấp dẫn trong dài hạn.

Chỉ số VNMidcap

VNMidcap là bộ chỉ số đo lường mức độ tăng trưởng của 70 cổ phiếu có quy mô vừa trong nhóm VNAllshare đáp ứng đúng điều kiện của rổ chỉ số sẽ được đưa vào rổ.

Chỉ số VNSmallcap

VNSmallcap là bộ chỉ số đo lường mức độ tăng trưởng của 149 công ty quy mô nhỏ trong nhóm VNAllshare.

Chỉ số VN100

VN100 là bộ chỉ số đo lường 30 cổ phiếu cho nhóm VN30 và 70 cổ phiếu trong nhóm VNMidcap đáp ứng đúng điều kiện của rổ.

Chỉ số VNFIN LEAD

VNFIN LEAD bao gồm tối thiểu 10 cổ phiếu thuộc ngành tài chính (VNFIN – VNAllShare Financials Index, đại diện 25% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, giá trị giao dịch tối thiểu 10 tỷ/phiên. Danh mục cổ phiếu của chỉ số VNFIN LEAD chủ yếu là ngân hàng và chứng khoán.

Năm 2020-2021 là năm tăng trưởng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán nên chỉ số VNFIN LEAD tăng rất mạnh trong thời gian 1 năm trở lại đây.

Chỉ số VN DIAMOND

VN DIAMOND là bộ chỉ số các cổ phiếu kim cương khoảng 17 cổ phiếu đáp ứng đủ điều kiện giá trị vốn hóa, thanh khoản, free float (Tỷ lệ tự do chuyển nhượng), FOL (Tỷ lệ sở hữu nước ngoài). Cụ thể về điều kiện thì bạn có thể xem trên website của HOSE để tìm hiểu thêm.

VNDIAMOND cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020-2021 vì danh mục sở hữu phần lớn các cổ phiếu ngân hàng.

Chỉ số VNX50

VNX50 là bộ chỉ số theo dõi độ biến động của 50 cổ phiếu tốt nhất trên sàn HOSE và HNX đáp ứng điều kiện của rổ bao gồm thanh khoản, vốn hóa, free float, tỷ lệ quay vòng,…

Chỉ số VNX50 cũng được xây dựng dựa trên bộ chỉ số VNAllshare-Index.

Các bộ chỉ số được xây dựng để theo dõi độ biến động và hiệu quả sinh lời của từng nhóm các cổ phiếu có tính chất tương tự nhau. Từ những bộ chỉ số chúng ta sẽ có những sản phẩm tài chính khác nhau.

Quỹ ETF là một sản phẩm tài chính dùng để theo dõi độ biến động của các chỉ số trên. Quỹ ETF được gọi là quỹ chỉ số, sử dụng hiệu quả sinh lợi “tự nhiên” của thị trường.

Nhà đầu tư cá nhân chúng ta có thể tham gia đầu tư quỹ ETF với số vốn nhỏ, không đòi hỏi nhiều kiến thức tài chính vì quỹ áp dụng chiến lược đầu tư thụ động (Passive Investing).

Nhà đầu tư bỏ tiền vào chỉ số và tận dụng chỉ số thị trường để gia tăng tài sản.

Đọc thêm: Quỹ ETF là gì? Hướng dẫn đầu tư quỹ ETF.

#Các thuật ngữ cơ bản chứng khoán

Trước khi tham gia đầu tư chứng khoán, bạn có thể tham khảo sơ qua các thuật ngữ mà khi đọc báo hay phân tích sẽ thường xuyên sử dụng. Mình có tổng hợp một số thuật ngữ hay dùng trên thị trường.

Do mình theo trường phái phân tích cơ bản, tập trung vào giá trị nội tại của doanh nghiệp hơn nên các thuật ngữ trong phân tích kỹ thuật mình sẽ không đưa vào đây.

Các thuật ngữ này thường được sử dụng trong đầu tư và tài chính, ở mức độ cơ bản nhất để bạn có thể tham gia đầu tư chứng khoán mà không bị bối rối.

Thuật ngữ đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư F0:

Tỷ suất lợi nhuận (Rate of Return) là gì?

Tỷ suất lợi nhuận (Rate of Return) là tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn đầu tư ban đầu trong 1 giai đoạn nhất định. Tỷ suất lợi nhuận giống như lãi suất, bạn gửi tiền ngân hàng sẽ có lãi suất của ngân hàng trung bình 6-7%/năm.

Bạn mua cổ phiếu đầu năm, cuối năm bán ra lãi 15% thì tỷ suất lợi nhuận của bạn là 15%/năm.

Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng (Expected Return) là gì?

Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng là lợi nhuận ước tính hay còn gọi là giá mục tiêu của bạn khi nắm giữ tài sản như cổ phiếu, trái phiếu hay chứng chỉ quỹ,…

Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng dựa trên giá trị nội tại của tài sản mà bạn nắm giữ. Ví dụ bạn mua cổ phiếu với giá 17,000vnd, giá trị nội tại của cổ phiếu là 22,000vnd. Vậy tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của bạn là (22-17)/17 = 29%.

Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng còn được tính dựa trên hiệu suất của tài sản được chứng minh qua 1 giai đoạn cụ thể. Tỷ suất lợi nhuận trung bình năm (CAGR) sẽ được dùng để đo lường tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng.

Ví dụ: Chỉ số VN30 tăng trưởng kép trung bình năm 2015-2021 là 17%/năm. Vậy quỹ ETF theo dõi chỉ số VN30 sẽ được kỳ vọng tăng trưởng kép 17%/năm dựa trên tăng trưởng trong 1 giai đoạn rất dài, rất đáng tin.

Khẩu vị rủi ro (Risk Tolerance) là gì?

Khẩu vị rủi ro là mức độ chấp nhận rủi ro của bạn. Nói đơn giản là khả năng “chịu lỗ” của bạn đến đâu.

Đầu tư vào tài sản biến động mạnh như cổ phiếu, tiền ảo thì khả năng mất tiền trong ngắn hạn cao hơn (Rủi ro cao) và tỷ suất sinh lời đáng kể hơn (Lợi nhuận cao).

Người có khẩu vị rủi ro thấp thường lựa các tài sản an toàn như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu,…

Người có khẩu vị rủi ro trung bình đến cao sẽ chọn các tài sản biến động mạnh trong ngắn hạn như cổ phiếu, tiền ảo,…

Khẩu vị rủi ro là khả năng chịu lỗ để đổi lấy lợi nhuận vượt trội. Nếu bạn là người mà mua cổ phiếu hôm nay ngày mai giá giảm 10% là đã hoang mang tột độ thì có thể khả năng chịu đựng rủi ro của bạn khá thấp, bạn nên chọn các tài sản an toàn, biến động thấp và có thu nhập cố định.

Không phải ai đầu tư cổ phiếu là mình cũng phải đầu tư cổ phiếu theo, có nhiều công cụ đầu tư với đa dạng mức độ rủi ro cho bạn chọn lựa.

Mỗi người có một khả năng chịu đựng rủi ro khác nhau, nếu bạn đi theo con sóng thì sóng sẽ đánh bạn, dập bạn “tơi tả”.

Tâm lý FOMO (Fear of missing out) trong cổ phiếu diễn ra thường xuyên, chúng ta sợ bỏ lỡ con sóng khi mà ai cũng kiếm được lợi nhuận, còn mình thì không.

Vì vậy, nhiều người thường chạy theo các con sóng trên thị trường mà khi sóng sập thì nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm sẽ chết trước. Các “big player” họ đã rút lui từ rất sớm khi ở đầu sóng.

Tăng trưởng kép trung bình năm (Compound Annual Growth Rate) là gì?

Tăng trưởng kép (CAGR) là thước đo quan trọng trong đầu tư dài hạn mà ít ai để ý tới vì đa phần chỉ muốn đầu tư ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu để kiếm tiền nhanh.

Theo như lịch sử chứng khoán thì chỉ có những nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư thực thụ mới tồn tại bền lâu trên thị trường chứng khoán. Các cổ phiếu tốt trong dài hạn luôn tăng giá trị vì doanh nghiệp tốt thì luôn tăng trưởng hằng năm.

CAGR đo lường tỷ suất lợi nhuận trong 1 giai đoạn cụ thể để tính tỷ suất lợi nhuận trung bình năm.

Số liệu trong dài hạn luôn là số liệu đáng tin hơn và có độ chính xác cao vì trải qua những năm thăng trầm trên thị trường. Có năm tăng cao, có năm giảm mạnh, suy ra trung bình ở một mức cố định và cân bằng.

CAGR còn được gọi là tăng trưởng kép hay lãi kép trong đầu tư nếu bạn không rút tiền lãi ra, tiền lãi cộng dồn với vốn gốc sẽ tạo nên lãi kép.

Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (Initial Public Offering) là gì?

Initial Public Offering hay còn gọi là IPO, doanh nghiệp bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn từ đại chúng.

Các cổ phiếu bạn mua trên sàn chứng khoán đều là những doanh nghiệp niêm yết.

Việt Nam chúng ta còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, startup chưa niêm yết vì đang phát triển chưa có lợi nhuận hoặc chưa có kế hoạch niêm yết.

Future Value (FV) là gì?

Future Value là giá trị tương lai của một khoản tiền, giá trị tiền trong tương lai của bạn có thể giảm nếu bạn không làm gì do áp lực lạm phát. Nếu bạn có công cụ đầu tư hoặc ít nhất là gửi tiết kiệm để nhận lãi suất thì bạn sẽ giữ được giá trị của tiền trong tương lai hoặc làm nó sinh lợi tốt hơn bằng công cụ đầu tư hiệu quả.

Present Value (PV) là gì?

Present Value là giá trị tiền trong hiện tại của bạn. Bạn đã từng nghe “Tiền mất giá theo thời gian”, tức là tiền của bạn hôm nay sẽ có giá hơn trong tương lai vì vậy bạn hãy quý trọng từng đồng trong ngày hôm nay nhé!

Nếu bạn có công cụ đầu tư tốt, giá trị hiện tại của bạn sẽ được gia tăng đáng kể trong tương lai.

Tài sản ròng là gì?

Tài sản ròng (Net Worth) là “tiền ròng” của bạn sau khi trừ đi hết các khoản vay. Ví dụ bạn đang có tổng tài sản là 300 triệu (Cổ phiếu 200 triệu, trái phiếu 100 triệu). Trong đó bạn đã vay margin (vay của công ty chứng khoán) 100 triệu để mua cổ phiếu. Vậy tài sản ròng hay tiền ròng của bạn là 200 triệu.

Tài sản ròng của bạn càng lớn bạn càng giàu có!

Thu nhập cố định (Fixed Income) là gì?

Thu nhập cố định là dòng tiền bạn thu lại được mỗi tháng hoặc mỗi năm nhờ đầu tư vào các công cụ tạo thu nhập cố định. Ví dụ: Đầu tư bất động sản cho thuê, đầu tư cổ phiếu trả cổ tức đều đặn hằng năm (Đầu tư cổ tức), đầu tư trái phiếu, gửi tiết kiệm hoặc mua chứng chỉ tiền gửi, đầu tư sản xuất kinh doanh,…

Danh mục đầu tư (Portfolio) là gì?

Danh mục đầu tư là một nhóm các tài sản bạn đang nắm giữ để phân tán rủi ro trong đầu tư. Nếu bạn nắm giữ một loại tài sản duy nhất thì mức độ rủi ro cao hơn khi bạn nắm giữ nhiều loại tài sản khác nhau để cân bằng lại danh mục.

Danh mục đầu tư có thể bao gồm cổ phiếu (Trong cổ phiếu có nhiều cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ cổ phiếu), trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, bất động sản,…

Danh mục đầu tư rất đa dạng phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư hoặc phụ thuộc vào trường phái đầu tư của người đó.

Có người chỉ thích đầu tư vào quỹ chỉ số ETF hoặc quỹ mở.

Có người chỉ thích đầu tư giá trị cổ phiếu nên danh mục chủ yếu là cổ phiếu giá trị.

Có người chỉ thích đầu tư bất động sản hoặc trái phiếu,…

Trường phái đầu tư là gì?

Trường phái đầu tư là “style”, phong cách đầu tư của từng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ví dụ Warren Buffett theo trường phái đầu tư giá trị, Peter Lynch theo trường phái đầu tư tăng trưởng.

Chinh chiến trên thị trường thời gian dài bạn sẽ có phong cách đầu tư của riêng bạn, bộ lọc của riêng bạn và mức sinh lời của riêng bạn. Người mới tham gia đầu tư có thể học hỏi các trường phái đầu tư kinh điển trên thế giới.

Sau một thời gian dài, bạn có thể sáng tạo ra trường phái đầu tư của bạn.

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản là phương pháp phân tích tập trung vào nội tại doanh nghiệp.

Nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản có thể chọn phân tích định lượng là đọc báo cáo tài chính, sử dụng các số liệu trong bảng cân đối kế toán (Balance Sheet), bảng báo cáo kết quả kinh doanh (P&L – Profit and Loss), bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash Flow Statement) để phân tích các chỉ số như P/E, P/B, ROE, ROA, D/E,… để xác định giá trị thực của cổ phiếu trên thị trường.

Ngoài ra, bên cạnh các phân tích định lượng nhà đầu tư còn kết hợp các phân tích định tính như nhu cầu sản phẩm trên thị trường, đội ngũ lãnh đạo, mô hình kinh doanh, thị phần thương hiệu, hệ thống nhà phân phối, đại lý, lợi thế cạnh tranh của thương hiệu trên thị trường,…

Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính về bản chất là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện qua các con số, chỉ số tài chính theo quý hoặc theo năm.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp có 3 phần chính là báo cáo lưu chuyển tiền tệ để theo dõi tiền vào, tiền ra (Cash Flow Statement), báo cáo hoạt động kinh doanh (Profit and Loss) để biết doanh thu, chi phí, lợi nhuận bao nhiêu, bảng cân đối kế toán (Balance Sheet) để biết tình hình nợ nần, tài sản và vốn chủ sở hữu công ty (Tổng tài sản = Vốn chủ sở hữu + Tổng nợ phải trả).

