Lập kế hoạch tiết kiệm tiền là cách để bạn đạt được các mục tiêu tài chính và tốn ít nhiều sức lực nhất.
Bạn đã từng nghe “Không lập kế hoạch là lập kế hoạch cho sự thất bại”. Nếu bạn không có mục tiêu thì bạn sẽ không có từng bước để đạt mục tiêu đó trong bao lâu!
Vì vậy, bước lập kế hoạch cho các mục tiêu tài chính là bước rất quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân để bạn được sự tự do trong tài chính của chính mình.
Cùng Invest VND tìm hiểu về 5 bước lập kế hoạch tiết kiệm tiền, giúp bạn dễ dàng xây dựng bảng kế hoạch chi tiết và hiệu quả.
Tại sao bạn không thể tiết kiệm?
Trước đây có thể bạn đã từng suy nghĩ chi tiêu trước tiết kiệm sau đó mới tiết kiệm, khoản tiết kiệm là khoản còn dư ra sau khi đã chi hết các khoản chi phí.
Đây chính là nguyên nhân phổ biến khiến bạn không thể tiết kiệm được vì không có dự định tiết kiệm.
Tiết kiệm chính là khoản chi phí mà bạn nên đưa vào danh sách bắt buộc vì đây là khoản chi phí dành cho bản thân hay còn gọi là “Pay yourself first”.
- Thu nhập nhỏ hơn chi tiêu.
- Còn dư mới để dành.
- Mua trước trả sau. Tiêu trước thanh toán sau.
Một trong những nguyên tắc quan trọng của tự do tài chính là tiết kiệm trước – chi tiêu sau.
Nếu bạn muốn mua món đồ mình thích thì hãy lên kế hoạch tiết kiệm để mua thay vì mua trả góp. Mua trả góp là bạn đang lấy tiền của người khác thanh toán cho bạn. Cái giá phải trả đó là bạn sẽ trả tiền cho món đồ đó với giá cao hơn rất nhiều. Vay tiền của tương lai để chi tiêu cho hiện tại.
Hãy tập làm quen với thói quen lập kế hoạch mua món đồ mình thích vì chắc chắn nó sẽ khiến bạn khó chịu trong thời gian đầu!
Bạn sẽ trải qua các cảm giác đại loại như là:
- Mất kiên nhẫn
- Cảm giác thôi thúc mua hàng vì buộc phải để dành để mua chứ không mua được trước.
- Cảm giác bị giảm thu nhập.
Tuy nhiên, cũng có một vài cách để vượt qua, mọi thứ đều có thể làm được phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn:
Nếu bạn nhìn khoản tiết kiệm theo góc nhìn tích cực thì tiết kiệm là cách để tích lũy tài sản ròng hoặc là quỹ dự phòng khẩn cấp.
Nếu quá muốn mua một món đồ, khiến bạn suy nghĩ nhiều về nó, bạn hãy suy nghĩ và phân loại nó.
Nó là nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của bạn không? Có thay thế bằng giải pháp khác được không? Hay nó chỉ là mong muốn nhất thời?
Đánh giá và phân loại các nhu cầu là việc cần thiết trước khi mua bất kì món đồ nào. Bên cạnh đó còn giúp bạn hạn chế chi tiêu ngẫu hứng và sa vào vòng xoáy vay tiêu dùng.
Phân loại các mục tiêu tiết kiệm
Các khoản tiết kiệm cho mục tiêu ngắn hạn đại loại như là:
- Mua đồ công nghệ thỏa mãn sở thích cá nhân như điện thoại mới, laptop, đồng hồ,… (Want).
- Mua quần áo chất lượng cao mà bạn dùng đi làm hằng ngày như bộ suit may đo, đồ thiết kế với chất liệu vải tốt,…Càng chất lượng tốt bạn cần phải đầu tư một khoản để sử dụng lâu dài (Want). Nhiều khi mua đồ đắt tiền chất lượng cao là khoản tiết kiệm tốt trong tương lai.
