Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu về chứng chỉ quỹ là gì và hướng dẫn cơ bản để bạn có thể đầu tư chứng chỉ quỹ.
Chứng chỉ quỹ là hình thức ủy thác đầu tư, giúp nhà đầu tư cá nhân tiếp cận với kênh đầu tư tài chính một cách đơn giản nhất.
Bạn không cần nhiều kiến thức về đầu tư chứng khoán, định giá cổ phiếu, xây dựng danh mục đầu tư,… các công việc này sẽ có các chuyên gia của quỹ đầu tư làm giúp bạn.
Đầu tư chứng chỉ quỹ là kênh đầu tư phổ biến ở các nước phát triển và đang trở nên được ưa chuộng tại Việt Nam với tỷ suất lợi nhuận kép hằng năm kỳ vọng từ 13-17%/năm tùy vào loại quỹ.
Đầu tư chứng chỉ quỹ có 3 hình thức phổ biến là: Quỹ mở (OEF), quỹ đóng (CEF) và quỹ ETF. Mỗi hình thức có cơ chế hoạt động khác nhau nhưng về bản chất là giống nhau đề là hình thức ủy thác đầu tư.
Chứng chỉ quỹ đầu tư là kênh đầu tư dài hạn giúp bạn xây dựng tài sản ròng (Net Worth) và phát triển quỹ tự do tài chính, hưu trí hay quỹ học vấn cho con cái.
Trước khi đầu tư bạn nên xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân để phân bổ thu nhập và xác định mục tiêu tài chính của chính mình, từ đó tận dụng các công cụ đầu tư để phát triển các quỹ tài chính của mình.
Đầu tư chứng chỉ quỹ được xem là kênh đầu tư giúp bạn tối ưu chi phí cơ hội vì tận dụng “chất xám” của các chuyên gia đầu tư. Chứng chỉ quỹ phù hợp với nhà đầu tư có ít vốn và nhà đầu tư mới tham gia đầu tư, chưa có nhiều kiến thức về đầu tư tài chính.
Ủy thác đầu tư hiểu đơn giản là bạn có tiền nhàn rỗi chưa sử dụng đến, bạn gửi tiền vào quỹ đầu tư bằng cách mua chứng chỉ quỹ, quỹ đầu tư sẽ làm phần còn lại giúp bạn.
Họ sẽ định giá, phân tích thị trường, phân tích doanh nghiệp và lựa chọn tài sản giúp bạn, họ sẽ cố gắng tối ưu hiệu quả đầu tư để bạn có lãi và giảm thiểu rủi ro khi thị trường giảm.
Nếu bạn tự đầu tư cổ phiếu thì sẽ mất rất nhiều thời gian để học tập, theo dõi thị trường để có các quyết định lựa chọn đầu tư hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần phải làm công việc chuyên môn để tạo ra dòng tiền thu nhập đều đặn, vì đó là cái bạn giỏi nhất!
Chứng chỉ quỹ (CCQ) là gì?
*Định nghĩa theo lý thuyết:
Chứng chỉ quỹ (CCQ) là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu một phần vốn góp của nhà đầu tư với quỹ đại chúng.
Bạn mua chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư là xác nhận bạn đã góp vào quỹ đầu tư và hưởng lợi nhuận/rủi ro từ danh mục đầu tư của quỹ.
Hiểu đơn giản là bạn góp vốn cho quỹ đầu tư, quỹ đầu tư sẽ mua cổ phiếu, trái phiếu,… hay bất kì tài sản nào nhằm mục tiêu là bảo toàn vốn hoặc gia tăng giá trị tài sản của quỹ, từ đó tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư góp vốn vào quỹ.
Ví dụ: Quỹ đầu tư A là quỹ cổ phiếu, đầu tư một danh mục gồm có 4 cổ phiếu FPT, MWG, HPG, VPB,… Danh mục này đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận 20,000vnd/ccq trung bình 15%/năm. Quỹ đầu tư A bán cho bạn 1 CCQ với giá là dựa trên giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV), bạn mua 100 CCQ với giá 2 triệu. Điều này đồng nghĩa là bạn đã góp vốn 2 triệu cho quỹ đầu tư A và đồng hưởng tỷ suất lợi nhuận 15%/năm từ danh mục đầu tư của quỹ (Chưa tính thuế, phí,…).
Quỹ đầu tư A có thể là quỹ mở, quỹ đóng hoặc quỹ ETF với cách hoạt động khác nhau nhưng về mặt bản chất là giống nhau là ủy thác đầu tư nhưng về cách hoạt động thì mỗi loại quỹ sẽ có cách hoạt động khác nhau.
Giá của chứng chỉ quỹ được tính như thế nào?