Đọc báo cáo tài chính là kĩ năng quan trọng trước khi bạn tham gia đầu tư chứng khoán theo trường phái phân tích cơ bản.

Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật là sử dụng chuyển động của giá cổ phiếu để xác định xu hướng tăng hay giảm giá trong tương lai. Phân tích kỹ thuật sử dụng mô hình phân tích giá, ngưỡng kháng cự, hỗ trợ, các chỉ báo kỹ thuật như đường trung bình động MA, MACD, nến Nhật, chỉ báo RSI, dải mây Ichimoku,…

Có rất nhiều chỉ báo kỹ thuật để phân tích sự chuyển động của giá cổ phiếu.

Vậy các chỉ báo có đúng 100% không? Các chỉ báo kỹ thuật chỉ đúng khoảng 40-50%, có lúc đúng, lúc sai.

Phân tích kỹ thuật dành cho các trader (nhà giao dịch) họ mua bán cổ phiếu gần như ngay lập tức khi cổ phiếu về tài khoản, ăn lãi khoảng 7-10% là họ chốt lời, lỗ khoảng 7-8% họ cắt lỗ.

Đây là phương pháp phức tạp với nhà đầu tư cá nhân mới tham gia đầu tư. Nếu bạn muốn tham gia thì nên nghiên cứu và học hành bài bản để trở thành trader.

Với đa số mọi người thì đầu tư cổ phiếu chủ yếu là để tăng trưởng tài sản trong dài hạn, không nên mua bán ngắn hạn. Mình cũng vậy, mình chỉ mua cổ phiếu tốt và nắm giữ trong dài hạn, rất ít khi mua bán ngắn hạn.

Khi thị trường tăng mạnh quá thì “lướt lát” vài cổ phiếu với tỷ trọng nhỏ để kiếm “ít tiền” từ xu hướng dòng tiền. Chốt lãi xong là mình quay lại mua các cổ phiếu giá trị đã xác định từ trước với mục tiêu dài hạn.

Đầu tư giá trị (Value Investing) là gì?

Đầu tư giá trị là phương pháp đầu tư kinh điển của Benjamin Graham – thầy của Warren Buffett. Tập trung vào phân tích cơ bản để xác định giá trị nội tại của cổ phiếu, khi cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị thì mua vào, giá tăng lên bằng hoặc vượt giá trị thì bán ra.

Phương pháp đầu tư giá trị thường sử dụng biên độ an toàn (Margin of safety) để định giá cổ phiếu. Tức là cổ phiếu phải giảm đủ sâu dưới giá trị của nó tùy vào biên an toàn sử dụng là bao nhiêu mới tiến hành giải ngân và mua vào. Biên an toàn càng cao thì rủi ro càng thấp và lợi nhuận trên cổ phiếu đó càng hấp dẫn.

Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing) là gì?

Đầu tư tăng trưởng là phương pháp nổi tiếng của Peter Lynch, ông đã dẫn dắt Magellan Fund đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) 29.3% trong 13 năm, gấp 3 lần chỉ số thị trường chung S&P 500 của Mỹ.

Quỹ đầu tư của ông trở thành chứng chỉ quỹ bán chạy nhất thế giới.

Đầu tư tăng trưởng tập trung vào các doanh nghiệp có mức tăng trưởng EPS nhanh nhưng khác với phương pháp đầu tư giá trị là thường bị định giá cao trên thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai như các công ty công nghệ, xe điện,…

Đầu tư tăng trưởng có rủi ro cao hơn và đem lại cho bạn mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng (Capital Growth).

Đầu tư tăng trưởng là nhìn vào lợi nhuận “khủng” trong tương lai 5-10 năm chứ không tập trung vào lợi nhuận trong 1-2 quý hay 1-2 năm tới.

Đầu tư chủ động (Active Investing)?

Đầu tư chủ động là phương pháp đầu tư mà bạn cố gắng tối ưu danh mục đầu tư để đạt hiệu suất sinh lợi so với thị trường chung. Các quỹ mở thường áp dụng chiến lược đầu tư chủ động. Họ sẽ liên tục cơ cấu danh mục đầu tư, mua/bán các chứng khoán đạt kỳ vọng lợi nhuận hoặc hiệu quả kinh doanh kém để có mức sinh lợi vượt trội cho chứng chỉ quỹ.

Đọc thêm: Quỹ mở là gì? Hướng dẫn đầu tư quỹ mở.

Đầu tư thụ động (Passive Investing)?

Đầu tư thụ động là phương pháp đầu tư sử dụng sức mạnh từ các chỉ số tham chiếu của thị trường như VN30, VNFIN LEAD, VN DIAMOND,… Quỹ áp dụng phương pháp thụ động, không can thiệp vào danh mục như gia tăng tỷ trọng, cơ cấu chứng khoán mà chỉ cố gắng mô phỏng đúng chỉ số tham chiếu để nhà đầu tư sinh lợi dựa trên các chỉ số tham chiếu.

Quỹ ETF áp dụng phương pháp đầu tư thụ động, mô phỏng các chỉ số tham chiếu trên thị trường.

Đọc thêm: Quỹ ETF là gì?

Bear Market là gì?

Bear Market là thị trường gấu tức là đang trong xu hướng giảm ngắn hạn hoặc trung hạn. Khi vào thị trường gấu, đa phần nhà đầu tư sẽ chán nản vì không có lợi nhuận và rút vốn tìm kênh đầu tư khác.

Tuy nhiên, nắm giữ cổ phiếu “khỏe”, tăng trưởng tốt thì mặc dù thị trường trong xu hướng giảm bạn vẫn có tỷ suất lợi nhuận tốt.

Bull Market là gì?

Bull Market là thị trường bò, thị trường giá tăng. Trong thị trường giá tăng đa phần các nhà đầu tư hưng phấn, tiền vào cuộn cuồn dẫn đến nhiều cổ phiếu với giá tăng mạnh vượt giá trị nội tại. Tại thị trường giá lên là cơ hội để nhiều nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư có kinh nghiệm chốt lời để cơ cấu danh mục đầu tư.

Ủy thác đầu tư là gì?

Ủy thác đầu tư là hình thức đầu tư mà bạn không trực tiếp đầu tư, bạn sẽ bỏ vốn cho quỹ đầu tư bằng cách mua chứng chỉ quỹ để quỹ đầu tư gia tăng tài sản giúp bạn. Đây là hình thức đầu tư an nhàn, an toàn, rủi ro thấp và lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả phí quản lý cao hơn tự mình đầu tư.

Ủy thác đầu tư sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí cơ hội, bạn tập trung làm công việc chuyên môn để gia tăng thu nhập và sử dụng nguồn lực bên ngoài để giúp bạn tăng trưởng tiền thay vì bạn phải mất thời gian tìm hiểu rất nhiều về đầu tư chứng khoán.

Đọc thêm: Chứng chỉ quỹ là gì? Hướng dẫn đầu tư chứng chỉ quỹ.

Margin là gì?

Margin là đòn bẩy tài chính, tức là bạn vay thêm tiền của công ty chứng khoán để mua thêm cổ phiếu với tỷ lệ ký quỹ được phép. Khi vay margin bạn phải ký quỹ (giống như thế chấp) phần cổ phiếu của bạn đang có và vay thêm được một khoản tiền tùy vào tỷ lệ của mỗi công ty chứng khoán.

Khi cổ phiếu tăng giá thì lợi nhuận bạn gia tăng nhanh hơn, khi cổ phiếu điều chỉnh hoặc giảm sâu đến một mức độ dưới ngưỡng cho phép bạn sẽ bị công ty chứng khoán “margin call” (yêu cầu nộp tiền vào tài khoản) hoặc “force sell” (buộc bạn phải bán cổ phiếu để trả nợ).

Vay ký quỹ bạn phải trả lãi suất trung bình từ 9-11%/năm tùy công ty chứng khoán. Nếu cổ phiếu bạn tăng hơn mức đó thì bạn sẽ có lợi nhuận chênh lệch, nếu cổ phiếu bạn tăng bằng hoặc thấp hơn thì bạn hòa vốn hoặc lỗ.

Đọc thêm: Margin là gì? Hướng dẫn toàn tập về Margin trong chứng khoán.

Thuật ngữ giao dịch chứng khoán cơ bản cho người mới bắt đầu:

Brokers là gì?

Broker là môi giới chứng khoán. Các broker sẽ đưa ra các khuyến nghị đầu tư mua/bán dựa trên các phân tích và định giá cổ phiếu.

Traders là gì?

Trader là nhà giao dịch, tức là mua bán thường xuyên cổ phiếu dựa trên các biểu đồ giá và phân tích kỹ thuật.

Trader có nhiều loại như Day Trader (Mua bán liên tục trong ngày), ở Việt Nam mua cổ phiếu bạn phải đợi 3 ngày mới về nên Day Trader ở Việt Nam thường chủ yếu giao dịch phái sinh vì phái sinh giao dịch T0 (Mua và bán liền trong ngày). Còn ở các thị trường phát triển bạn có thể giao dịch cổ phiếu trong ngày.

Trend Trader (Mua bán theo xu hướng dòng tiền), Momentum Trader (mua bán dựa trên động lực giá cổ phiếu), Swing Trader (mua bán nắm giữ 1-2 tháng dựa trên xu hướng break-bứt phá của cổ phiếu sau thời gian dài tích lũy).

Investors là gì?

Investors là nhà đầu tư mua bán cổ phiếu dựa trên tăng trưởng của doanh nghiệp và thường nắm giữ trong dài hạn để giá cổ phiếu phản ánh đúng thực lực của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư không quan tâm giá trong ngắn hạn chỉ quan tâm các yếu tố như sản phẩm, khách hàng, thị phần doanh nghiệp và các yếu tố vĩ mô kinh tế.

*Mua đi bán lại cổ phiếu mỗi ngày bạn không phải là nhà đầu tư mà bạn là nhà giao dịch.

Vốn hóa thị trường?

Vốn hóa thị trường là giá trị của tổng số cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp trên thị trường. Ví dụ: cổ phiếu A có giá 50,000 vnd, tổng số cổ phiếu là 30 triệu cổ phiếu vậy vốn hóa thị trường của A là 30 triệu * 50,000vnd = 1500 tỷ.

Thanh khoản là gì?

Thanh khoản là khả năng mua bán của cổ phiếu. Nếu bạn mất thanh khoản thì có nghĩa là bạn bán không ai mua hoặc mua không ai bán.

Khối lượng giao dịch (Volume) và biểu đồ (Chart)?

Khối lượng giao dịch là tổng số lượng cổ phiếu được giao dịch trong 1 khoảng thời gian như 1 phiên, 1 ngày, 1 tháng,…

Biểu đồ thể hiện tổng khối lượng cổ phiếu và thị giá cổ phiếu được khớp lệnh trong 1 khoảng thời gian. Biểu đồ có biểu đồ theo năm, tháng, ngày, giờ, 30 phút, 15 phút, 1 phút.

Độ biến động (Volatility) là gì?

Độ biến động là biên độ tăng giảm của cổ phiếu, cổ phiếu với độ biến động càng cao thì rủi ro càng cao trong ngắn hạn.

Đặt lệnh là gì?

Đặt lệnh là bạn thực hiện thao tác mua bán cổ phiếu bằng các lệnh mua hoặc lệnh bán trên ứng dụng đầu tư chứng khoán.

Khớp lệnh là gì?

Khớp lệnh là khi bạn đặt lệnh mua bán ở một mức giá sẽ có người khác cũng đặt lệnh mua bán ở cùng mức giá của bạn. Vậy là bạn khớp với lệnh bên kia. Cũng giống như ở ngoài bạn bán một món đồ với giá A, người khác mua món đồ của bạn chấp nhận mức giá A, bạn và người đó đã khớp lệnh với nhau.

Lệnh MP (Market Price) là gì?

Lệnh MP là lệnh mua bán theo mức giá thị trường đang giao dịch.

Lệnh LO (Limit Order) là gì?

Lệnh LO là lệnh giới hạn là lệnh mua bán tại một mức giá cố định do bạn chủ động nhập giá theo mong muốn.

Lệnh ATC (At the close) là gì?

Lệnh ATC – At the close là lệnh giao dịch ở mức giá đóng cửa. Lệnh ATC bắt đầu vào lúc 14h30 – 14h45 hàng ngày trên sàn HSX và HNX.

Lệnh ATO (At the open) là gì?

Lệnh ATO – At the open là lệnh giao dịch ở mức giá mở cửa. Lệnh ATO bắt đầu vào lúc 9h-9h15 hàng ngày trên sàn HSX và HNX.

Lệnh dừng lỗ (Stop Loss Order) là gì?

Lệnh dừng lỗ là lệnh bạn bán chứng khoán tại một mức giá xác định để cắt lỗ. Các trader hay dùng lệnh này để cắt lỗ nếu cổ phiếu bị thủng ngưỡng hỗ trợ hoặc vi phạm nguyên tắc cắt lỗ của trader.

Lệnh chốt lãi (Take Profit Order) là gì?

Lệnh chốt lãi là lệnh bán chứng khoán tại một mức giá xác định đã đạt kỳ vọng lợi nhuận hoặc giá chạm ngưỡng kháng cự.

Có nhiều lệnh mua/bán chứng khoán, tuy nhiên với góc độ nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường chứng khoán bạn có thể dùng hai lệnh cơ bản là lệnh LO (Lệnh chủ động đặt giá) hoặc lệnh MP (Lệnh mua bán theo mức giá của thị trường).

Nếu bạn là nhà đầu tư giá trị thì bạn có thể dùng hai lệnh trên để mua tại mức giá đã tính toán hoặc canh mua lệnh thị trường khi giá giảm xuống ở mức hấp dẫn trong dài hạn dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Uptrend và Downtrend là gì?

Uptrend là xu hướng tăng trong ngắn hạn, trung hay dài hạn.

Downtrend là xu hướng giảm trong ngắn hạn, trung hay dài hạn.