- Dự phòng rủi ro, quỹ dự phòng đủ để chi tiêu cho chi phí thiết yếu từ 3-6 tháng, từ 6-9 tháng nếu tình hình biến động kinh tế như dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, thiên tai,…
- Tiết kiệm để đi du lịch ngắn ngày (Want). Mua quà cáp cho những người trân quý vào dịp sinh nhật, Lễ, Tết,…Bạn có thể lập ngân sách “one-time”, chi 1 lần trong năm để tiết kiệm cho nó.
Các khoản tiết kiệm trung hạn phục vụ cho những mục tiêu xa hơn và tài sản có giá trị lớn đối với bạn:
- Tiết kiệm mua bất động sản như nhà, đất.
- Mua ô tô để nâng cấp chất lượng cuộc sống.
- Cho con cái được tận hưởng nền giáo dục tốt như đi du học, học trường quốc tế,…
Tiết kiệm dài hạn từ 10 – 20 năm phục vụ cho mục tiêu tài chính:
- Nghỉ hưu và tự do tài chính.
So sánh các mục tiêu tiết kiệm:
Tiết kiệm ngắn hạn | Tiết kiệm trung hạn | Tiết kiệm dài hạn |
Thường là các khoản tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn, thanh khoản cao nhất, cần là rút ngay. | Các khoản tiền có kỳ hạn 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, vì sử dụng cho mục tiêu trung hạn. | Các khoản tiền kỳ hạn dài hơi hơn, thường là các công cụ tài chính cần nắm giữ trong thời gian rất dài từ 5 đến 10 năm. |
Nên chọn kênh rủi ro thấp, ít biến động tài sản trong ngắn hạn. | Nên chọn kênh rủi ro thấp đến trung bình, có thể lựa chọn các kênh đầu tư tài chính như quỹ mở, quỹ ETF, trái phiếu,... | Có thể chọn kênh rủi ro cao trong ngắn hạn như cổ phiếu riêng lẻ, bất động sản, tiền kỹ thuật số,... |
Khoản tiền nhỏ đến trung bình, tùy theo món đồ muốn mua. | Khoản tiền trung bình, tùy theo loại tài sản như mua ô tô, mua nhà. | Khoản tiền lớn, dùng để nghỉ hưu và tự do tài chính. |
Cách lên kế hoạch tiết kiệm tiền
Để lập kế hoạch tiết kiệm đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn và cam kết để thực hiện nó, không những 1 năm mà là rất nhiều năm sau đó. Bạn phải xem nó như thói quen hằng ngày giống như ăn, ngủ, đánh răng, rửa mặt,…
Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy khó khăn để bắt đầu tiết kiệm mỗi tháng thì bạn có thể chia nhỏ khoản tiết kiệm ra thành các khoản tiết kiệm theo tuần hoặc theo ngày.
Tích tiểu thành đại và đừng xem thường tiền lẻ.
Cậu mình đã dạy mình bài học về tiền lẻ. Nhờ tiền lẻ “1,000vnd, 2,000vnd” mà cậu đã tích lũy được khối tài sản ròng lớn trong 20 năm. Đó là kinh doanh đại lý nước ngọt, bia và nước đá. Câu “gom” tiền lẻ mỗi ngày bằng những bịch đá chỉ 1,000vnd đến 2,000vnd.
Bạn có cũng có thể gom tiền lẻ mỗi ngày, bằng cách tích lũy voucher, hoàn tiền (Cash Back), sử dụng thẻ ngân hàng hay ví điện tử để thanh toán thay vì tiền mặt để được ưu đãi.
Bên cạnh đó, thanh toán bằng thẻ bạn sẽ trả đúng số tiền và không thiếu một đồng nào. Ví dụ bạn đi siêu thị hết 232,600vnd. Thanh toán tiền mặt siêu thị sẽ thu bạn 233,000vnd, thanh toán bằng thẻ thì bạn trả đúng 232,600vnd. Số tiền chênh lệch dù nhỏ chỉ 400vnd, nhưng bạn tích góp 1000 lần đi siêu thị thì sẽ có 400,000vnd.
Các bước để lập kế hoạch tiết kiệm tiền:
- Phân loại khoản tiết kiệm theo mục tiêu (ngắn hạn, trung – dài hạn) ví dụ như xây dựng quỹ dự phòng, mua nhà, tự do tài chính,… Càng chi tiết và cụ thể bạn càng dễ đạt mục tiêu.