Giá của một chứng chỉ quỹ được tính bằng NAV/CCQ (Giá trị tài sản của quỹ chia cho tổng số lượng chứng chỉ quỹ đang hiện hành).
Bạn có thể xem NAV của quỹ trong tài liệu quỹ được công bố trên website của quỹ đầu tư, NAV/CCQ sẽ khác nhau tại các thời điểm dựa trên sự biến động của thị trường và luôn được cập nhật mỗi ngày giao dịch.
Lựa chọn chứng chỉ quỹ có nên dựa vào giá (NAV/CCQ)? Chứng chỉ quỹ giá thấp là tốt?
Giá của chứng chỉ quỹ không quyết định lợi nhuận của chứng chỉ quỹ trong tương lai. Giá NAV/CCQ cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian niêm yết và lợi nhuận quá khứ của quỹ đầu tư trên thị trường.
Nếu quỹ có thời gian niêm yết lâu, đạt tỷ suất lợi nhuận trong quá khứ cao thì giá NAV/CCQ cao vì giá trị tài sản của quỹ cao, điều đó chứng tỏ quỹ hoạt động hiệu quả trong quá khứ và là một quỹ đầu tư có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, giá CCQ thấp không đồng nghĩa với việc trong tương lai quỹ sẽ đạt lợi nhuận thấp. Giá của chứng chỉ quỹ chào bán lần đầu là 10,000vnd/CCQ. Theo thời gian, nếu quỹ hoạt động tốt thì giá trị tài sản của quỹ sẽ tăng lên, nhiều nhà đầu tư muốn mua thêm thì quỹ phát hành thêm chứng chỉ quỹ dẫn đến giá tăng theo thời gian.
Quỹ mới thành lập thì thường có giá thấp hơn so với quỹ đã hoạt động lâu năm hoặc quỹ hoạt động kém thì giá chứng chỉ quỹ cũng sẽ thấp vì kết quả đầu tư thua lỗ.
Khi đầu tư chứng chỉ quỹ, bạn có thể tham khảo lựa chọn quỹ theo một số tiêu chí sau để có cơ sở lựa chọn các quỹ đầu tư trong dài hạn:
- Uy tín của quỹ đầu tư, thời gian hoạt động và đội ngũ quản lý quỹ.
- Tỷ trọng phân bổ danh mục của quỹ. Nếu là quỹ cổ phiếu thì quỹ đang nắm giữ cổ phiếu nào? Tỷ trọng bao nhiêu? Ngành nghề hay lĩnh vực nào?
- Nguyên tắc và chiến lược đầu tư của quỹ là gì?
- Tiềm năng tăng trưởng của ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn của quỹ trong dài hạn.
- Tỷ suất lợi nhuận kép của quỹ trong quá khứ, trung bình 5-7 năm gần nhất.
- Các chỉ số tài chính cơ bản như P/E (Price to earning), P/B (Price to book value), ROE (Return on Equity) của quỹ so với VN-Index (P/E, P/B so với P/E, P/B của VN-Index càng thấp càng tốt. ROE của quỹ so với VN-Index càng cao càng tốt)
Xem thêm:
Các quỹ đầu tư trên Tikop – Nên lựa chọn đầu tư chứng chỉ quỹ nào?
Các loại chứng chỉ quỹ hiện nay
Các loại chứng chỉ quỹ hoạt động dưới hình thức khác nhau hiện nay:
- Quỹ mở (Open-End Funds – OEFs) – Theo phương pháp đầu tư chủ động.
- Quỹ đóng (Closed-End Funds – CEFs)
- Quỹ hoán đổi danh mục (Exchange Traded Funds – ETF) – Theo phương pháp đầu tư bị động.
Chứng chỉ quỹ ETF là loại CCQ quỹ đặc biệt vừa mang tính chất của quỹ đóng là niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Việt Nam bạn có thể mua như một cổ phiếu vừa hoạt động theo cơ chế của quỹ mở, tức là ai cũng có thể mua.
Ở Việt Nam, có khoảng 10 quỹ mở, 8 quỹ ETF và 2 quỹ đóng OEFs (2022). Quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục phổ biến và dễ tiếp cận với nhà đầu tư cá nhân hơn quỹ đóng.
Bạn có thể mua chứng chỉ quỹ tại các công ty chứng khoán, các ứng dụng đầu tư tài chính hoặc mua trực tiếp tại quỹ đầu tư.
Sự khác nhau giữa đầu tư chứng chỉ quỹ và đầu tư cổ phiếu
Bản chất của đầu tư chứng chỉ quỹ là ủy thác đầu tư, bạn bỏ vốn cho quỹ đầu tư họ sẽ thay mặt bạn quản lý và đầu tư sinh lời giúp bạn. Quỹ đầu tư có nhiều chuyên gia quản lý quỹ có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, họ sẽ đánh giá mức độ rủi ro, khả năng sinh lời tài sản và có chiến lược đầu tư cụ thể.