Mua ròng

Mua ròng là tổng giá trị mua lớn hơn giá trị bán của khối ngoại hoặc nhà đầu tư trong nước. Các phân tích thường dùng thuật ngữ “mua ròng” để có cái nhìn toàn cảnh về thị trường bên mua đang chiếm ưu thế hay bên bán đang chiếm ưu thế để đưa ra các nhận định về thị trường chung.

Mua ròng liên tục là một điểm sáng trên thị trường và dự báo sẽ chỉ ra xu hướng tăng giá trong tương lai.

Bán ròng

Bán ròng thì ngược lại là tổng giá trị bán lớn hơn giá trị mua của khối ngoại hoặc nhà đầu tư trong nước.

Bán ròng nhiều là việc hết sức tiêu cực khi các dự báo chỉ ra thị trường sẽ giảm giá trong tương lai.

Giá đóng cửa điều chỉnh?

Giá đóng cửa điều chỉnh là mức giá chốt phiên giao dịch. Nếu cổ phiếu có chia cổ tức thì giá sẽ điều chỉnh giảm theo tỷ lệ chia cổ tức tại ngày giao dịch không hưởng quyền.

Giá tham chiếu là gì?

Giá tham chiếu là mức giá đóng cửa điều chỉnh của phiên trước đó dùng để làm tham chiếu cho phiên giao dịch liền kề. (Giá màu vàng)

Giá trần là gì?

Giá trần là giá cao nhất trong ngày giao dịch (Giá màu tím) mà bạn có thể mua bán. Ở sàn HOSE thì tăng/giảm cao nhất là +-7%, sàn HNX +-10%, sàn UPCOM +-15%.

Giá sàn là gì?

Giá sàn là giá thấp nhất trong ngày giao dịch (Giá màu xanh lơ) mà bạn có thể mua bán. Giá sàn là nỗi ám ảnh của biết bao nhà đầu tư trên thị trường.

Ở sàn HOSE bạn có thể mất 7% trong ngày, tương đương với giá trị gửi tiết kiệm 1 năm.

“Khóc ròng” là gì?

Khóc ròng là “tiếng khóc” của nhà đầu tư trên thị trường khi thị trường sụp đổ và giảm sâu.

Target price là gì?

Target price là giá mục tiêu của cổ phiếu. Giá mục tiêu có thể là giá trị nội tại của doanh nghiệp hoặc giá mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư mong muốn. Giá mục tiêu dùng để chốt lãi cổ phiếu.

PHẦN 2: CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

Trong phần 2, mình sẽ đi sâu chia sẻ về các trường phái đầu tư phổ biến và các cách tiếp cận để phân tích chứng khoán.

Không có trường phái hay phân tích đầu tư nào là hoàn hảo chỉ có trường phái đầu tư của riêng bạn mới tồn tại theo thời gian.

Mong rằng sau phần này bạn có thể nắm bắt được các trường phái đầu tư trên thế giới, từ đó có thể xây dựng cho mình một trường phái đầu tư phù hợp.

#Các trường phái đầu tư cổ phiếu phổ biến

Đầu tư giá trị (Value Investing)

Đầu tư giá trị là trường phái đầu tư của Benjamin Graham – nhà đầu tư huyền thoại người Anh – Mỹ. Học trò của ông là Warren Buffett cũng là một tỷ phú – một nhà đầu tư vĩ đại.

Trường phái đầu tư giá trị là trường phái đầu tư phổ biến trên toàn thế giới là phương pháp đầu tư an toàn, rủi ro thấp và lợi nhuận hấp dẫn trong dài hạn. Đầu tư giá trị hướng đến các cổ phiếu có giá thị trường đang thấp hơn giá trị nội tại của doanh nghiệp hay còn gọi là mức chiết khấu so với giá thị trường. Giá trị nội tại và giá thị trường chênh lệch càng lớn, tỷ suất lợi nhuận (Rate of return) của nhà đầu tư càng cao.

Để xác định giá trị nội tại (Intrinsic Value) các nhà phân tích hay nhà đầu tư thường dùng các phương pháp định giá cổ phiếu dựa trên các chỉ số tài chính của doanh nghiệp. Có rất nhiều phương pháp định giá cổ phiếu như phương pháp P/E, P/B, ROE, DCF, RNAV,…

Bí quyết định giá cổ phiếu cho người mới

Với nhà đầu tư mới thì các phương pháp định giá cổ phiếu thường khá phức tạp đòi hỏi bạn phải có kiến thức cơ bản về tài chính. Tuy nhiên, bạn có thể đọc báo cáo định giá của các công ty chứng khoán thời gian đầu để có thông tin và giá mục tiêu cho cổ phiếu và bắt đầu một cách đơn giản nhất.

Tuy nhiên, không nên quá tin tưởng vào một nguồn thông tin, bạn có thể tổng hợp thông tin của nhiều công ty chứng khoán và sau đó tính trung bình giá trị nội tại của các cổ phiếu trên thị trường. Lúc đó, bạn sẽ có giá mục tiêu của cổ phiếu để biết điểm vào/ra thị trường dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Phương pháp định giá cổ phiếu có chính xác không?

Không có một phương pháp định giá chính xác nhất, mỗi ngành nghề hay lĩnh vực sẽ có một phương pháp định giá cổ phiếu khác nhau và đều ở mức tương đối để bạn có góc nhìn tổng quan về doanh nghiệp. 

Đặc biệt là các phương pháp định giá cổ phiếu để giúp bạn xác định giá mục tiêu của cổ phiếu để có quyết định bán hợp lý dựa trên một tiêu chí cụ thể. Nếu không có định giá thì bạn không biết giá trị của doanh nghiệp, không biết điểm bán phù hợp dễ dẫn đến đầu cơ hoặc tâm lý FOMO (Sợ bị bỏ lỡ) trên thị trường chứng khoán.

Đầu tư cổ phiếu không phải là dự đoán giá một cách mơ hồ và mông lung. Nó là phương pháp khoa học và nghệ thuật, đặc biệt là nó cho bạn điểm dừng dựa trên niềm tin của bạn với doanh nghiệp đó.

Có thể giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh sau khi đạt giá trị thực mà bạn xác định. Có thể giá cổ phiếu mãi không tăng đến giá trị nội tại.

Lúc này bạn sẽ làm gì?

Định giá lại hàng quý hoặc hàng năm sẽ giúp bạn có mức giá hợp lý hơn tùy vào thời điểm của doanh nghiệp trên thị trường. Thực tế luôn khác thường. Bạn phải luôn thích ứng và định giá cổ phiếu liên tục dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai.

Các doanh nghiệp tăng trưởng sẽ luôn tăng giá trị nội tại trong tương lai vì vậy bạn phải luôn xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp trong từng thời điểm.

Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing)

Đầu tư tăng trưởng là phương pháp đầu tư ưa thích của nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao nhưng đem đến sự tăng trưởng vượt trội cho vốn đầu tư. Đây là phương pháp đầu tư của Peter Lynch và ông đã đạt tỷ suất lợi nhuận kép (CAGR) 29.3%/năm trong vòng 13 năm, gấp 3 lần chỉ số thị trường S&P 500. 

Quỹ Magellan của ông trở thành chứng chỉ quỹ mở bán chạy nhất thế giới.

Đầu tư tăng trưởng tập trung vào mức độ tăng trưởng EPS (Earning Per Share) của cổ phiếu trong tương lai. Chỉ số PEG (Chỉ số P/E so với tăng trưởng EPS) được ông dùng thường xuyên để lựa chọn cổ phiếu và định giá cổ phiếu.

Hiểu đơn giản, các công ty được dự đoán tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong tương lai sẽ nằm trong danh mục đầu tư của ông.

Lợi nhuận tăng mạnh phụ thuộc vào các yếu tố như vĩ mô, xu hướng tăng trưởng của ngành nghề, thị phần doanh nghiệp,….

Các công ty công nghệ thường được xem là các công ty tăng trưởng vì đó là xu hướng trong tương lai và nhu cầu người tiêu dùng tăng mạnh mẽ.

Ở Việt Nam, số lượng công ty công nghệ niêm yết trên thị trường chứng khoán “đếm trên đầu ngón tay” nhưng bạn có thể lựa chọn các ngân hàng, công ty bất động sản, bán lẻ,… tích cực chuyển đổi số. Dịch chuyển kênh bán hàng truyền thống sang ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. 

Kinh nghiệm cá nhân:

Danh mục đầu tư ưa thích và tiêu chí lựa chọn cổ phiếu của mình là các công ty chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng công nghệ trong mọi hoạt động như bán hàng, quản trị doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng,… Đặc biệt là công ty dẫn đầu chuyển đổi số và có đội ngũ công nghệ tuyệt vời trên thị trường. Đối với mình, đây là các cổ phiếu tăng trưởng ở môi trường kinh doanh Việt Nam.

Đầu tư thu nhập cố định (Income Investing)

Đầu tư thu nhập cố định là phương pháp đầu tư rủi ro thấp nhất và đem đến cho bạn nguồn thu nhập thụ động hàng năm. 

Nếu bạn lựa chọn trường phái đầu tư thu nhập cố định thì sẽ có các công cụ phù hợp như cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt đều đặn nhờ lợi nhuận tăng trưởng ổn định, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi hoặc đơn giản nhất là gửi tiền ngân hàng.

Đầu tư thu nhập cố định phù hợp với người “ăn chắc mặc bền”, mức độ chấp nhận rủi ro thấp. Kênh trái phiếu là kênh hấp dẫn thường được lựa chọn trong trường phái đầu tư này hoặc lựa chọn các công ty trả cổ tức cao và đều đặn hàng năm như cổ phiếu của Vinamilk (VNM)

Các cổ phiếu bluechips, tăng trưởng giá chậm rãi nhưng đem đến lợi nhuận đều đặn và ổn định mỗi năm nhờ cổ tức bằng tiền mặt.

Đầu tư bất động sản cho thuê cũng là một công cụ trong trường phái đầu tư thu nhập thụ động.

Bạn có thể trích một phần danh mục đầu tư để đầu tư vào các công cụ tạo thu nhập cố định để phục vụ cho nhu cầu tài chính cá nhân của mình.

Trader (Nhà giao dịch)

Trader là nhà giao dịch, mua bán cổ phiếu ngắn hạn T+ hoặc kiếm lời ngay trong phiên giao dịch nhờ phân tích chuyển động giá cổ phiếu bằng các phương pháp phân tích kĩ thuật.

Trader là một nghề và phải học rất nhiều về cách nhận dạng các mô hình giá, biểu đồ và am hiểu sâu sắc các chỉ báo kĩ thuật để đưa ra phán đoán về giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Họ có nguyên tắc chốt lời và cắt lỗ cụ thể tùy theo chiến lược giao dịch của từng trader. 

Đối với nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng khoán với mục tiêu tích lũy tài sản ròng trong dài hạn thì mua bán cổ phiếu ngắn hạn sẽ rất rủi ro cho tài sản của bạn trong ngắn hạn.

Nếu thị trường vào xu hướng tăng bạn có thể kiếm lời nhanh vì số mã tăng rất nhiều, bạn có thể dễ dàng kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Nhưng ngược lại thị trường vào xu hướng giảm, số mã tăng rất ít đa phần là các mã giảm giá thì việc bạn thua lỗ trên thị trường là việc tất yếu.

Trader là một trường phái giao dịch cổ phiếu và là một nghề nghiệp. Nếu bạn mong muốn trở thành trader thì có thể học tập và rèn luyện để có thể thành công trên thị trường.

Còn đây không phải nghề nghiệp của bạn thì bạn nên tìm trường phái đầu tư phù hợp hơn, an toàn cho vốn và đạt tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn trong dài hạn.

#Phương pháp phân tích cổ phiếu

Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis)

Phân tích Top-down (Từ trên xuống) là gì?

Phân tích top-down hay phân tích từ trên xuống là bạn giao dịch và đầu tư cổ phiếu dựa trên các yếu tố vĩ mô từ thị trường.

Ví dụ: Giá thép tăng trong ngắn hạn, các nhà đầu tư áp dụng phương pháp phân tích top-down sẽ kỳ vọng các cổ phiếu thép sẽ tăng mạnh. Vì vậy, họ sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu thép trong danh mục. 

Phân tích top-down áp dụng cho nhà giao dịch cổ phiếu ngắn hạn hoặc nhà đầu tư dài hạn. Đối với nhà đầu tư dài hạn, họ sẽ dựa vào các yếu tố vĩ mô trong dài hạn sẽ tác động đến tăng trưởng của doanh nghiệp.

Ví dụ: Luật thuế chống bán phá giá đường mía Thái Lan. Các nhà phân tích từ trên xuống sẽ kỳ vọng luật này sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất đường nội địa, dẫn đến kỳ vọng giá cổ phiếu của ngành đường sẽ tăng trưởng trong dài hạn. Họ sẽ phân bổ tỷ trọng danh mục đầu tư vào các cổ phiếu đường.

Phân tích top-down phù hợp với những nhà đầu tư yêu thích đầu tư vào chỉ số thị trường hoặc chỉ số ngành, điển hình là quỹ ETF – quỹ hoán đổi danh mục.

Quỹ ETF sẽ theo dõi chỉ số của ngành cụ thể hoặc rổ các chỉ số tham chiếu trên thị trường chứng khoán. Ví dụ như chỉ số VNFIN LEAD – Chỉ số ngành tài chính & ngân hàng.

Phân tích các yếu tố vĩ mô nếu tác động có lợi cho toàn ngành tài chính thì chỉ số VNFIN LEAD được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong tương lai và ngược lại.

Phân tích Bottom-up (Từ dưới lên) là gì?

Bottom-up là phương pháp phân tích từ dưới, nghĩa là tập trung vào các yếu tố vi mô của doanh nghiệp như sản phẩm, khách hàng, thị phần, đối thủ cạnh tranh, ban lãnh đạo,… 

Bottom-up phân tích toàn bộ các khía cạnh về doanh nghiệp bao gồm các yếu tố định lượng trong báo cáo tài chính và định tính như lợi thế cạnh tranh, năng lực của ban lãnh đạo, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp theo đuổi.