- Xác định chính xác số tiền cần tiết kiệm và thời gian kết thúc.
- Chia thành các khoản tiết kiệm nhỏ theo tuần dựa trên khoản lớn.
- Suy nghĩ thêm cách để cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập để đạt mục tiêu tiệt kiệm.
Ví dụ: Bảng kế hoạch tiết kiệm tiền mẫu:
Loại tiết kiệm | Ngắn hạn |
Mục tiêu | Tiết kiệm 25 triệu vnd mua laptop Macbook M1 trong 52 tuần. |
Tổng số tiền | 25 triệu vnd |
Thời gian | 52 tuần |
Tiết kiệm mỗi tuần | 481,000vnd |
Cách để cắt giảm chi tiêu và ý tưởng gia tăng thêm thu nhập:
Saving Tips | Số tiền tiết kiệm /Ngày | Số tiền tiết kiệm /Tuần |
Uống cà phê tại nhà | +15,000vnd | +105,000vnd |
Tự nấu ăn mang theo ăn trưa | +30,000vnd | +150,000vnd |
Đổi gói Netflix từ Premium sang Standard (Tiết kiệm 40,000vnd/tháng) | +1,300vnd | +9,1000vnd |
Sử dụng voucher hoàn tiền các app. (Được giảm 30,000vnd) | +30,000vnd | |
Tổng tiền | +294,100vnd | |
Tiết kiệm thêm | = 481,000vnd - 294,100vnd = 186,900vnd |
Các công cụ để tiết kiệm tiền
Các công cụ tài chính để bạn sử dụng cho khoản tiền tiết kiệm của mình:
#1. Chứng chỉ tiền gửi hoặc tiền gửi ngân hàng
Chứng chỉ tiền gửi hay tiền gửi ngân hàng là công cụ tài chính phổ biến tại Việt Nam. Gửi tiền ngân hàng bạn sẽ nhận được mức lãi suất bình quân từ 6-7%/năm với rủi ro rất thấp.
Bạn có thể mua chứng chỉ tiền gửi hoặc gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thông qua ứng dụng của ngân hàng.
#2. Chứng chỉ quỹ tiền gửi
Chứng chỉ quỹ tiền gửi hay còn gọi là chứng chỉ quỹ thanh khoản, chiến lược đầu tư của quỹ tiền gửi là tập trung vào các tài sản tài chính an toàn như trái phiếu chính phủ, chứng chỉ tiền gửi,… cũng với rủi ro thấp và bạn được nhận lãi suất bình quân khoảng 7-8%/năm.
#3. Trái phiếu doanh nghiệp hoặc chứng chỉ quỹ trái phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp hoặc chứng chỉ quỹ trái phiếu là công cụ tài chính an toàn giúp bạn có tỷ suất lợi nhuận cố định khoảng 7-9%/năm.
Bên cạnh đó khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bạn sẽ được nhận trái tức hoặc bán lại trái phiếu chênh lệch giá.
Tổng kết
Tiết kiệm là việc cả đời và là việc quan trọng để bạn hoàn thành các mục tiêu tài chính cho cá nhân và gia đình mình.
Mỗi tháng nhìn thấy tiền tiết kiệm trong tài khoản tăng lên, cảm giác lúc đó bạn sẽ thấy tuyệt vời!!
Thay đổi góc nhìn tiêu cực của tiết kiệm thành góc nhìn tích cực hơn sẽ giúp bạn xem việc tiết kiệm giống như hơi thở. Tuy nhiên, nếu như tiết kiệm quá “cực đoan”, tiết kiệm bằng mọi giá dù tốt hay xấu thì điều đó là không hay.
Trong tài chính nếu bạn đặt quá nhiều cảm xúc vào bạn sẽ dễ bị chi phối, chỉ có những con số biết nói.
Mỗi khi mục tiêu tiết kiệm đạt được, bạn sẽ vui mừng vì chiến thắng một trận nhỏ nhưng quan trọng, quan trọng cho hành trình dài của cuộc đời.