Đầu tư cổ phiếu là bạn phải tự tìm hiểu, phân tích doanh nghiệp, quản trị rủi ro danh mục đầu tư,… và tự mình thiết kế danh mục đầu tư, yêu cầu bạn phải có nhiều kiến thức về báo cáo tài chính doanh nghiệp, phân tích định tính, định lượng và định giá cổ phiếu,…
Nếu là người mới tham gia đầu tư cổ phiếu thì bạn sẽ phải dành thời gian để học tập và trau dồi kiến thức trước khi xuống tiền.
Bảng phân biệt sự khác nhau giữa đầu tư chứng chỉ quỹ và đầu tư cổ phiếu:
CCQ (OEFs, CEFs, ETFs) | Cổ phiếu (Individual Stock) |
Được quản lý bởi quỹ đầu tư chuyên nghiệp hoặc được lựa chọn mô phỏng lợi nhuận rổ chỉ số (Price Index) trên thị trường chứng khoán. | Cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như tập đoàn Hòa Phát (HPG), tập đoàn Masan (MSN),... |
Rủi ro thấp vì danh mục gồm nhiều tài sản khác nhau để phân tán rủi ro. | Rủi ro cao tùy hiệu suất từng cổ phiếu. |
Không được lựa chọn danh mục đầu tư của quỹ. | Được lựa chọn danh mục cổ phiếu theo nhu cầu cá nhân. |
Nhiều chi phí (Phí quản lý, phí mua lại, thuế TNCN) | Phí thấp (Phí giao dịch, thuế TNCN) |
Lợi nhuận đầu tư chứng chỉ quỹ
Lợi nhuận của chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào danh mục và mục tiêu đầu tư của quỹ. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường tài chính và tình hình tăng trưởng kinh doanh của các cổ phiếu mà quỹ đầu tư nắm giữ.
Nếu là quỹ cổ phiếu thường mang đến tỷ suất lợi nhuận cao hơn quỹ trái phiếu hay quỹ cân bằng, tuy nhiên rủi ro chứng chỉ quỹ giảm giá cao hơn.
Quỹ mở (OEFs) và quỹ đóng (CEFs) được quản lý theo chiến lược đầu tư chủ động (Active Investing) bởi các chuyên gia quản lý quỹ vì vậy các quỹ đầu tư sẽ cố gắng tối ưu hiệu quả sinh lời để “outperform” (vượt trội) so với thị trường chung.
Mã Quỹ Mở | Đơn vị quản lý | Giá NAV/CCQ | % Rate of Return (RoR) | % CAGR (Từ lúc thành lập) | ||
2015 | 2021 | |||||
DCDS | Quỹ đầu tư chứng khoán năng động Dragon Capital | 23.6 | 78.1 | 231% | 22% | |
DCBC | Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Dragon Capital | 10.7 | 30 | 180% | 19% | |
ENF | Quỹ đầu tư năng động Eastspring Investments VN | 12 | 31.7 | 164% | 18% | |
MBVF | Quỹ đầu tư giá trị MB Capital | 10.8 | 18.7 | 73% | 10% | |
SSI-SCA | Quỹ đầu tư cổ phiếu SSI | 11.5 | 32.1 | 179% | 19% | |
TCEF | Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom | 9.5 | 19.7 | 107% | 13% | |
VCBF-BCF | Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF | 10 | 29.2 | 192% | 20% | |
VEOF | Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh Vinawealth | 10.3 | 26.4 | 156% | 17% | |
VESAF | Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam | 12.35 | 26 | 111% | 20% | Tỷ suất lợi nhuận trung bình 4 năm (2017-2021). |
VNDAF | Quỹ đầu tư chủ động VND (VNDirect) | 10 | 15.9 | 59% | 17% | Tỷ suất lợi nhuận trung bình 3 năm (2018-2021). |
Trung bình tăng trưởng quỹ mở | 145% | 17% | ||||
VN30 | 561.61 | 1535.71 | 173% | 18% | ||
VN-Index | 545.25 | 1498.28 | 175% | 18% |
*Thống kê tỷ suất lợi nhuận kép của quỹ mở trong dài hạn.