Phân tích bottom-up là phương pháp phân tích yêu thích của nhà đầu tư giá trị hoặc đầu tư tăng trưởng. Quan tâm đến nội tại doanh nghiệp hơn là các yếu tố vĩ mô từ thị trường.

Ví dụ: Giá thép có giảm mạnh nhưng nội tại doanh nghiệp của Hòa Phát rất mạnh, lợi nhuận “khủng”, ban lãnh đạo tuyệt vời, định giá hấp dẫn trong dài hạn vì Hòa Phát có nhiều mảng kinh doanh và tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn. Nhà đầu tư theo phương pháp bottom-up vẫn sẽ lựa chọn Hòa Phát dù giá thép có giảm mạnh hoặc tăng mạnh.

Phân tích định lượng 

Định lượng là phương pháp phân tích tập trung vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm phân tích các chỉ số doanh thu và lợi nhuận, bảng cân đối kế toán, dòng tiền vào/ra của doanh nghiệp.

Phương pháp phân tích định lượng phụ thuộc vào trường phái của nhà đầu tư. Có nhà đầu tư yêu thích chỉ số P/E, ROE. Có nhà đầu tư yêu thích chỉ số PEG, EPS,… 

Về bản chất, phân tích định lượng là cố gắng tìm ra mức giá trị nội tại hợp lý của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư. Các cổ phiếu có mức chiết khấu giá trị nội tại hấp dẫn sẽ thu hút nhà đầu tư rót tiền vào.

Phân tích định tính

Phân tích định tính là không dùng số liệu mà dùng các yếu tố về năng lực quản trị của đội ngũ lãnh đạo, thị phần, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp.

Phân tích định tính cũng quan trọng không kém phân tích định lượng. Giá cổ phiếu chỉ phản ảnh một phần, đầu tư vào doanh nghiệp là bạn đầu tư vào giá trị của doanh nghiệp trong tương lai. 

Xây dựng bộ tiêu chí về phân tích định tính sẽ giúp bạn có niềm tin “sắt đá” để đầu tư vào doanh nghiệp đó, thị trường sẽ không khiến bạn “hoảng loạn” và bán mất “hàng tuyển”.

Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis)

Phân tích kỹ thuật là phương pháp thường được các trader (nhà giao dịch) dùng để phân tích và dự đoán giá cổ phiếu trong tương lai dựa trên biến động giá hiện tại.

Các nhà giao dịch sử dụng các chỉ báo kĩ thuật, các mô hình giá, sử dụng chart, biểu đồ,… nhằm mục tiêu xác nhận xu hướng giá tăng hay giá giảm của cổ phiếu.

Technical Analysis là phương pháp rất phức tạp, đòi hỏi bạn phải có đầu óc phân tích và có kiến thức, kinh nghiệm giao dịch trên thị trường. Với nhà đầu tư mới và nhà đầu tư chỉ tiếp cận đầu tư tài chính để tích lũy tài sản thì phương pháp này không thực sự phù hợp với bạn.

Nếu bạn muốn trở thành nhà giao dịch chuyên nghiệp thì nên đầu tư học hành bài bản. Học hỏi kiến thức chuẩn, học từ người đi trước và quan trọng hơn hết là phải làm thật, giao dịch thật trên thị trường.

Tự tạo ra phương pháp phân tích của riêng mình (Personalized Analysis)

Các nhà đầu tư huyền thoại đều có trường phái đầu tư riêng và phương pháp phân tích riêng.

Đi ngược đám đông là yếu tố quan trọng giúp bạn thành công trên thị trường chứng khoán.

Sau khi tham gia đầu tư chứng khoán được một thời gian dài, bạn có nhiều kiến thức và kinh nghiệm giao dịch. Đặc biệt là “sense”, cảm giác trong đầu tư.

Bạn có thể tự tạo ra phương pháp phân tích riêng, theo sở thích riêng của bạn.

Trong đầu tư chứng khoán, không có đúng, không có sai chỉ có mất tiền hoặc “mất rất nhiều tiền”.

PHẦN 3: CHỌN LỌC CỔ PHIẾU TỐT VÀ ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU CƠ BẢN

Phần 3 là phần rất quan trọng và là kỹ năng cần thiết bạn cần có để lựa chọn cổ phiếu tốt và nắm giữ.

Các nội dung của phần 3 tập trung vào giới thiệu các loại báo cáo tài chính, cách chọn lọc cổ phiếu dựa trên các bộ lọc của các nhà đầu tư huyền thoại và các chỉ số tài chính hữu ích cho nhà đầu tư F0.

Kiến thức nghe có vẻ cao siêu nhưng thật ra rất đơn giản, chỉ cần bạn đọc kĩ và nhiều lần là có thể thẩm thấu và tự chọn cổ phiếu cho chính mình.

#Đọc hiểu báo cáo tài chính cơ bản nhất

Nghe đến báo cáo tài chính, bạn sẽ nghĩ đến những con số phức tạp, nhưng thực tế đọc báo cáo tài chính không khó như bạn nghĩ.

Nguyên tắc đọc dữ liệu là tập trung vào những con số quan trọng nhất của doanh nghiệp. 

Doanh thu, lợi nhuận, chi phí chính là những con số quan trọng nhất đối với bất kì nhà đầu tư nào bao gồm nhà đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng.

Đầu tư vào một công ty có doanh thu và lợi nhuận khủng, kiểm soát chi phí tốt thì bạn sẽ an tâm ngủ ngon, không sợ giá cổ phiếu ngày mai sụp đổ và mất hết giá trị.

Báo cáo tài chính sẽ có 3 bảng và bạn sẽ làm việc thường xuyên với các bảng này:

Bảng cân đối kế toán (Balance Sheet)

Bảng này dùng để theo dõi tài sản, nợ so với vốn chủ sở hữu. Hiểu đơn giản, công ty muốn kinh doanh phải có vốn mà vốn sẽ đến từ 2 đầu là vốn chủ sở hữu và vốn vay.

Vốn chủ sở hữu và vốn vay sẽ là tài sản của công ty. Vì vậy bảng cân đối kế toàn chỉ ra rằng:

Tổng tài sản = Vốn chủ sở hữu + Vốn vay (Tổng nợ)

Bảng cân đối kế toán rất quan trọng vì bạn sẽ biết được tài sản của công ty đến từ đâu là chủ yếu. Nếu một công ty mà tổng tài sản chủ yếu là nợ thì rất nguy hiểm.

Nợ có thể khiến công ty mất thanh khoản, tức là không thể trả nợ và buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ. 

Điển hình như tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc Evergrande đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì 80% tài sản của công ty là vay nợ.

Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Profit and Loss)

Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là bảng theo dõi doanh thu, chi phí, lợi nhuận của công ty.

Có nhiều công ty có doanh thu cao nhưng lợi nhuận sau thuế thấp bởi vì công ty có quá nhiều chi phí.

Ngược lại, công ty có doanh thu thấp nhưng kiểm soát các loại chi phí rất tốt nên lợi nhuận của công ty rất cao.

Bạn không nên chỉ nhìn vào một con số là lợi nhuận sau thuế (Bottom Line) mà nên nhìn toàn cảnh doanh thu và chi phí của doanh nghiệp. 

Chi tiết hơn bạn sẽ phân tích kĩ về các loại doanh thu của công ty đến từ mảng kinh doanh nào. Các loại chi phí của doanh nghiệp cụ thể là gì để đánh giá xem họ có tối ưu được các khoản chi phí này hay cải thiện doanh thu của hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp hay không.

Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash Flow Statement)

Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ dùng để theo dõi hoạt động tiền vào/tiền ra của các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hay còn gọi là bảng theo dõi dòng tiền giúp doanh nghiệp theo dõi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và hoạt động tài chính từ khoản thu nhập ròng hay lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giúp bạn tính toán được dòng tiền tự do (Free Cash Flow) của doanh nghiệp – dòng tiền còn lại sau khi đã đầu tư vào máy móc, thiết bị, nhà xưởng,…

Dòng tiền tự do được doanh nghiệp dùng để trả nợ, chi trả cổ tức, mua lại cổ phiếu. Free Cash Flow là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng trưởng trong tương lai.

Free Cash Flow dùng để định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF (Discounted Cash Flow). Đây là phương pháp định giá được nhiều nhà đầu tư sử dụng để xác định giá trị nội tại của cổ phiếu.

Các chỉ số tài chính đơn giản và hữu ích cho nhà đầu tư mới

Chỉ số EPS (Earning Per Share)

EPS là tỷ suất thu nhập trên mỗi cổ phần, hiểu đơn giản là công ty kiếm được lợi nhuận bao nhiêu trên mỗi cổ phần đang lưu hành. 

EPS là thước đo lợi nhuận và sức hấp dẫn của doanh nghiệp. Đây là chỉ số được dùng thường xuyên để chọn lọc cổ phiếu tốt.

EPS càng cao càng tốt. EPS càng cao có nghĩa là lợi nhuận của doanh nghiệp đang cao hơn so với giá cổ phiếu trên thị trường.

Công thức tính EPS = Lợi nhuận ròng/Tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Ví dụ: Một doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế là 1000 tỷ, số cổ phiếu đang lưu hành là 100 triệu. Vậy EPS = 1000 tỷ/100 triệu = 10,000 vnd

Có nghĩa là công ty có lợi nhuận 10,000vnd trên mỗi cổ phiếu đang lưu hành. Nếu công ty tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu thì lợi nhuận phải tăng trưởng đi theo. Nếu không chỉ số EPS sẽ giảm qua các năm hay còn gọi là bị pha loãng.

*EPS tăng trưởng cao qua các năm là cổ phiếu tốt.

Chỉ số P/E (Giá trên thu nhập)

Chỉ số P/E thường được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá cổ phiếu đó đang đắt hay rẻ so với trung bình ngành hoặc thị trường. 

P/E thể hiện mức giá nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để trả cho một đồng lợi nhuận hay thu nhập của doanh nghiệp. Mức giá bạn sẵn sàng chi trả cho cổ phiếu đó dựa trên thu nhập của doanh nghiệp.

P/E thường được so sánh giữa hai doanh nghiệp cùng ngành để xem doanh nghiệp nào đang có định giá rẻ hơn.

P/E cao không có nghĩa là cổ phiếu không tốt. P/E cao nhà đầu tư kỳ vọng thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Các cổ phiếu tăng trưởng có P/E cao hơn các cổ phiếu giá trị.

Công thức P/E = Giá thị trường cổ phiếu/EPS.

Chỉ số ROE

ROE – Return on Equity là tỷ suất lợi nhuận trên bình quân vốn chủ sở hữu. 

ROE là chỉ số yêu thích của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Chỉ số này nói cho chúng ta biết doanh nghiệp tạo ra được lợi nhuận bao nhiêu trên mỗi đồng vốn đầu tư.

ROE còn gọi là tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu. Top 200 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam có ROE từ 13,7%. Vì vậy, 13,7% được xem là tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu tham chiếu của thị trường chứng khoán. Cao hơn là tốt mà thấp hơn là chưa tốt. Doanh nghiệp sử dụng vốn chưa hiệu quả.

Warren Buffett thường lựa chọn các công ty có ROE > 15%.

Công thức ROE = Lợi nhuận ròng (Return)/Bình quân vốn chủ sở hữu (Average Shareholders’ Equity).

*Bình quân vốn chủ sở hữu = Trung bình cộng vốn chủ sở hữu kỳ này và kỳ trước đó.

Net Profit Margin (Biên lợi nhuận ròng)

Net Profit Margin hay Net Margin là chỉ số đánh giá tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu. Hiểu đơn giản là mỗi đồng doanh thu mà doanh nghiệp kiếm được thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Net Profit Margin thể hiện dưới dạng %.

Biên lợi nhuận ròng giúp nhà đầu tư đánh giá được doanh nghiệp kiểm soát các chi phí như thế nào như chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận hành, chi phí bán hàng, chi phí quảng cáo, khuyến mãi,…

Doanh nghiệp có doanh thu không cao nhưng kiểm soát chi phí tốt thì biên lợi nhuận cao, doanh nghiệp có nhiều lãi hơn. Doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng kiểm soát chi phí không tốt thì biên lợi nhuận ròng thấp.

Net Profit Margin = Lợi nhuận sau thuế/Tổng doanh thu.

Debt-to-equity – D/E (Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu)

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là chỉ số đo lường tỷ trọng nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hay còn gọi là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp.

D/E càng cao có nghĩa là nợ chiếm tỷ trọng lớn trên vốn chủ sở hữu. Nếu bạn nắm giữ cổ phiếu có D/E cao đồng nghĩa với rủi ro cao trong dài hạn vì khi có biến động xảy ra, doanh nghiệp dễ bị mất thanh khoản vị nợ quá nhiều.

Công thức D/E = Debt (Tổng nợ)/Equity (Vốn chủ sở hữu)

Ví dụ: Evergrande là doanh nghiệp bất động sản có tỷ trọng nợ/vốn chủ sở hữu 10.3, nợ 304,18 tỷ đô trên 29.51 tỷ đô vốn chủ sở hữu và đã bị mất thanh khoản. 

D/E tốt ở mức 0.5-1, nếu quá thấp thì doanh nghiệp không tận dụng tốt đòn bẩy tài chính để tăng trưởng nếu quá cao thì “nợ quá đà”. Vì vậy, doanh nghiệp sử dụng nợ hợp lý trên vốn, tận dụng tốt đòn bẩy để tăng trưởng là doanh nghiệp xứng đáng bạn có thể xuống tiền.

Vốn lưu động (Working Capital)

Vốn lưu động hay vốn lưu động thuần (NWC – Net Working Capital) là thước đo quan trọng về tính thanh khoản và sức khỏe tài chính trong ngắn hạn của doanh nghiệp. 

Công thức NWC = Tài sản ngắn hạn (Current Asset) – Nợ ngắn hạn (Current Liabilities)

Đó là khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn như tiền lương nhân viên, tiền nguyên vật liệu phải trả người bán, thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của ngân hàng,…

Các tài sản ngắn hạn là tiền và tương đương tiền, hàng tồn kho, các khoản phải thu, đầu tư tài chính ngắn hạn như trái phiếu đáo hạn dưới 1 năm, chứng chỉ tiền gửi,…

NWC ra âm có nghĩa nợ ngắn hạn của doanh nghiệp quá nhiều so với tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp có khả năng mất thanh khoản trong ngắn hạn, có thể đình trệ mọi hoạt động kinh doanh hoặc nghiêm trọng nhất là phá sản.

Không có mức NWC hợp lý cho tất cả các doanh nghiệp, phải dựa vào tính chất ngành nghề của doanh nghiệp. NWC quá cao cũng không tốt, quá thấp lại càng không tốt.

Quá cao có nghĩa là doanh nghiệp đang có nhiều hàng tồn kho và chưa sử dụng tài sản tiền mặt hợp lý để phát triển doanh nghiệp.

Quá thấp dẫn đến mất thanh khoản. Cân bằng là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, để tìm được mức cân bằng thì bạn phải tìm hiểu rất sâu về doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp, tính chất ngành nghề và nhiều chỉ số tài chính khác.

Quick Ratio (Hệ số thanh toán nhanh)

Hệ số thanh toán nhanh (Quick Ratio) là tỷ lệ đo lường khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp bằng tiền mặt hoặc tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt để trả nợ ngắn hạn thay vì phải bán hàng tồn kho để trả nợ.

Quick Ratio – QR càng cao doanh nghiệp càng “khỏe mạnh” trong ngắn hạn, không phải lo lắng về các khoản nợ đến kỳ như lương, tiền thuê nhà, các khoản nợ ngắn hạn,…

Đặc biệt là trong giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp có QR cao sẽ dễ dàng vượt qua thời kỳ khó khăn nhất để thanh toán các hóa đơn ngắn hạn.

QR > 1 được xem là “tốt” và có sức khỏe tài chính lành mạnh.

Ví dụ: QR = 1.5, có nghĩa là công ty có 1,5 đồng tiền mặt để trả cho 1 đồng nợ trong ngắn hạn.

Công thức Quick Ratio = Tài sản ngắn hạn (Current Asset) – Hàng tồn kho (Inventory) – (Chi phí trả trước – Prepaid Expenses).

Còn nhiều các chỉ số tài chính khác để bạn nghiên cứu và phân tích doanh nghiệp. Trên đây là các chỉ số tài chính hữu ích và đơn giản nhất cho nhà đầu tư mới. Bạn có thể tham khảo để đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp trước khi đầu tư.

PHẦN 4: RỦI RO VÀ LỢI NHUẬN TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận.

Công cụ lợi nhuận cao đi kèm với rủi ro cao.

Trong phần này, mình sẽ phân tích các loại rủi ro hiện hữu trên thị trường chứng khoán. Nhận diện được rủi ro là cách để bạn “phòng ngự” tốt nhất trong tình huống thị trường biến động.

#Rủi ro trong đầu tư chứng khoán

Rủi ro là điều không thể tránh khỏi khi bạn tham gia đầu tư tài chính, tuy nhiên rủi ro ở mức nào và quản trị rủi ro như thế nào là phụ thuộc vào chính bạn.

Trong đầu tư chứng khoán, bạn sẽ gặp các rủi ro như rủi ro hệ thống, rủi ro phi hệ thống, rủi ro thanh khoản:

Rủi ro hệ thống

Rủi ro hệ thống là rủi ro từ thị trường, các yếu tố vĩ mô như lạm phát, dịch bệnh, các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Rủi ro hệ thống thường tác động đến toàn thị trường, điển hình là dịch bệnh, các cổ phiếu giảm giá gấp 3, 4 lần các cổ phiếu tăng giá trong một thời điểm.

Rủi ro phi hệ thống

Rủi ro phi hệ thống là rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp cụ thể như thông tin tiêu cực về ban lãnh đạo, sản phẩm, tài chính không lành mạnh,…

Khi có thông tin tiêu cực nào tác động trực tiếp đến doanh nghiệp sẽ làm cổ phiếu của doanh nghiệp đó lao dốc.

Rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản là bạn không thể bán được cổ phiếu vì “múa bên trăng”-“trắng bên mua”.

Đây là trường hợp điển hình của hàng đầu cơ, các cổ phiếu kinh doanh thua lỗ mà giá vẫn tăng giá ầm ầm. Đến khi cổ phiếu giảm giá mạnh thì không ai mua, bạn không thể bán lại được và đành nhìn tài khoản “bốc hơi” mỗi ngày.

Tóm lại, bản chất của rủi ro trong đầu tư chứng khoán là khiến bạn “lỗ ròng” trên thị trường dù là loại rủi ro nào. Khi tài sản giảm giá, bạn sẽ mất tiền và thua lỗ.

#Tỷ suất lợi nhuận trung bình trên thị trường chứng khoán

Tỷ suất lợi nhuận trung bình năm gọi là tỷ suất lợi nhuận kép hằng năm (CAGR) tính trong 1 giai đoạn cụ thể.

Bạn có thể xem qua bảng dưới đây để xem hiệu suất trung bình năm của chỉ số VN-Index và VN30 trong giai đoạn 2015-2021.

Đầu tư chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn với tỷ suất lợi nhuận từ cao đến rất cao mà ít có công cụ đầu tư nào có thể vượt qua. Tuy nhiên, đây là công cụ rất rất rủi ro trong ngắn hạn.

VN-Index có thể tăng 10% và giảm 10% chỉ sau 1 tuần. Vì vậy, trước khi tham gia bạn nên trang bị các kiến thức đầu tư chứng khoán.

PHẦN 5: XÂY DỰNG VÀ QUẢN TRỊ RỦI RO CHO DANH MỤC ĐẦU TƯ

Một danh mục đầu tư tốt là danh mục đầu tư tăng trưởng ổn định, “bất biến” trước thị trường.

Quản trị rủi ro cho danh mục đầu tư tốt bạn có thể an tâm nắm giữ cổ phiếu lâu dài và có lợi nhuận hấp dẫn trong dài hạn để tích lũy tài sản ròng (Net Worth).

Trong phần này mình sẽ chia sẻ các kiến thức về xây dựng và quản trị danh mục đầu tư cơ bản nhất cho người mới.

“All in” vào một cổ phiếu sẽ mang cho bạn mức lợi nhuận hấp dẫn nhưng rủi ro rất cao đang hiện hữu. Khi cổ phiếu bạn vào chu kỳ giảm giá (downtrend) thì bạn sẽ mất rất nhiều tiền, ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống.

Danh mục tốt là danh mục cân bằng và tăng trưởng tốt.

Vậy làm sao để xây dựng một danh mục cân bằng và tăng trưởng tốt? Phần dưới đây sẽ chia sẻ các kiến thức về quản trị danh mục đầu tư, giúp bạn có thêm phương pháp để quản trị và cân bằng danh mục.

#Phân bổ tài sản đầu tư (Asset Allocation) là gì? Tại sao phải phân bổ các loại tài sản khác nhau?

Phân bổ tài sản là bạn chọn lựa nhiều tài sản và phân bổ tỷ trọng cho từng loại tài sản (Asset Class). Các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tiền kĩ thuật số, tiền gửi ngân hàng,…

Phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư sẽ giúp bạn hạn chế rủi ro hệ thống (Rủi ro từ thị trường). Đây là rủi ro bạn không thể giảm thiểu được vì nó đến từ “tự nhiên”. 

Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế rủi ro từ thị trường bằng cách phân bổ vốn vào nhiều loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu,… với tỷ trọng tương đương với khả năng chấp nhận rủi ro.

*Các tài sản có độ tương quan ngược chiều nhau sẽ giúp bạn cân bằng lại rủi ro cho danh mục.

Ví dụ: Bạn là người có mức độ chấp nhận rủi ro trung bình. Bạn sẽ phân bổ tài sản 50% vào chứng khoán vốn (cổ phiếu), 25% chứng khoán nợ (trái phiếu), 25% tiền mặt hoặc tiền gửi ngân hàng.

#Đa dạng hóa danh mục đầu tư (Diversification)

Đa dạng hóa là bạn lựa chọn nhiều tài sản con (Sub-asset class) trong cùng một loại tài sản.

Ví dụ bạn lựa chọn đầu tư 100% vốn vào cổ phiếu. Các tài sản con (Sub-asset class) là các mã cổ phiếu mà bạn lựa chọn để nắm giữ.

Còn bạn lựa chọn đầu tư 100% vốn vào trái phiếu. Các tài sản con (Sub-asset class) là nhiều loại trái phiếu khác nhau của nhiều ngành nghề khác nhau.

Đa dạng hóa sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro mất tiền trong cùng một loại tài sản. 

Đa dạng hóa đối với cổ phiếu có nhiều cách:

  • Đa dạng hóa theo ngành nghề, lĩnh vực để khi dòng tiền vào và rút ra trong 1 nhóm ngành cụ thể thì bạn không bị mất quá nhiều tiền.
  • Đa dạng hóa theo vốn hóa của cổ phiếu như Large Cap (Vốn hóa lớn), Mid Cap (Vốn hóa nhỏ), Small Cap (Vốn hóa vừa).
  • Đa dạng hóa theo loại cổ phiếu như cổ phiếu trong nhóm VN30 hay còn gọi là Bluechips và nhóm vốn hóa nhỏ Penny.
  • Đa dạng hóa theo nhóm cổ phiếu giá trị, cổ phiếu tăng trưởng,…

Đa dạng hóa có rất nhiều cách và phụ thuộc vào trường phái đầu tư của bạn.

Mục đích cuối cùng của đa dạng hóa danh mục là giảm thiểu rủi ro khi bạn “all in” vào một mã duy nhất khi mã đó tăng mạnh bạn có thể có rất nhiều tiền nhưng khi mã đó giảm mạnh, bạn cũng sẽ mất tiền rất nhanh. 

#Độ lệch chuẩn (Deviation) danh mục đầu tư

Độ lệch chuẩn dùng để đo lường mức độ biến động tăng/giảm của danh mục đầu tư. Danh mục có độ lệch chuẩn thấp thì biên độ tăng giảm cũng thấp.

Độ lệch chuẩn là thước đo một danh mục cổ phiếu có rủi ro cao hay rủi ro thấp. Nếu bạn nắm giữ các tài sản có độ lệch chuẩn cao thì rủi ro cao như các cổ phiếu penny hay tiền kĩ thuật số. Tăng giảm với biên độ từ 10-15% trong 1 tuần hay 1 tháng là rất cao trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, độ lệch chuẩn thấp cũng không có nghĩa là tốt với người có khẩu vị rủi ro cao. Họ thường có xu hướng lựa chọn các cổ phiếu tăng trưởng hoặc các tài sản đem lại lợi nhuận lớn.

Độ lệch chuẩn là thước đo mức độ rủi ro của tài sản dựa trên sự biến động của giá. Bạn có thể tính toán độ lệch chuẩn của 1 danh mục cổ phiếu bằng Excel hay Google Spreadsheet để xác định rủi ro danh mục, từ đó có những phương án cải thiện và quản trị rủi ro tốt hơn.

#Hệ số tương quan (Correlation) là gì? Sử dụng Correlation như thế nào để quản trị rủi ro danh mục đầu tư

Hệ số tương quan dùng để so sánh hai tài sản có mức độ biến động như thế nào. Ví dụ: Tài sản A tăng 5%, tài sản B tăng 5%. Vậy hệ số tương quan của hai tài sản A,B là 100%. Tức là biến động cùng chiều với nhau. Ngược lại nếu tài sản B -5% thì tài sản A và B biến động ngược chiều với nhau. Hệ số tương quan bằng 0.

Hệ số tương quan nhằm mục đích là giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư bằng cách xác định các tài sản biến động cùng chiều hay ngược chiều với nhau.

Khi lựa chọn danh mục đầu tư bạn sẽ đa dạng hóa các cổ phiếu thuộc nhiều ngành khác nhau để giảm hệ số tương quan, hạn chế rủi ro khi cả hai cùng giảm giá sâu.

Hoặc bạn có thể phân bổ các tài sản (Asset Allocation) khác nhau như trái phiếu, vàng, cổ phiếu, bất động sản,… để giảm hệ số tương quan, từ đó bảo vệ danh mục đầu tư của bạn để có lợi nhuận ổn định hằng năm.

Hệ số tương quan của bạn càng thấp, rủi ro sẽ thấp đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận sẽ không cao nhưng có sự ổn định và bảo toàn vốn gốc.

#Các ngành nghề trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Bạn có thể xem tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam tại Vietstock.

Các ngành nghề hiện trên sàn chứng khoán Việt Nam:

  • Tài chính và bảo hiểm.
  • Xây dựng và bất động sản.
  • Sản xuất.
  • Tiện ích.
  • Vận tải và kho bãi
  • Bán buôn
  • Bán lẻ
  • Công nghệ thông tin
  • Khai khoáng
  • Sản xuất nông nghiệp
  • Giáo dục
  • Y tế
  • Lưu trú và ăn uống
  • Nghệ thuật giải trí,…

Hiện nay nhóm ngành tài chính, bất động sản đang chiếm tỷ trọng rất lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhóm ngành nghề quan trọng như công nghệ, y tế, giáo dục, nghệ thuật,… chiếm tỷ trọng nhỏ và rất ít doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Có rất ít các công ty niêm yết trong các lĩnh vực quan trọng và bền vững như công nghệ, y tế, sức khỏe,… dẫn đến hạn chế về chiến lược đầu tư và sự lựa chọn đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân và cả nhà đầu tư ngoại.

PHẦN 6: CÁCH GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN CHO NGƯỜI MỚI

Phần này thiên về các kĩ thuật và cách sử dụng công cụ để giao dịch cổ phiếu.

Để có thể giao dịch cổ phiếu bạn nên hiểu về quy định giao dịch của sàn giao dịch chứng khoán, đọc bảng giá cổ phiếu như thế nào để mua cổ phiếu, thời gian mở cửa và các nguyên tắc khớp lệnh giao dịch chứng khoán.

Mình đã tổng hợp các thông tin hữu ích cho nhà đầu tư mới có thể hiểu và giao dịch cổ phiếu một cách thuận tiện và dễ dàng tại môi trường Việt Nam.