Quỹ ETF được quản lý thụ động (Passive Investing) mô phỏng biến động giá của rổ chỉ số trên thị trường nên tỷ suất lợi nhuận phụ thuộc vào hiệu suất sinh lời của các chỉ số mô phỏng như chỉ số VN30, VN100,…
Tên quỹ | Mã giao dịch | Chỉ số tham chiếu | Ngày niêm yết | Đơn vị quản lý | % Rate of Return (RoR) | % CAGR (Từ lúc thành lập quỹ) | |||||||
2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | ||||||
Quỹ ETF SSIAM VN30 | FUESSV30 | VN30 | 18/08/2020 | Công ty quản lý quỹ SSI | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | 96% | 31% | -30% | 9% |
Quỹ ETF SSIAM-HNX50 | FUESSV50 | VNX50 | 10/12/2014 | Công ty quản lý quỹ SSI | 10% | 5% | 29% | -5% | 3% | 25% | 38% | -35% | 10% |
Quỹ ETF DCVFMVN30 | E1VFVN30 | VN30 | 29/09/2014 | Công ty quản lý quỹ Dragon Capital | -9.62% | 15% | 22% | 23% | -5.6% | -4.0% | 34.4% | -30% | 6.5% |
Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND | FUEVFVND | VN DIAMOND | 7/5/2020 | Công ty quản lý quỹ Dragon Capital | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | 115% | 55% | -18% | 21% |
Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD | FUESSVFL | VNFIN LEAD | 11/3/2020 | Công ty quản lý quỹ SSI | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | 63% | 45% | -30% | N/A |
Quỹ ETF MAFM VN30 | FUEMAV30 | VN30 | 17/11/2020 | Công ty quản lý quỹ Mirae Asset | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | 52% | 34% | -31% | N/A |
Quỹ ETF VinaCapital VN100 | FUEVN100 | VN100 | 14/07/2020 | Công ty quản lý quỹ VinaCapital | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | 40% | 38% | -34% | N/A |
Quỹ ETF IPAAM VN100 | FUEIP100 | VN100 | 1/10/2021 | Công ty chứng khoán I.P.A. | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | -35% | N/A |
*Thống kê tỷ suất lợi nhuận kép của quỹ ETF trong dài hạn.
Rủi ro khi đầu tư chứng chỉ quỹ
Rủi ro đầu tư chứng chỉ quỹ cao hay thấp phụ thuộc vào danh mục đầu tư của quỹ được phân bổ theo khẩu vị rủi ro (Risk Tolerance) của nhà đầu tư.
Nếu bạn chọn đầu tư vào quỹ cổ phiếu với tỷ trọng danh mục 80-90% là cổ phiếu thì rủi ro sẽ cao hơn các quỹ khác vì khả năng mất tiền cao khi chứng chỉ quỹ giảm giá.
Khi chứng chỉ quỹ tăng thì danh mục của bạn sẽ đem đến mức tỷ suất lợi nhuận cao và ngược lại. Tuy nhiên, đầu tư chứng chỉ quỹ vẫn an toàn hơn bạn tự đầu tư vì các quỹ đầu tư đều có các chuyên gia quản lý quỹ quản lý danh mục đầu tư cho bạn họ có kinh nghiệm quản trí rủi ro và có nguyên tắc đầu tư rõ ràng để bảo toàn tài sản của bạn, nhà đầu tư.
Nếu không có kinh nghiệm lựa chọn cổ phiếu và quản trị rủi ro bạn sẽ mất tiền trên thị trường chứng khoán “khốc liệt”. Đây là cuộc chiến về mặt tâm lý.
Ở đó có sợ hãi, có hưng phấn, có CALL MARGIN. Nhà đầu tư mới tham gia sẽ phải mất nhiều thời gian để thích nghi với cuộc sống ở đó và có thể bạn sẽ mất ngủ hằng đêm nếu thị trường sụt giá một cách đột ngột.
- Rủi ro thị trường sẽ khiến chứng chỉ quỹ giảm giá trong ngắn hoặc trung hạn, bạn sẽ âm vốn đầu tư thay vị chọn kênh tiền gửi với mức lãi suất cố định.
Ai có thể đầu tư chứng chỉ quỹ?
Chứng chỉ quỹ đầu tư phù hợp với nhà đầu tư:
- Nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường chưa có nhiều kiến thức về đầu tư tài chính để tự xây dựng danh mục đầu tư riêng cho mình. Lựa chọn chứng chỉ quỹ để ủy thác tiền nhàn rỗi của mình cho các dự định tài chính cá nhân.
- Nhà đầu tư không có nhiều thời gian để tự lựa chọn cổ phiếu và theo dõi thị trường.
- Nhà đầu tư muốn tận dụng các yếu tố vĩ mô của Việt Nam như nền kinh tế đang phát triển để xây dựng tài sản dài hạn.
Nên mua chứng chỉ quỹ nào?
Đối với quỹ hoán đổi danh mục ETF:
Hiện nay quỹ ETF trên thị trường chia làm hai loại quỹ ETF nội và quỹ ETF ngoại. Nhà đầu tư cá nhân có thể mua quỹ ETF nội trên thị trường chứng khoán Việt Nam, quỹ ngoại không niêm yết trên thị trường Việt Nam nên bạn không mua được tại các công ty chứng khoán hay ứng dụng đầu tư.