Đầu tư cổ phiếu

#Hướng dẫn xem bảng giá chứng khoán

Để có thể giao dịch và mua cổ phiếu, trước tiên bạn nên nắm bắt các thông tin cơ bản về bảng giá cổ phiếu.

Nhìn nhiều số và thông tin nhưng thật ra bạn chỉ cần quan tâm một số cột quan trọng và hiểu cơ bản về các thông tin khác trên bảng giá.

Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư giá trị, chiến lược nắm giữ trung và dài hạn thì mỗi tháng bạn chỉ nên xem vài lần khi rảnh rỗi. Xem nhiều quá sẽ thành chứng “nghiện”, nghiện bảng điện sẽ dẫn đến những quyết định thiếu sáng suốt và dính tâm lý FOMO khi thị trường giảm hoặc tăng mạnh.

Nhà đầu tư giá trị là nhà đầu tư nắm giữ vì giá trị của công ty, giá cổ phiếu trên thị trường biến động không làm họ lung lay và bán tháo cổ phiếu giá trị khi chưa đạt mục tiêu.

Bạn có thể xem bảng giá tại các công ty chứng khoán hoặc xem tại website sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) hoặc website sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Nếu bạn xem tại các công ty chứng khoán thì có thể xem giá được cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM.

Thông tin bảng giá cổ phiếu:

Đơn vị giá: 1.000vnd. Đơn vị khối lượng: 10 cổ phiếu. (HOSE)

Đơn vị giá: 1.000vnd. Đơn vị khối lượng: 1000 cổ phiếu (HNX và UPCOM)

Ví dụ:

Sàn HOSE:

Giá trên bảng giá là 50.1 sẽ là 50,100vnd

Khối lượng trên bảng giá là 350 sẽ là 3500 cổ phiếu.

Sàn HNX và UPCOM

Giá trên bảng giá là 50.1 sẽ là 50,100vnd

Khối lượng trên bảng giá là 350 sẽ là 350.000 cổ phiếu.

Trên bảng giá sẽ có các cột:

Mã: Mã cổ phiếu của công ty niêm yết là 3 chữ cái.

Trần: Giá trần màu tím là giá cao nhất trong phiên. HOSE là +7%, HNX +10%, UPCOM +15%.

Sàn: Giá sàn màu xanh lơ là thấp nhất trong phiên. HOSE -7%, HNX -10%, UPCOM -15%.

TC: Giá tham chiếu màu vàng là giá đóng cửa phiên liền kề trước đó. Tức là giá không tăng cũng không giảm.

Dư mua: Có 6 cột Giá 1, Khối Lượng (KL) 1; Giá 2, KL 2; Giá 3, KL 3 thể hiện giá và khối lượng của bên mua. Giá và khối lượng được sắp xếp theo mức độ ưu tiên: Giá 1 và KL 1 là giá mua cao nhất được xếp gần cột Khớp Lệnh nhất. Giá 3 và KL 3 là giá mua thấp nhất được xếp xa cột Khớp Lệnh nhất.

Khớp Lệnh: Là bên mua chấp nhận mức giá bên bán đang rao bán hoặc bên bán chấp nhận mức giá bên mua đang chờ mua. Hai bên khớp với nhau gọi là khớp lệnh.

% hoặc +-: Là cột thể hiện giá tăng hay giảm so với giá tham chiếu của cổ phiếu. Bạn có thể chuyển qua xem bằng % để dễ tính tăng trưởng giá cổ phiếu.

Giá xanh lá: Là giá tăng so với giá tham chiếu (TC) nhưng không phải giá trần.

Giá đỏ: Là giá giảm so với giá tham chiếu (TC) nhưng không phải giá sàn.

Dư bán: Cũng có 6 cột Giá 1, KL 1, Giá 2, KL 2, Giá 3, KL 3 thể hiện giá đang treo bán của bên bán. Giá 1, KL 1 là mức giá bán thấp nhất và gần cột Khớp Lệnh nhất. Giá 3, KL 3 là mức giá bán cao nhất và xa cột Khớp Lệnh nhất.

Cao: Là mức giá khớp lệnh cao nhất trong phiên (Có thể là giá trần hoặc không phải chỉ là giá khớp cao nhất giữa bên bán và bên mua trong 1 phiên giao dịch).

TB: Là mức giá khớp trung bình trong phiên (Không phải giá tham chiếu).

Thấp: Là mức giá khớp thấp nhất trong phiên (Không phải giá sàn)

TKL: Là tổng khối lượng đang giao dịch trong phiên.

Trên bảng giá của công ty chứng khoán bạn có thể xem giá cổ phiếu trên sàn HOSE, HNX và UPCOM. Xem theo ngành nghề, danh mục của bạn hoặc danh mục cổ phiếu bạn đang theo dõi.

#Quy định giao dịch cổ phiếu của sàn HOSE, HNX và UPCOM

Đơn vị giao dịch cổ phiếu

Đơn vị giao dịch khớp lệnh lô chẵn: 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF hoặc chứng chỉ quỹ đóng. Tức là bạn phải mua tối thiểu 100 cổ phiếu thì lệnh mới được thực hiện.

Hiện trên thị trường chứng khoán bạn không thể mua cổ phiếu lô lẻ. Bạn chỉ có thể mua bằng lệnh FS (Fractional Share) mình sẽ trình bày ở phần tiếp theo “Sở hữu cổ phần đầu tiên” ngay bên dưới bài viết này.

Phương thức khớp lệnh:

Khớp lệnh định kỳ:

So khớp lệnh mua bán cổ phiếu tại một thời điểm nhất định như phiên ATO (Mở cửa) hay phiên ATC (Phiên đóng cửa).

Nguyên tắc xác định giá:

  • Mức giá thực hiện đạt khối lượng giao dịch lớn nhất.
  • Nếu có nhiều mức giá thỏa mãn điều kiện ở trên thì mức giá trùng hoặc gần nhất với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn.

Khớp lệnh liên tục:

So khớp lệnh mua bán cổ phiếu ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch.

Khớp lệnh thỏa thuận:

Mua bán cổ phiếu tại mức giá thỏa thuận thường dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nguyên tắc khớp lệnh

Ưu tiên về giá:

Lệnh mua: Ưu tiên lệnh mua giá cao nhất.

Lệnh bán: Ưu tiên lệnh bán giá thấp nhất.

Ưu tiên về thời gian:

Ưu tiên lệnh được nhập vào hệ thống sớm nhất.

Thời gian giao dịch của thị trường chứng khoán

Phương thức giao dịch Giờ giao dịch
Cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF, chứng chỉ quỹ đóng (CEF)
Khớp lệnh định kỳ mở cửa (ATO) và thỏa thuận 9h00 - 9h15’
Khớp lệnh liên tục I và thỏa thuận 9h15’ - 11h30’
Nghỉ giữa phiên  11h30’ - 13h00
Khớp lệnh liên tục II và thỏa thuận 13h00 - 14h30’
Khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC) và thỏa thuận 14h30 - 14h45’
Giao dịch thỏa thuận  14h45’ - 15h00

Thời gian thanh toán

Lệnh mua Lệnh bán
T+3 (Cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF hoặc quỹ đóng). 3 ngày cổ phiếu về tài khoản mới có thể bán. T+2 (2 ngày sau khi bán tiền về tài khoản bạn có thể rút tiền)

Các công ty chứng khoán có dịch vụ “Ứng trước tiền bán chứng khoán” như chứng khoán Techcombank với lãi suất 10.5%/năm. Nếu có nhu cầu sử dụng tiền thì bạn có thể ứng trước để chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân. Ứng trước tiền bán chứng khoán bạn sẽ không cần phải đợi T+2.

#Tổng hợp danh sách tất cả các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HOSE, HNX và UPCOM

Tổng hợp các cổ phiếu đang giao dịch trên sàn HOSE.

Tổng hợp các cổ phiếu đang giao dịch trên sàn HNX và UPCOM.

Ngoài ra, bạn có thể mở tài khoản chứng khoán tại TCInvest để xem tất cả các cổ phiếu bao gồm thông tin doanh nghiệp, báo cáo tài chính, các chỉ báo phân tích kỹ thuật,…

PHẦN 7: SỞ HỮU CỔ PHẦN ĐẦU TIÊN CỦA CÔNG TY BẠN “HÂM MỘ” BẤY LÂU

Nên mở tài khoản chứng khoán công ty nào để có thể sở hữu cổ phần đầu tiên?

Có nhiều công ty chứng khoán cho bạn mở tài khoản. Bạn có thể lựa chọn bất kì công ty nào. Phần này mình sẽ đưa ra một vài tiêu chí mình lựa chọn để mở tài khoản chứng khoán.

Không nhất thiết phải mở tài khoản theo công ty mình chọn, bạn có thể lựa chọn công ty nào phù hợp với nhu cầu của bạn.

Đây là bước cuối cùng để bạn có thể sở hữu cổ phần của công ty mà bạn yêu thích.

Bạn sắp trở thành cổ đông “lớn” của doanh nghiệp!

#Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu?

Trên thị trường có nhiều công ty chứng khoán, bạn có thể mở tài khoản ở bất kì công ty chứng khoán nào để giao dịch cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ.

Mình thường đưa ra các tiêu chí để lựa chọn các công ty chứng khoán như:

  • Có thương hiệu trong ngành.
  • Quy trình mở tài khoản không phức tạp, rắc rối.
  • Chi phí giao dịch thấp.
  • Lãi vay margin dao động từ 9-11%.
  • Hệ thống giao dịch ổn định không bị lỗi thường xuyên.
  • Nếu có lệnh mua lô lẻ càng tốt hoặc lệnh Fractional Share (FS) để bạn mua cổ phiếu theo ngân sách bạn đã hoạch định từ trước.

Dưới đây là hai công ty chứng khoán mình lựa chọn vì VPS có lệnh FS để đầu tư theo ngân sách còn TCInvest là phí giao dịch rẻ, có nhiều tính năng để quản lý gia sản.

Xem đánh giá TCInvest.

Ứng dụng Phí giao dịch Lãi vay Margin Mở tài khoản
TCInvest 0.10% 11% Mở tài khoản TCInvest
VPS 0.15 - 0.3% (Tùy vào giá trị giao dịch) 14% Mở tài khoản VPS

#Cách mua chứng khoán

Bạn có thể mua chứng khoán bằng lệnh MP (Market Price) giá thị trường hoặc LO (Limit Order) chủ động nhập mức giá kỳ vọng. 

Sau khi bạn đã hoạch định được mục tiêu tài chính dài hạn, chọn lọc cổ phiếu kĩ càng và xác định mức giá mua hợp lý. Bạn có thể mua cổ phiếu tại các công ty chứng khoán mỗi tháng ngay sau khi có lương theo các quy tắc phân bổ thu nhập như 50/30/20 hay 80/20 để chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.

Nếu cổ phiếu tôi mua giảm giá thì sao?

Giảm giá là chuyện thường xuyên xảy ra trên thị trường chứng khoán. Mức độ biến động của cổ phiếu là rất lớn và tùy vào mỗi cổ phiếu có độ biến động khác nhau.

Nếu cổ phiếu giảm giá khi bạn vừa mua thì đừng lo lắng quá! Hãy tin vào chiến lược đầu tư mà bạn đã tự xây dựng. Bạn đã có mức định giá cổ phiếu trong đầu thì cứ yên tâm mà nắm giữ cổ phiếu đến khi đạt giá mục tiêu.

Nếu tháng này mua, tháng sau giảm thì bạn mua thêm như kế hoạch đã hoạch định. Bạn có cơ hội được trung bình giá (DCA – Dollar-cost Averaging). Tức là kéo giảm giá vốn cổ phiếu mà bạn đã mua.

Ví dụ

Tháng 1, bạn mua 10 triệu đồng cổ phiếu A với giá 50,000vnd. Bạn sở hữu 200 cổ phiếu.

Tháng 2, thị trường giảm giá do tin tức mới về biến chủng COVID-19, bạn mua tiếp 10 triệu đồng cổ phiếu A theo ngân sách với giá là 40,000vnd. Lúc này bạn sở hữu 250 cổ phiếu.

Vậy theo công thức DCA – Trung bình giá xuống: 10+10 (triệu)/ 450 (cổ phiếu) = 44,400 (vnd).

Giá vốn của bạn mua cổ phiếu sẽ chỉ còn 44,400 vnd, giảm đáng kể so với giá ban đầu bạn mua 50,000vnd. Khi giá tăng lên lại 50,000vnd, bạn sẽ có tỷ suất lợi nhuận là 13%.

Đầu tư giá trị thì dùng lệnh mua nào?

Nếu bạn là nhà đầu tư giá trị hoặc nhà đầu tư tăng trưởng, mua và nắm giữ chiến lược dài hạn thì bạn có thể dùng bất kỳ lệnh nào. 

Nếu thấy mức giá đang giao dịch hợp lý bạn có thể dùng lệnh LO – Chủ động nhập giá hoặc lệnh MP – lệnh thị trường để mua ngay cổ phiếu tại mức giá đang giao dịch trên thị trường.

Cách mua cổ phiếu lô lẻ bằng lệnh FS (Fractional Share) của VPS hoặc Anfin

Lệnh Fractional Share là lệnh phù hợp với nhà đầu tư tích lũy tiền mỗi tháng để đầu tư cổ phiếu với ngân sách được hoạch định sẵn.

Đây là lệnh mua cổ phiếu lô lẻ, trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay bạn chỉ có thể mua cổ phiếu với lô chẵn như 100 cổ phiếu. Vì vậy, ngân sách bạn đầu tư sẽ có sự chênh lệch dựa vào giá cổ phiếu đang giao dịch.

Lệnh FS sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Bạn phân bổ 10 triệu để đầu tư chứng khoán mỗi tháng thì lệnh FS sẽ mua hết 10 triệu cho bạn.

Ví dụ: Bạn mua cổ phiếu A đang giao dịch với giá là 55,000 vnd. Với 10 triệu, bạn chỉ có thể mua tối thiểu lô 100 cổ phiếu, giá trị là 5 triệu 500 vnd. Phần dư còn lại bạn chỉ có thể mua đủ 82 cổ phiếu, chưa đủ lô 100 vì vậy không mua được bằng các lệnh thông thường.

Lệnh FS sẽ giải quyết vấn đề này giúp bạn, bạn có thể mua full 10 triệu cổ phiếu A với giá 55,000vnd. Sau khi mua, bạn sẽ sở hữu 182 cổ phiếu. 100 cổ phiếu bạn mua bằng lệnh thông thường, 82 cổ phiếu được chuyển thành lệnh FS mua cổ phiếu lô lẻ.

Trong đầu tư chứng khoán, bạn sẽ gặp giá cổ phiếu biến động liên tục và thường không có số chẵn. Vì vậy, lệnh FS sẽ giúp bạn rất nhiều để sử dụng hết toàn bộ ngân sách mà bạn trích ra từ thu nhập để đầu tư dài hạn.

Xem các ứng dụng cho phép giao dịch lệnh FS:

Ứng dụng Tính năng Tải app Android Tải app IOS
Anfin Giao dịch cổ phiếu lô lẻ từ 10k. Tải app Tải app IOS
VPS Giao dịch cổ phiếu lô lẻ bằng lệnh FS (Fractional Shares) Mở tài khoản VPS

Xem đánh giá Anfin.

PHẦN 8: TƯ DUY VÀ KINH NGHIỆM ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Xây dựng tư duy đúng về đầu tư chứng khoán rất quan trọng. Vì nó sẽ quyết định cách bạn hành động trên thị trường.

Tư duy đúng không xem chứng khoán là kênh “cờ bạc”, “hên xui may rủi”. Chứng khoán là công cụ được chứng minh trên toàn thế giới về tỷ suất sinh lời trong dài hạn cao hơn gửi tiền ngân hàng rất nhiều.

Công cụ dẫn vốn và tích lũy tài sản hiệu quả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nền kinh tế của quốc gia.

Phần này mình chia sẻ một chút kinh nghiệm của mình trong hành trình đầu tư chứng khoán để xây dựng tài sản.

Nếu tận dụng tốt, chứng khoán sẽ giúp bạn tự do tài chính trong tương lai!

Chúc bạn thành công!

#Xây dựng tư duy “đúng” để sử dụng chứng khoán làm kênh tích trữ tài sản ròng dài hạn

Nếu như bạn tiếp cận kênh đầu tư chứng khoán là công cụ để tích lũy tài sản ròng trong dài hạn thì xây dựng tư duy phù hợp với cách tiếp cận là rất quan trọng.

Vì tư duy sẽ quyết định bạn sẽ ứng xử và giao dịch như thế nào trên thị trường chứng khoán.

Người tiếp cận chứng khoán với mục tiêu kiếm lợi nhuận ngắn hạn, giao dịch cổ phiếu liên tục là không sai! Nhưng nó chỉ dành cho các trader chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp vì họ phải học rất rất nhiều.

Nhà đầu tư cá nhân nghiệp dư (Hay còn gọi là nhà đầu tư F0) nên hạn chế mua bán cổ phiếu trong thời gian ngắn. Vì phần lớn bạn sẽ đi theo xu hướng thị trường và đám đông.

Đi theo dòng tiền, đầu tư theo tâm lý FOMO là không sai! Có thể giúp bạn kiếm tiền rất nhanh nhưng khi thị trường sụp đổ bạn cũng sẽ giống đám đông còn lại.

Có người đã rời bỏ thị trường.

Có người đã phải mắc nợ rất nhiều.

Từ đó dẫn đến người dân có cái nhìn không mấy thiện cảm với thị trường chứng khoán. Đa phần mọi người đều nghĩ chứng khoán là công cụ cờ bạc, may rủi.

Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư giá trị và đầu tư dài hạn cổ phiếu tốt từ những năm đầu thì đến hôm nay họ đã lãi x lần tài khoản và đạt tỷ suất lợi nhuận kép rất ấn tượng từ 15-20%/năm.

Vì vậy, chọn ra một trường phái đầu tư phù hợp và liên tục trau dồi kinh nghiệm trên thị trường, tiếp cận thị trường chứng khoán là công cụ tích lũy dài hạn 5-10 năm sẽ giúp bạn gặt hái được quả ngọt trong tương lai.

#Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Mình cũng chỉ là nhà đầu tư thông thường, có thêm tí kiến thức vì nghiên cứu nhưng các kiến thức về đầu tư giá trị, kiến thức về xây dựng và quản trị danh mục đầu tư đã giúp mình đạt mức tăng trưởng danh mục đầu tư hơn 100% chỉ trong vòng 1 năm.

Mình đã từng giao dịch rất nhiều mua đi bán lại, tìm hết cổ phiếu này đến cổ phiếu khác nhưng tất cả đều không hiệu quả. Vào lúc thị trường quay đầu giảm sâu mình đã mất rất nhiều tiền trên thị trường.

Bạn sẽ có cảm giác đại loại là mở tài khoản ra thấy tất cả cổ phiếu mình đều giảm sàn (-7% sàn HOSE, -10% sàn HNX và -15% sàn UPCOM). Một pha giảm có thể khiến lợi nhuận của bạn mất hết trong ngắn hạn.

Lúc đấy mình đúc kết ra được là thiếu kinh nghiệm quản trị rủi ro danh mục đầu tư, tư duy kiếm tiền nhanh, thiếu kiên nhẫn,…

Sau khi tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị nhưng giá trị nội tại trong 5 năm tới rất hấp dẫn. Mình đã không còn mua bán ngắn hạn, chỉ nắm giữ và tích lũy thêm khi thị trường giảm sâu.

#Học đầu tư chứng khoán ở đâu?

Học qua Blog Invest VND

Blog Invest VND luôn cố gắng xây dựng những nội dung giá trị nhất về tài chính cá nhân và đầu tư tài chính để giúp nhiều người có thể tích lũy tài sản ròng lớn, giúp người Việt Nam giàu hơn.

Mình có thể làm điều đó một mình nhưng tri thức có thể được lan tỏa, mình yêu thích được lan tỏa tri thức để nhiều người.

Bạn có thể theo dõi blog Invest VND để học về tài chính cá nhân, đầu tư, sử dụng nợ, tiết kiệm hiệu quả,…

Học qua E-course

Bạn có thể học qua E-course đầu tư chứng khoán ở nước ngoài hoặc học trong nước. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn các khóa học online chuyên nghiệp, giáo trình dạy học rõ ràng và được nhiều đánh giá tốt từ các học viên khác.

Học qua sách, báo

Bạn có thể theo dõi các blog về đầu tư chứng khoán và tài chính cá nhân như Invest VND, The Balance, Investopedia,… hoặc các báo điện tử như Vietstock, Tinnhanhchungkhoan, Cafef,…

Tham khảo bộ sách đầu tư chứng khoán cho người mới.

#Có nên tham gia room đầu tư chứng khoán thu phí?

Hiện nay có nhiều room chứng khoán thu phí trên thị trường. Có nhiều room đầu tư thật, có nhiều room chỉ nhằm “lùa gà” nhắm vào các nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường chưa có nhiều kinh nghiệm.

Theo quan điểm của mình, bạn chỉ cần trau dồi kiến thức, học các kiến thức chuẩn về đầu tư tài chính, học từ những người đi trước thì bạn có thể tự tham gia thị trường chứng khoán. Không nhất thiết phải tham gia các room khuyến nghị đầu tư mua bán cổ phiếu liên tục.

Bạn hãy luôn nhớ về mục đích ban đầu của mình tham gia thị trường chứng khoán là để tích lũy tài sản ròng chứ không phải trở thành trader, mua bán cổ phiếu mỗi ngày.

#Theo dõi thị trường chứng khoán

Theo dõi qua báo đài

Bạn có thể theo dõi các thông tin chính thống từ Vietstock, CafeF, Tinnhanhchungkhoan, Vneconomy. Đây là những báo lớn, thông tin được công bố là thông tin chính xác và xác thực.

Thị trường chứng khoán dễ bị tác động bởi thông tin, vì vậy bạn hãy hạn chế xem các thông tin trên mạng xã hội bởi những trang tin không chính thống hoặc các tin tức truyền tai nhau.

Các tin đồn dễ dẫn đến sự hưng phấn hoặc hoảng loạn bán tháo, bạn hãy hết sức cẩn thận với các nguồn thông tin về doanh nghiệp.

Ngoài ra, nếu bạn đầu tư chứng khoán dài hạn vào các doanh nghiệp tốt. Bạn có thể xem mục “Quan hệ cổ đông” trên website của doanh nghiệp để nắm bắt thông tin chính xác và kịp thời nhất về doanh nghiệp. Thông tin chính chủ luôn là thông tin đáng tin cậy nhất.

Theo dõi qua Google Alert

Google Alerts là công cụ tốt để bạn theo dõi thông tin mã chứng khoán của bạn mua. Bạn chỉ cần nhập keyword là mã chứng khoán của bạn và Email trên Google Alerts, mọi thông tin về keywords cổ phiếu sẽ gửi về email cho bạn theo dõi.

Cách sử dụng Google Alerts để theo dõi thông tin về thị trường chứng khoán:

Theo dõi chứng khoán qua ứng dụng đầu tư trên điện thoại

Ngoài ra, nếu như bạn đầu tư trên ứng dụng TCInvest thì sẽ có mục tin tức để bạn theo dõi thông tin và sự kiện về doanh nghiệp tại mục “Tin tức và Sự Kiện”. Bạn chỉ cần thêm Widget “Tin tức và Sự kiện” ra ngoài giao diện trang chủ.

Cách theo dõi tin tức trên ứng dụng đầu tư TCInvest bằng Widget “Tin tức & Sự kiện”:

#Các bước đầu tư chứng khoán – Bạn cần chuẩn bị gì?

Dưới đây là các bước đầu tư chứng khoán cho người mới trước khi bạn bắt đầu hành trình đầu tư của mình:

Bước 1: Xác định mục tiêu tài chính dài hạn của bạn khi tham gia thị trường chứng khoán.

Bước 2: Lập ngân sách đầu tư hàng tháng ngay khi có lương theo các nguyên tắc tài chính như 50/30/20 hoặc 80/20.

Bước 3: Chọn lọc cổ phiếu tốt và định giá cổ phiếu trong dài hạn 3-5 năm.

Bước 4: Xây dựng danh mục đầu tư dựa trên số vốn ban đầu của bạn (Đa dạng hóa hoặc phân bổ tài sản để quản trị rủi ro).

Bước 5: Theo dõi danh mục đầu tư và tái cân bằng (Rebalancing) hàng quý hoặc hàng năm.

Bước 6: Chốt lãi các cổ phiếu đạt giá trị nội tại để tìm cơ hội mới hoặc định giá lại tăng trưởng của cổ phiếu.

Bước 7: Đầu tư đều đặn mỗi tháng, mỗi năm để gia tăng khối tài sản ròng của bạn.

PHẦN 9: CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN (FAQs)

Tổng hợp các câu hỏi thường gặp trong đầu tư chứng khoán. Mong là sẽ giải đáp các thắc mắc của các bạn!

Đầu tư chứng khoán không giới hạn số tiền đầu tư. Số tiền cần mua phải dựa vào cổ phiếu của bạn định mua và giá trị cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.

Ví dụ: Bạn muốn mua cổ phiếu của tập đoàn Hòa Phát (HPG), giá cổ phiếu đang giao dịch là 50,000vnd. Số lượng mua tối thiểu trên thị trường chứng khoán là lô 100 cổ phiếu.

Vậy số tiền tối thiểu để đầu tư cổ phiếu là 5,000,000vnd để mua 100 cổ phiếu HPG (Chưa tính phí giao dịch khoảng 0.1% ở TCInvest).

Bạn có thể đầu tư chứng khoán ở bất kì thời điểm nào dựa vào mục tiêu tài chính dài hạn của mình. Cổ phiếu là công cụ đầu tư sinh lời tốt trong dài hạn phù hợp để bạn xây dựng quỹ nghỉ hưu hoặc tự do tài chính trong tương lai.

Thời điểm đầu tư cổ phiếu tốt nhất là thời điểm sớm nhất, khi bạn còn trẻ, tiền của bạn còn nhiều thời gian để tăng trưởng. Thực tế cho thấy, thời gian càng dài, các cổ phiếu tốt, doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng thì lợi nhuận của bạn sẽ tăng trưởng rất tốt trong dài hạn.

Quỹ mở có nhiều loại: Quỹ mở cổ phiếu, trái phiếu và quỹ cân bằng. Đối với quỹ mở cổ phiếu thì mỗi quỹ có chiến lược đầu tư khác nhau được các chuyên gia quản lý quỹ lựa chọn.

Họ sẽ lựa chọn các cổ phiếu tốt, lợi nhuận cao trong top 30 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán HOSE hoặc các cổ phiếu của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.

Lợi nhuận của quỹ mở cổ phiếu phụ thuộc chặt chẽ vào danh mục đầu tư của quỹ. Nếu các cổ phiếu quỹ nắm giữ tăng trưởng mạnh thì quỹ tăng trưởng mạnh, đem đến lợi nhuận cao cho bạn và ngược lại.

Quỹ mở quản lý danh mục đầu tư rất tốt và luôn tuân thủ theo nguyên tắc đầu tư của quỹ đã công bố với nhà đầu tư. Nếu bạn là nhà đầu tư mới có thể lựa chọn quỹ mở để đầu tư bởi vì họ đều là những chuyên gia phân tích giỏi và luôn cố gắng bảo vệ bạn bằng các công cụ quản trị rủi ro chuyên nghiệp.

Tự đầu tư chứng khoán sẽ khó khăn hơn cho người mới vì phải am hiểu về đầu tư cổ phiếu, phân tích và định giá doanh nghiệp,… Ngoài ra, tự đầu tư bạn sẽ dễ dính bẫy FOMO đi theo dòng tiền đầu cơ và thiệt hại nặng nề nếu không phản ứng kịp thị trường.