Có 8 quỹ ETF nội được đề cập ở trên với tỷ suất lợi nhuận kép rất cao trong dài hạn (Tùy loại quỹ ETF).
Trên thị trường Việt Nam, hiện có 5 quỹ nội vừa niêm yết vào năm 2020, 1 quỹ niêm yết năm 2021. Đa phần các chứng chỉ quỹ ETF tại Việt Nam đều còn rất mới nên và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Việt Nam trong mắt quốc tế được đánh giá như một Growth Stock (Cổ phiếu tăng trưởng) với mức tăng trưởng trung bình các doanh nghiệp niêm yết từ 25-30%/năm nên được khối ngoại rất quan tâm.
Tham gia mua chứng chỉ quỹ ETF giúp bạn tận dụng sức mạnh của nền kinh tế đang phát triển, các yếu tố vĩ mô đều ổn định. Quỹ ETF tại Việt Nam được kì vọng tăng trưởng kép từ 15-20%/năm, cơ hội gia tăng tài sản ròng của bạn rất lớn.
Đọc thêm:
Nên đầu tư quỹ ETF nào? Hướng dẫn chi tiết (2022)
Đối với quỹ mở:
Trên thị trường hiện nay có 3 loại quỹ mở phổ biến dựa trên khẩu vị rủi ro (Khả năng chấp nhận rủi ro) của bạn. Các loại quỹ được phân bổ theo nguyên tắc Lợi nhuận cao – Rủi ro cao.
Quỹ tăng trưởng | Quỹ cân bằng | Quỹ phòng thủ |
Cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao. | Cổ phiếu, trái phiếu,... với tỷ trọng cân bằng. | Trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi,... |
Rủi ro cao. | Rủi ro trung bình. | Rủi ro thấp |
Lợi nhuận kỳ vọng 13-20%/năm. | Lợi nhuận kỳ vọng 9-13%/năm. | Lợi nhuận kỳ vọng 7-9%/năm. |
Thời gian nắm giữ yêu cầu (2-5 năm) | Thời gian nắm giữ khuyến nghị (1-2 năm) | Thời gian nắm giữ khuyến nghị (Từ 1 năm) |
*Các loại quỹ mở trên thị trường.
Có nhiều quỹ đầu tư mở trên thị trường bạn có thể lựa chọn để đầu tư, mỗi quỹ đều có nguyên tắc đầu tư riêng nhằm mục tiêu đạt hiệu quả cao hơn so với thị trường chung hoặc các chỉ số tham chiếu.
Các nhà quản lý quỹ mở luôn cố gắng tối ưu danh mục, thực hiện các hoạt động trading (giao dịch) để cố gắng tối ưu hóa tỷ suất lợi nhuận so với thị trường. Còn quỹ ETF thì không cố gắng tối ưu danh mục, các bộ chỉ số như VN30, VN100,… sẽ luôn loại bỏ các cổ phiếu không đáp ứng tiêu chí của quỹ. Quỹ ETF chỉ theo dõi các chỉ số đó, không can thiệp vào hiệu quả đầu tư của các chứng chỉ quỹ ETF.
Đọc thêm:
Quỹ mở là gì? Hướng dẫn đầu tư quỹ mở.
Mua chứng chỉ quỹ ở đâu?
Bạn có thể mua chứng chỉ quỹ mở và chứng chỉ quỹ ETF tại các ứng dụng đầu tư tài chính, các công ty chứng khoán hoặc mua trực tiếp tại quỹ đầu tư – đơn vị phát hành chứng chỉ quỹ như Dragon Capital, quỹ đầu tư Vinacapital, quỹ đầu tư Techcombank.
Hiện nay có nhiều ứng dụng tài chính kết hợp với các quỹ đầu tư, làm đơn vị trung gian phân phối để bạn mua chứng chỉ quỹ một cách đơn giản. Đặc biệt bạn có thể mua với số vốn nhỏ hơn khi mua trực tiếp tại các quỹ đầu tư.
Các ứng dụng tài chính giúp cho nhà đầu tư cá nhân vốn ít tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ.
Mua chứng chỉ quỹ mở tại Infina
Các chứng chỉ quỹ mở hiện đang được Infina phân phối:
.No | Chứng chỉ quỹ | Đơn vị phát hành |
1 | VCBF – TBF | Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF |
2 | VCBF – FIF | Quỹ đầu tư trái phiếu VCBF |
3 | VEOF | Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh |
4 | VFF | Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh |
5 | DCBC | Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu |
6 | DCDS | Quỹ đầu tư chứng khoán năng động DC |
7 | MAGEF | Quỹ đầu tư cổ phiếu của Mirae Asset. |
8 | VCAMBF | Quỹ đầu tư cân bằng Bản Việt |
*Chứng chỉ quỹ tại Infina.
Mua chứng chỉ quỹ mở Techcombank (Quỹ đầu tư Ifund)
Chứng chỉ quỹ Techcombank là quỹ đầu tư Ifund với 3 loại chứng chỉ quỹ là quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu và quỹ trái phiếu linh hoạt cho dòng tiền mặt ngắn hạn:
TCBF | TCFF | TCEF |
Quỹ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu với lãi suất kỳ vọng là 8%/năm. Số tiền mua CCQ TCBF tối thiểu chỉ 10,000vnd. | Quỹ đầu tư FlexiCash đầu tư linh hoạt cho dòng tiền mặt nhàn rỗi đang có sẵn tại TCInvest. Lãi suất kỳ vọng 6% cho doanh nghiệp, lãi cao nhất 5,8% cho khách hàng cá nhân tùy theo thời gian nắm giữ. Chứng chỉ quỹ TCFF không có kỳ hạn, bạn có thể mua bán bất kỳ lúc nào trên ứng dụng TCInvest của công ty chứng khoán Techcombank. | Quỹ đầu tư cổ phiếu của Techcombank, đầu tư vào top 30 doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức tỷ suất lợi nhuận (RoR) tùy vào mức độ tăng/giảm của các cổ phiếu trong danh mục của quỹ. |
*Chứng chỉ quỹ Techcombank.
Tìm hiểu thêm:
Quỹ mở Techcombank: Kinh nghiệm đầu tư quỹ mở Techcombank
Mở tài khoản TCInvest chứng khoán TCBS hoặc đọc đánh giá chứng khoán Techcombank.
Mua chứng chỉ quỹ tại Finhay
Finhay không có gói đầu tư trực tiếp vào 1 chứng chỉ quỹ mở cụ thể giống Infina nhưng các cấu trúc đầu tư tại Finhay được phân bổ các CCQ khác nhau tùy vào mức độ rủi ro của từng gói đầu tư. Nghĩa là họ đã lựa chọn giúp bạn các chứng chỉ quỹ vào các gói đầu tư định sẵn theo khẩu vị rủi ro của bạn.
Ví dụ: Gói đầu tư có tên là Voi Rừng là quỹ đầu tư cân bằng (Cổ phiếu, trái phiếu). Cấu trúc này kì vọng đạt tỷ suất lợi nhuận ~10%/năm. Danh mục đầu tư của gói này bao gồm 70% tiền vào quỹ trái phiếu, 30% tiền vào quỹ cổ phiếu.
Các chứng chỉ quỹ mở và quỹ ETF hiện đang có mặt tại Finhay:
.No | Chứng chỉ quỹ | Đơn vị phát hành |
1 | BVBF | Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt |
2 | BVPF | Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt |
3 | TCBF | Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom |
4 | TCFF | Quỹ đầu tư linh hoạt Techcom |
5 | DCBF | Quỹ đầu tư trái phiếu Dragon Capital |
6 | DCDS | Quỹ đầu tư chứng khoán năng động DC |
7 | DCBC | Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Dragon Capital |
8 | DCVFMVN30 | Quỹ ETF 30 doanh nghiệp hàng đầu thị trường chứng khoán |
9 | VNDAF | Quỹ đầu tư 30 cổ phiếu hàng đầu của VNDirect |
10 | SSIBF | Quỹ đầu tư trái phiếu SSI |
11 | SSI-SCA | Quỹ đầu tư cổ phiếu SSI |
*Chứng chỉ quỹ tại Finhay.
Mở tài khoản Finhay hoặc đọc đánh giá Finhay.
Mua chứng chỉ quỹ trên tại Tikop
Tương tự như Finhay, Tikop cũng phân bổ các CCQ vào các gói đầu tư theo khẩu vị rủi ro từ an toàn cho đến mạo hiểm. Các gói sẽ được thiết kế để phù hợp với nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư.
Các CCQ có mặt trên Tikop rất đa dạng từ quỹ mở cho đến quỹ ETF. Các chứng chỉ quỹ tại Tikop bạn có thể đầu tư với số vốn nhỏ chỉ từ 50,000vnd
.No | Chứng chỉ quỹ | Đơn vị phát hành |
1 | DCBF | Quỹ đầu tư trái phiếu Dragon Capital |
2 | DCDS | Quỹ đầu tư chứng khoán năng động Dragon Capital |
3 | DCBC | Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Dragon Capital |
4 | E1VFVN30 | Quỹ ETF VFMVN30 |
5 | ENF | Quỹ đầu tư năng động Eastspring Investments VN |
6 | FUEMAV30 | Quỹ hoán đổi danh mục MAFM VN30 |
7 | FUESSV30 | Quỹ ETF SSIAM VN30 |
8 | FUESSV50 | Quỹ ETF SSIAM VNX50 |
9 | FUESSVFL | Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD |
10 | FUEVFVND | Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND |
11 | MBBOND | Quỹ đầu tư trái phiếu MB |
12 | MBVF | Quỹ đầu tư giá trị MB Capital |
13 | PVBF | Quỹ đầu tư trái phiếu PVCOM |
14 | SSI-SCA | Quỹ đầu tư cổ phiếu SSI |
15 | SSIBF | Quỹ đầu tư trái phiếu SSI |
16 | TCEF | Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom |
17 | VCBF-BCF | Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF |
18 | VCBF-TBF | Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF |
19 | VEOF | Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh Vinawealth |
20 | VESAF | Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam |
21 | VNDAF | Quỹ đầu tư cổ phiếu VND |
22 | VNDBF | Quỹ đầu tư trái phiếu VND |
23 | TCFF | Flexicash của Techcombank |
24 | TCBF | Quỹ đầu tư trái phiếu của Techcombank |
25 | TCFIN | Quỹ đầu tư cổ phiếu ngân hàng và tài chính |
26 | VFF | Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh Vinacapital |
27 | VIBF | Quỹ đầu tư cân bằng Tuệ Sáng Vinacapital |
28 | VLBF | Quỹ đầu tư trái phiếu thanh khoản Vinacapital |
*Chứng chỉ quỹ tại Tikop.
Nếu bạn có thể tự đánh giá hiệu suất và tiềm năng tăng trưởng của các quỹ đầu tư, Tikop cho phép bạn tự thiết kế gói đầu tư linh hoạt, cá nhân hóa khoản đầu tư của bạn. Bạn có thể tự thiết kế quỹ mở hoặc quỹ ETF vào danh mục đầu tư của bạn, tạo ra hiệu suất lợi nhuận riêng của bạn.
Mở tài khoản Tikop hoặc đọc đánh giá Tikop.
Các quỹ đầu tư trên Tikop – Nên đầu tư chứng chỉ quỹ nào?
Thuế, phí khi mua chứng chỉ quỹ đầu tư
- Phí mua (0.15% – 1%) tùy loại quỹ.
- Phí quản lý cao (1-2% NAV/năm). Phí này đã được tính vào giá NAV/CCQ.
- Phí mua lại (0.5 – 1% giá trị bán). Khi mua CCQ nếu bạn nắm giữ thời gian ngắn dưới 1 năm sẽ phải chịu phí mua lại khá cao, nhưng nếu nắm giữ dài hạn từ 1-3 năm thì sẽ không mất phí mua lại.
- Thuế TNCN (Thu nhập cá nhân) 0,1%.
- Phí quản lý thấp từ (0.05% NAV/năm). Phí quản lý được tính vào giá NAV/CCQ.
- Phí giao dịch mua/bán khoảng 0,1% giá trị tại ứng dụng giao dịch chứng khoán TCInvest.
- Thuế TNCN (Thu nhập cá nhân) 0.1%.
Bảng so sánh chi phí của 2 loại quỹ:
Chứng chỉ quỹ mở (OEFs) | Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) |
Phí mua (0.15% – 1%) tùy loại quỹ. | Phí quản lý thấp từ 0.05% NAV/năm). Phí quản lý được tính vào giá CCQ. |
Phí quản lý (1-2% NAV/năm) Phí quản lý được tính vào giá CCQ. | Phí mua lại là phí giao dịch tùy công ty chứng khoán quy định (0.1% - 0.3% giá trị). Không quy định chi phí cho thời hạn nắm giữ. |
Phí mua lại cao (0.5 - 1% giá trị). | Thuế TNCN 0,1% giá trị bán. |
Thuế TNCN 0,1% giá trị bán. |
*So sánh chi phí quỹ mở và quỹ ETF.
Ai sẽ là bên mua lại chứng chỉ quỹ mở?
Chứng chỉ quỹ mở sẽ được mua lại bởi các quỹ đầu tư trực tiếp phát hành và quản lý quỹ, các quỹ đầu tư luôn có sẵn một phần tiền mặt để mua lại chứng chỉ quỹ của bạn. Chỉ cần bạn đặt lệnh bán chứng chỉ quỹ trên ứng dụng đầu tư hoặc các ứng dụng giao dịch chứng khoán. Chứng chỉ quỹ của bạn sẽ luôn được mua lại.
Chứng chỉ quỹ mở không giao dịch giữa các nhà đầu tư với nhau, bạn chỉ có thể mua của công ty phát hành chứng chỉ quỹ và bán lại cho chính họ.
Ai sẽ là bên mua chứng chỉ quỹ ETF khi bạn muốn bán?
Đối với thị trường thứ cấp, chứng chỉ quỹ ETF giao dịch trên thị trường như một cổ phiếu vì vậy bạn có thể bán lại cho nhà đầu tư khác trên sàn chứng khoán như giao dịch một cổ phiếu thông thường. Bạn chỉ cần đặt lệnh bán ETF khi muốn bán và rút tiền về.
Cách đầu tư chứng chỉ quỹ hiệu quả
Chứng chỉ quỹ là công cụ đầu tư rất tốt trong dài hạn với rủi ro thấp với tỷ suất lợi nhuận kép kỳ vọng từ 13-17%/năm.
Cách đầu tư chứng chỉ quỹ hiệu quả nhất là nắm giữ trong dài hạn từ 5-10 năm để tối ưu tỷ suất lợi nhuận kép, với mục tiêu xây dựng các quỹ tài chính cá nhân cho nhiều mục tiêu tài chính.
Có nên trading chứng chỉ quỹ đầu tư?
- Tốn nhiều phí (Phí mua lại chứng chỉ quỹ thường chiếm 1- 2% khá cao trong thời gian ngắn dưới 1 năm). Bên cạnh đó, bạn còn phải trả thuế TNCN 0.1% giá trị bán.
- Không được hưởng tỷ suất lợi nhuận kép của quỹ. Hầu hết mua chứng chỉ quỹ trong thời gian ngắn bạn có lợi nhuận rất thấp hoặc bị mất vốn nếu thị trường đi xuống, đặc biệt là tốn chi phí quản lý quỹ.
Để lựa chọn chứng chỉ quỹ nào tốt, phụ thuộc vào mục tiêu sinh lợi và khẩu vị rủi ro của bạn.
Nếu bạn đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh tài sản thì quỹ cổ phiếu sẽ phù hợp hoặc bạn muốn cân bằng vừa tăng trưởng và có rủi ro thấp thì kết hợp quỹ cân bằng giữa cổ phiếu và trái phiếu sẽ phù hợp với bạn.
Nếu quá khó khăn trong việc lựa chọn chứng chỉ quỹ thì bạn hãy chọn cho mình một ứng dụng đầu tư tài chính và lựa chọn các cấu trúc đầu tư được định sẵn. Bạn chỉ cần nạp tiền và lựa chọn cho mình một cấu trúc rủi ro với mức sinh lợi tốt.
Chứng chỉ quỹ có thể dùng để xây dựng các quỹ tài chính cá nhân, đa dạng nhiều mục tiêu tài chính:
- Quỹ tự do tài chính
- Quỹ đi du học
- Quỹ mua tài sản giá trị cao như mua nhà, xe,…
- Quỹ cho đám cưới.
- Quỹ hưu trí cá nhân
Phương pháp đầu tư chứng chỉ quỹ hiệu quả:
Thời điểm nào mua chứng chỉ quỹ để hiệu quả nhất?
Thời điểm mua hiệu quả nhất là ngay khi bạn hoàn thiện được bản kế hoạch tài chính cá nhân và đã có các mục tiêu tài chính cụ thể.
Sau đó bạn có thể trích thu nhập mỗi tháng để mua chứng chỉ quỹ. Nếu thị trường chứng khoán giảm bạn có thể mua nhiều hơn để có giá chứng chỉ quỹ “chiết khấu”, mua đồ chất lượng cao nhưng đang “sale off” là cách để tiết kiệm tiền hiệu quả.
Bên cạnh đó, bạn có thể tận dụng những lúc thị trường giảm giá mạnh để tích lũy chứng chỉ quỹ cho dự định tài chính của mình trong tương lai.
Tổng kết
Chứng chỉ quỹ là công cụ tài chính hiệu quả nếu bạn biết tận dụng nó một cách phù hợp.
Chứng chỉ quỹ không phải là công cụ để bạn kiếm tiền nhanh trong thời gian ngắn, nó chỉ phù hợp để bạn “tích sản” hay còn gọi là tích lũy tài sản cho các dự định trong tương lai.
Xây dựng tư duy đúng về đầu tư quan trọng hơn cách bạn sử dụng công cụ đầu tư. Chứng chỉ quỹ chỉ là một công cụ trong số nhiều công cụ tài chính khác giúp bạn xây dựng tài sản cho gia đình của mình.
Bạn hãy luôn nhớ rằng: “Chỉ đầu tư vào những gì mình hiểu.”
Trước khi đầu tư vào bất kì công cụ tài chính nào bạn cũng nên phân tích cách nó hoạt động và tạo ra lợi nhuận cho bạn để hạn chế rủi ro đầu tư tối đa để bảo vệ tài sản mình khó khăn mới làm ra.