Nếu bạn cố gắng học hỏi và có tư duy bắt đầu một cách đúng đắn thì bạn có thể tự lựa chọn cổ phiếu và đầu tư theo trường phái của riêng mình.

Giá cổ phiếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường (Supply and Demand). Nhu cầu tăng thì giá tăng và ngược lại. Vì vậy, khi nhiều tài khoản chứng khoán mở mới đồng nghĩa với nhu cầu thị trường tăng, giá của nhiều cổ phiếu tăng mạnh hơn so với thời điểm trước đây.

Ứng trước tiền bán chứng khoán là khi bạn bán cổ phiếu không phải đợi T+2 (2 ngày thì tiền về) mà tiền sẽ về tài khoản ngay. Bạn có thể ứng trước tiền bán của công ty chứng khoán bạn mở tài khoản như TCInvest. Phí ứng trước tiền bán tính lãi suất 10.5%/năm (0.029%/ngày).

Chốt lời cổ phiếu phải dựa vào kỳ vọng lợi nhuận của bạn (Bạn muốn lãi bao nhiêu?) và dựa vào giá trị nội tại của doanh nghiệp mà bạn đã định giá và phân tích.

Nếu cổ phiếu tăng đến vùng tiệm cận giá trị nội tại hoặc vượt xa giá trị nội tại bạn có thể chốt lời cổ phiếu để tìm cơ hội tốt hơn hoặc bạn sẽ định giá lại chứng khoán để so sánh giá trị nội tại của doanh nghiệp với giá thị trường tại thời điểm đó.

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán là khi cổ phiếu bạn giảm điểm bạn sẽ mất tiền. Cổ phiếu giảm càng sâu giá trị đầu tư của bạn sẽ “bay màu” bớt. Đây là rủi ro lớn nhất trong đầu tư cổ phiếu.

Rủi ro hệ thống, rủi ro phi hệ thống và rủi ro thanh khoản là các rủi ro bạn cần phải quan tâm trong đầu tư chứng khoán.

Đối với rủi ro thanh khoản, nhiều cổ phiếu đầu cơ khi tăng quá nhanh sẽ dẫn đến sập rất nhanh, cổ phiếu dễ dẫn đến bị mất thanh khoản, tức là bạn không thể bán lại được khi đang nắm giữ cổ phiếu. Cứ như thế giá trị trong danh mục bạn cứ giảm dần, giảm dần,… cho đến khi bạn “đột quỵ”.

Không ai bảo hiểm rủi ro cho bạn khi đầu tư chứng khoán. Vì vậy, trước khi đầu tư hoặc rót vốn vào công ty nào bạn cần phải nghiên cứu kĩ, phân tích và định giá doanh nghiệp, tìm hiểu về tình hình kinh doanh, thị phần, ngành nghề và sản phẩm của doanh nghiệp,… để có cái nhìn toàn cảnh về doanh nghiệp trước khi đầu tư.

Hạn chế mua theo dòng tiền đầu cơ các cổ phiếu có cơ bản kém, kinh doanh thua lỗ nhưng giá vẫn tăng mạnh. Điều này rất nguy hiểm, vì không ai biết được giá sẽ đổ đèo vào lúc nào. Có thể ngay khi bạn vừa mua, giá giảm đột ngột và mất thanh khoản. Lúc đó, bạn có thể từ bỏ cuộc chơi ngay khi mới bắt đầu.

Vì vậy, hãy trang bị thật kỹ kiến thức đầu tư chứng khoán trước khi tham gia vào sân chơi “khốc liệt” này.

Cách hạn chế rủi ro tốt nhất là trang bị kĩ phương pháp quản trị rủi ro cho danh mục đầu tư.

Phương pháp quản trị rủi ro tốt nhất là đa dạng hóa hoặc phân bổ tài sản.

Bạn có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư dựa trên vốn hóa thị trường (Vốn hóa lớn, vừa và nhỏ), dựa vào ngành nghề,… hoặc lựa chọn các tài sản khác ít rủi ro hơn như trái phiếu để trung tính hóa danh mục đầu tư thay vì tập trung vào mỗi cổ phiếu.

Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư là khác nhau, trường phái đầu tư của nhà đầu tư cũng khác nhau. Cách để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư mới là đầu tư vào rổ chỉ số thị trường bằng quỹ ETF hoặc đầu tư quỹ mở.

Các chứng chỉ quỹ này nắm giữ một rổ nhiều cổ phiếu thuộc các ngành khác nhau, bản thân nó đã tự phân tán rủi ro cho bạn. Vì vậy, mua chứng chỉ quỹ cũng là một cách để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư F0.

400 triệu bạn có thể tham gia đầu tư vào nhiều nhiều công cụ như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, mua vàng, gửi tiền ngân hàng,…

Tùy theo mức độ chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) và kỳ vọng lợi nhuận (Expected Return) bạn có thể dễ dàng ra quyết định có nên đầu tư chứng khoán hay không?

Đầu tư chứng khoán có rủi ro từ cao đến rất cao tùy vào cổ phiếu bạn nắm giữ. Nếu bạn nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn và lựa chọn cổ phiếu giá trị thì rủi ro thấp hơn so với cổ phiếu penny.

Nếu bạn mua và bán ngắn hạn thì rủi ro rất cao đồng nghĩa với lợi nhuận cao hơn.

Nếu bạn đầu tư cổ phiếu bằng cách mua chứng chỉ quỹ thì rủi ro thấp hơn tự đầu tư vì các chuyên gia quản lý quỹ sẽ đầu tư giúp bạn.

Bạn hãy luôn nhớ rằng lợi nhuận cao đồng nghĩa với rủi ro cao và ngược lại. Chứng khoán là kênh có tỷ suất lợi nhuận rất cao từ 15-30%/năm trong dài hạn nếu bạn biết cách tận dụng công cụ này.

Vì vậy với 400 triệu bạn có thể đầu tư chứng khoán tùy vào khả năng chịu đựng rủi ro của bạn đến đâu để lựa chọn công cụ và cách đầu tư phù hợp với khẩu vị.

Với 10 triệu bán có thể đầu tư chứng khoán dựa vào thị giá cổ phiếu của bạn mua. Ví dụ bạn mua cổ phiếu HPG với giá thị trường 50,000vnd thì số tiền tối thiểu bạn mua là 5 triệu. Với 10 triệu bán có thể mua 200 cổ phiếu HPG.

Ngoài ra, 10 triệu bạn có thể mua chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu hoặc quỹ ETF. Giá chứng chỉ quỹ trung bình từ 20,000vnd – 30,000vnd/CCQ.

Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày mà bạn sở hữu cổ phiếu sẽ không được chia cổ tức và các quyền của cổ đông. Ngày giao dịch không hưởng quyền trước ngày đăng kí cuối cùng (Ngày chốt danh sách cổ đông).

Vào ngày giao dịch không hưởng quyền giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh giảm theo tỷ lệ chia cổ tức của doanh nghiệp.

Giao dịch vay ký quỹ (Margin) là bạn vay tiền của công ty chứng khoán để mua thêm cổ phiếu. Lãi suất vay ký quỹ của mỗi công ty chứng khoán khác nhau nhưng dao động từ 9-11%/năm.

Lãi suất vay ký quỹ của công ty chứng khoán Techcombank là 10.5%/năm.

Bản chất của ký quỹ là tận dụng sự chênh lệch lợi nhuận và lãi suất cho vay để gia tăng lợi nhuận. Nếu cổ phiếu bạn giảm giá mạnh bạn sẽ lỗ nhiều hơn và có thể bị force sell (buộc bán chứng khoán để trả nợ).

Đòn bẩy có 2 mặt và 2 lưỡi, bạn sử dụng đúng thời điểm, đúng cổ phiếu thì lợi nhuận cao và sử dụng sai thì lỗ nhiều.

Nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm cũng có thể lỗ ròng từ margin vì vậy bạn chỉ nên sử dụng margin khi trang bị đầy đủ kiến thức và có “sense” – cảm giác về thị trường để có quyết định đúng.

Hiện nay có nhiều công ty chứng khoán lớn như SSI, VND, VPS hoặc TCBS. Bạn có thể mở tài khoản chứng khoán tại TCBS với phí giao dịch cổ phiếu thấp nhất và nhiều ưu đãi khác.

Mở tài khoản chứng khoán không mất phí, bạn giao dịch cổ phiếu mới mất phí giao dịch 0.1% và thuế TNCN 0.1%.

Các công ty chứng khoán bây giờ mở tài khoản rất dễ và hoàn toàn mở online như TCInvest. Định danh online bạn không cần phải đến công ty chứng khoán kích hoạt.

Sau 1 ngày đăng kí mở tài khoản là bạn có thể nạp tiền vào giao dịch.

Bạn cần có 1 tài khoản chứng khoán ở bất kì công ty chứng khoán nào để có thể mua bán cổ phiếu. Sau khi mở tài khoản và chuyển tiền vào công ty chứng khoán, bạn có thể mua cổ phiếu.

Ở mỗi công ty chứng khoán luôn có mục quản lý tài sản, bạn có thể xem danh mục cổ phiếu của mình tăng giảm như thế nào hoặc bạn có thể xem bảng giá chứng khoán (Phần danh mục của tôi) để biết cổ phiếu lên giá hay xuống giá.

Mức phí giao dịch của TCInvest là 0.1% thấp nhất so với các công ty chứng khoán khác dao động từ 0.15-0.2%.

Tiền để trong tài khoản chứng khoán sẽ được tính lãi suất không kỳ hạn là 0.1%. Ở TCInvest bạn có thể gửi vào Két Vàng Isave với lãi suất 4-5%/năm, ghép lãi theo tuần.

Hoặc bạn có thể rút tiền và nạp vào tài khoản Tikop với lãi suất 5.5%/năm không kỳ hạn.

Nếu bạn chưa tự tin để tự đầu tư thì có thể nhờ broker tư vấn đầu tư chứng khoán hoặc bạn ủy thác đầu tư bằng cách mua chứng chỉ quỹ mở.

Thông tin trên thị trường rất nhiều, bạn có thể tự mình phân tích cổ phiếu nếu trang bị đầy đủ các kiến thức. Các room mất phí có rất nhiều trên thị trường và đưa ra các khuyến nghị đầu tư mỗi ngày.

Tuy nhiên họ lại không chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư của bạn. Vì vậy, theo quan điểm của mình, bạn chỉ nên tin vào chính mình, hạn chế tham gia các room mất phí mỗi tháng hoặc mỗi năm.

Một tài khoản chứng khoán bạn có thể mua cổ phiếu của bất kì sàn nào chỉ cần bạn có đủ vốn.

Bạn có thể mở nhiều tài khoản chứng khoán tại các công ty chứng khoán khác nhau, không ai quy định mỗi người chỉ được mở một tài khoản chứng khoán duy nhất.

Tuy nhiên, tại một công ty chứng khoán bạn chỉ có thể được mở 1 tài khoản vì phải xác thực bằng căn cước công dân giống như bạn chỉ có thể mở 1 tài khoản ngân hàng.

Sau khi mua cổ phiếu thì bạn sẽ mất T+3 (3 ngày hàng về).

Sau khi bán cổ phiếu thì bạn sẽ mất T+2 (Tức 2 ngày tiền về tài khoản). Tuy nhiên, ở TCInvest bạn có thể mua cổ phiếu khác khi tiền chưa về tài khoản ở tiểu khoản thường.

Cổ phiếu là công cụ có tính thanh khoản rất cao, tức là mua bán dễ dàng.

Trường hợp không bán được cổ phiếu là do cổ phiếu đó mất thanh khoản, thường là các cổ phiếu đầu cơ tăng quá nhanh thì sẽ giảm quá nhanh khiến cổ phiếu đó mất thanh khoản.

Còn các cổ phiếu trên sàn HOSE, HNX và UPCOM đa phần là bạn có thể bán được. Khi bạn bán ra thì nhà đầu tư khác sẽ mua cổ phiếu của bạn qua hình thức Khớp Lệnh. Họ chấp nhận mua mức giá mà bạn bán ra.

Ở mỗi công ty chứng khoán đều có hướng dẫn cách chuyển và rút tiền khỏi tài khoản chứng khoán. Bạn có thể lên trang web của công ty mà mình mở tài khoản để xem hướng dẫn.

Về cơ bản là bạn chuyển tiền từ ngân hàng sang số tài khoản chứng khoán của bạn và rút tiền về tài khoản ngân hàng. Ở TCInvest, nếu bạn liên kết tài khoản ngân hàng Techcombank thì chuyển/rút tiền vào TCInvest trong vòng vài phút.

Lưu ký chứng khoán là bạn ký gửi chứng khoán bạn đang sở hữu tại công ty chứng khoán và giao dịch số cổ phần đó tại các công ty chứng khoán. Lưu ký chứng khoán áp dụng khi bạn có sổ cổ phần giấy tại một doanh nghiệp và bạn muốn chuyển nó thành dữ liệu giao dịch trực tuyến.

Bạn có thể đem chứng nhận sở hữu cổ phần của doanh nghiệp đến các công ty chứng khoán để làm thủ tục lưu ký chứng khoán. Sau khi hoàn tất thủ tục theo quy định của công ty chứng khoán, khoảng 1 tuần sau là bạn có thể giao dịch số cổ phiếu đó trên hệ thống giao dịch của công ty chứng khoán mà bạn mở tài khoản.

Sao kê hàng tháng sẽ được gửi về Email của bạn mỗi tháng nếu bạn sử dụng TCInvest hoặc vào mục sao kê trong tài khoản chứng khoán để xem.

Bạn có thể mở tài khoản chứng khoán Việt Nam nếu có căn cước công dân tại Việt Nam dù bạn ở bất kì đâu hay bất kì quốc gia nào. Bạn chỉ cần tải app TCInvest, đăng kí mở tài khoản và định danh là hoàn tất.

Bạn có thể chuyển đổi công ty chứng khoán bằng cách mở tài khoản mới ở công ty chứng khoán và xem quy trình chuyển cổ phiếu từ tài khoản cũ về tài khoản mới ở công ty mà bạn mở.

0 0 votes
Đánh giá
Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận