Quỹ mở (Mutual Fund) là các quỹ đầu tư trên thị trường huy động vốn của nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư.
Đầu tư quỹ mở là hình thức ủy thác đầu tư đối với nhà đầu tư cá nhân và quỹ áp dụng chiến lược đầu tư chủ động (Active Investing), tức là cố gắng tối ưu danh mục để đạt hiệu suất vượt trội so với thị trường VN-Index hoặc các chỉ số tham chiếu.
Quỹ mở có nhiều loại dựa vào mức độ chấp nhận rủi ro và tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư. Quỹ mở phân loại theo mức độ rủi ro bao gồm quỹ cổ phiếu, quỹ cân bằng (Cổ phiếu, trái phiếu,…) và quỹ trái phiếu.
Bài viết sẽ đi chi tiết về cách hoạt động của quỹ mở, các loại quỹ mở trên thị trường giúp bạn có thêm thông tin để ra quyết định đầu tư cho chính mình.
Quỹ mở là công cụ đầu tư rất tốt trong dài hạn từ 5-10 năm, phù hợp để tích lũy tài sản ròng và không cần nhiều kiến thức về đầu tư chứng khoán.
Trước khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ, bạn nên đánh giá lại tình hình tài chính cá nhân và lập kế hoạch phân bổ thu nhập theo các quy tắc đơn giản như 50/30/20 hoặc 80/20 để chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư một cách hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của bạn.
Chứng chỉ quỹ là công cụ đầu tư ít rủi ro, sinh lời tốt trong trung và dài hạn. Đây là kênh phù hợp để bạn phát triển các quỹ tài chính dựa vào mục tiêu cá nhân cũng như mục tiêu chung của gia đình bạn.
Quỹ mở là một loại chứng chỉ quỹ, một công cụ đầu tư phù hợp với người mới và có vốn đầu tư nhỏ. Vì vậy, bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay, sau khi đọc bài viết này.
Quỹ mở là gì?
Quỹ mở là quỹ đầu tư đại chúng, sở dĩ có tên là quỹ mở vì ai cũng có thể góp vốn được bằng hình thức mua chứng chỉ quỹ. Quỹ mở huy động vốn của nhiều nhà đầu tư cá nhân để tạo nên một quỹ đầu tư với giá trị tài sản (NAV) rất lớn.
Quỹ mở dùng để đi đầu tư vào các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, hoặc blend (kết hợp) với nhau dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) và kỳ vọng lợi nhuận (Expected Return).
Quỹ mở sẽ cố gắng tối ưu hiệu quả sinh lợi (Rate of return) vượt trội so với thị trường chung (VN-Index) bằng các chiến lược như phân bổ tỷ trọng danh mục đầu tư, thực hiện mua/bán chứng khoán để gia tăng tài sản và tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư cá nhân.
Các loại quỹ mở
Quỹ mở trên thị trường sẽ có các loại như cổ phiếu, trái phiếu hoặc quỹ cân bằng dựa vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.
Quỹ cổ phiếu hay còn gọi là quỹ tăng trưởng vốn gốc (Capital Growth) thường có mức độ rủi ro cao trong ngắn hạn nhưng kỳ vọng lợi nhuận cao trong dài hạn.
Quỹ cổ phiếu ở mỗi công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư sẽ có chiến lược đầu tư khác nhau và có nhiều loại quỹ cổ phiếu khác nhau như cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn hóa vừa và nhỏ,…
Về mặt bản chất, quỹ cổ phiếu với mục tiêu gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư và quỹ sẽ chủ động lựa chọn các cổ phiếu nên gọi là chiến lược đầu tư chủ động (Active Investing).
Quỹ cân bằng là loại quỹ phân bổ tỷ trọng gần như bằng nhau cho trái phiếu và cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn cho danh mục đầu tư và tạo thu nhập cố định cho nhà đầu tư.
Quỹ phòng thủ hay thận trọng sẽ lựa chọn các công cụ đầu tư ít rủi ro trong ngắn hạn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi (CDs), tín phiếu,… Các công cụ này có lãi suất cố định hằng năm và tạo thu nhập định kỳ cho nhà đầu tư. Nếu bạn tái đầu tư khoản thu nhập thì được hưởng lãi kép (Compound Interest).
Bảng các loại quỹ mở trên thị trường:
Quỹ tăng trưởng | Quỹ cân bằng | Quỹ phòng thủ |
Cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao. | Cổ phiếu, trái phiếu,... với tỷ trọng cân bằng. | Trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi,... |
Rủi ro cao. | Rủi ro trung bình. | Rủi ro thấp |
Lợi nhuận kỳ vọng 13-20%/năm. | Lợi nhuận kỳ vọng 9-13%/năm. | Lợi nhuận kỳ vọng 7-9%/năm. |
Thời gian nắm giữ yêu cầu (2-5 năm) | Thời gian nắm giữ khuyến nghị (1-2 năm) | Thời gian nắm giữ khuyến nghị (Từ 1 năm) |
Cách hoạt động của quỹ đầu tư mở
Quỹ đầu tư mở hoạt động dưới hình thức bán chứng chỉ quỹ để huy động vốn đầu tư. Bạn mua 1 chứng chỉ quỹ với giá 20,000vnd/CCQ đồng nghĩa với bạn đã góp vốn 20,000vnd cho quỹ đầu tư và hưởng lợi nhuận từ danh mục đầu tư của quỹ.
Ngày nay quỹ đầu tư hoạt động bằng cách phân phối chứng chỉ quỹ trên nền tảng trung gian hoặc tự tạo nền tảng cho riêng mình thông qua ứng dụng công nghệ.
Hồi đó, bạn mua chứng chỉ quỹ thì phải đến quỹ đầu tư để đăng kí mở tài khoản bằng giấy tờ truyền thống và với số vốn tối thiểu khá cao cho nhà đầu tư cá nhân vốn nhỏ.
Bây giờ thì mua chứng chỉ quỹ mở dễ hơn nhiều. Bạn chỉ việc lên 1 trong các ứng dụng tài chính như Tikop, Infina, Finhay,… hoặc mua chứng chỉ quỹ mở của các công ty chứng khoán như quỹ mở Techcombank Ifund của chứng khoán Techcombank.
Phân biệt sự khác nhau giữa mua chứng chỉ quỹ mở tại các ứng dụng đầu tư và mua trực tiếp tại quỹ đầu tư phát hành:
Mua CCQ tại ứng dụng đầu tư (Gián tiếp) | Mua CCQ tại quỹ đầu tư (Trực tiếp) |
Bắt đầu với vốn nhỏ chỉ từ 50,000vnd. | Yêu cầu vốn tối thiểu từ 1 triệu hoặc hơn. |
Quy trình mở tài khoản đơn giản chỉ cần tải app. | Quy trình phức tạp, cần nhiều thủ tục, giấy tờ tùy quỹ đầu tư. |
Đa dạng quỹ đầu tư cho bạn lựa chọn. | Chỉ 1 quỹ đầu tư mà bạn dự định đầu tư. |
Công bố dữ liệu quỹ chưa đầy đủ để phân tích, đánh giá. | Thông tin đầy đủ và được quỹ đầu tư tư vấn trực tiếp. |
Tốn phí nền tảng trung gian tùy app. | Không tốn phí nền tảng vì bạn mua trực tiếp tại quỹ đầu tư. |
Đầu tư quỹ mở khác gì đầu tư cổ phiếu
Đầu tư quỹ mở là ủy thác đầu tư, còn đầu tư cổ phiếu là bạn phải DIY (Do it yourself), bạn phải tự mình lựa chọn cổ phiếu, phân bổ tỷ trọng danh mục để quản trị rủi ro, phân tích tài chính của doanh nghiệp và định giá cổ phiếu.
Ủy thác đầu tư là bạn không cần phải làm những công việc ở trên mà bạn chỉ việc mua chứng chỉ quỹ, phần còn lại quỹ đầu tư sẽ tối ưu hiệu quả đồng vốn giúp bạn.
Đầu tư vào quỹ mở bạn sẽ tốn nhiều chi phí hơn mình tự giao dịch cổ phiếu. Bạn sẽ phải chịu các loại chi phí như phí bán lại chứng chỉ quỹ nếu nắm giữ trong ngắn hạn và phí quản lý đã tính vào giá chứng chỉ quỹ.
CCQ (OEFs, CEFs, ETFs) | Cổ phiếu (Individual Stock) |
Được quản lý bởi quỹ đầu tư chuyên nghiệp hoặc được lựa chọn mô phỏng lợi nhuận rổ chỉ số (Price Index) trên thị trường chứng khoán. | Cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như tập đoàn Hòa Phát (HPG), tập đoàn Masan (MSN),... |
Rủi ro thấp vì danh mục gồm nhiều tài sản khác nhau để phân tán rủi ro. | Rủi ro cao tùy hiệu suất từng cổ phiếu. |
Không được lựa chọn danh mục đầu tư của quỹ. | Được lựa chọn danh mục cổ phiếu theo nhu cầu cá nhân. |
Nhiều chi phí (Phí quản lý, phí mua lại, thuế TNCN) | Phí thấp (Phí giao dịch, thuế TNCN) |
Ưu, nhược điểm của chứng chỉ quỹ mở
- Tỷ suất lợi nhuận cao trong dài hạn. Có quỹ vượt trội so với thị trường chung, có quỹ thất bại so với thị trường.
- Rào cản gia nhập thấp, vốn đầu tư tối thiểu ban đầu thấp và không cần nhiều kiến thức đầu tư tài chính.
- Sự đa dạng của các quỹ đầu tư mở. Có nhiều quỹ mở cho bạn lựa chọn và dễ mua/bán chứng chỉ quỹ.
- Rủi ro thấp hơn so với bạn tự lựa chọn cổ phiếu và dẫn đến vòng xoáy mua bán ngắn hạn, thua lỗ trên thị trường.
- Chi phí cao.
- Phí bán lại và phí quản lý của quỹ mở cao. Có nhiều quỹ hiệu suất sinh lợi kém hơn thị trường chung, bạn phải đánh giá kĩ để lựa chọn quỹ tốt nhất.
- Thanh khoản không bằng tự đầu tư cổ phiếu hoặc mua chứng chỉ quỹ ETF. Vì thời gian khớp lệnh mua/bán từ 1-2 ngày.
Đọc thêm:
Danh sách các quỹ mở tại Việt Nam
Mình có tổng hợp một số quỹ đầu tư mở phổ biến và dễ tiếp cận đối với nhà đầu tư cá nhân. Thông tin minh bạch, an toàn và rào cản gia nhập thấp:
-
Quỹ đầu tư Dragon Capital (DCDS, DCBC,…)
-
Quỹ đầu tư Ifund của Techcombank (TCEF, TCBF,…)
-
Quỹ đầu tư Eastspring Investments VN (ENF,…)
-
Quỹ đầu tư MBCapital (Thuộc ngân hàng MBBank) (MBVF,…)
-
Quỹ đầu tư của chứng khoán SSI (SSI-SCA,…)
-
Quỹ đầu tư Vietcombank (VCBF-BCF,…)
-
Quỹ đầu tư Vinacapital (VEOF,…)
-
Quỹ đầu tư của chứng khoán VNDirect (VNDAF,…)
-
Quỹ đầu tư của Mirae Asset (MAGEF)
Mỗi quỹ đầu tư có quỹ cổ phiếu (Equity Fund) và quỹ trái phiếu (Bond Fund) hoặc quỹ cân bằng. Bạn có thể tham khảo tại website của các quỹ đầu tư mình nêu ở trên để tìm thêm thông tin pháp lý của quỹ đầu tư.
Tỷ suất lợi nhuận trung bình năm (CAGR) của các loại quỹ mở trên thị trường
Mình có làm một bảng tổng hợp về tăng trưởng dài hạn của các quỹ cổ phiếu tại các quỹ đầu tư so với VN-Index.
Bảng này chỉ thể hiện tỷ suất lợi nhuận của quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu mình không đề cập trong bảng này:
Mã Quỹ Mở | Đơn vị quản lý | Giá NAV/CCQ | % Rate of Return (RoR) | % CAGR (Từ lúc thành lập) | ||
2015 | 2021 | |||||
DCDS | Quỹ đầu tư chứng khoán năng động Dragon Capital | 23.6 | 78.1 | 231% | 22% | |
DCBC | Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Dragon Capital | 10.7 | 30 | 180% | 19% | |
ENF | Quỹ đầu tư năng động Eastspring Investments VN | 12 | 31.7 | 164% | 18% | |
MBVF | Quỹ đầu tư giá trị MB Capital | 10.8 | 18.7 | 73% | 10% | |
SSI-SCA | Quỹ đầu tư cổ phiếu SSI | 11.5 | 32.1 | 179% | 19% | |
TCEF | Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom | 9.5 | 19.7 | 107% | 13% | |
VCBF-BCF | Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF | 10 | 29.2 | 192% | 20% | |
VEOF | Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh Vinawealth | 10.3 | 26.4 | 156% | 17% | |
VESAF | Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam | 12.35 | 26 | 111% | 20% | Tỷ suất lợi nhuận trung bình 4 năm (2017-2021). |
VNDAF | Quỹ đầu tư chủ động VND (VNDirect) | 10 | 15.9 | 59% | 17% | Tỷ suất lợi nhuận trung bình 3 năm (2018-2021). |
Trung bình tăng trưởng quỹ mở | 145% | 17% | ||||
VN30 | 561.61 | 1535.71 | 173% | 18% | ||
VN-Index | 545.25 | 1498.28 | 175% | 18% |
*Tăng trưởng kép (CAGR) N/A có nghĩa là chưa đủ dữ liệu về 1 giai đoạn thời gian nên mình không đưa vào để tính toán.
CAGR là tỷ lệ tăng trưởng kép trung bình năm trong 1 giai đoạn cụ thể hay còn gọi là tỷ suất lợi nhuận trung bình năm được tính bằng công thức:
\[ CAGR=((\frac{EV}{BV})^\frac{1}{n}-1) * 100 \]
*Chú thích:
Giá trị cuối hay giá trị tương lai (Ending Value – EV) là giá trị sau khi bạn chốt lãi khoản đầu tư.
Giá trị đầu hay vốn gốc ban đầu (Beginning Value – BV) là giá trị khoản đầu tư ban đầu.
n: Số năm.
Đọc thêm: CAGR là gì? Cách sử dụng CAGR để đầu tư dài hạn hiệu quả.
Rủi ro khi đầu tư quỹ mở
Các loại rủi ro thường gặp khi đầu tư:
Rủi ro lựa chọn quỹ đầu tư
Tức là tính pháp lý của quỹ đầu tư. Nếu bạn lựa chọn quỹ đầu tư không có pháp lý minh bạch, không có ngân hàng giám sát và công bố thông tin về quỹ rõ ràng.
Bạn hãy cẩn thận!
Rủi ro ở đây là rủi ro gặp quỹ đầu tư lừa đảo, huy động vốn của nhà đầu tư và không công bố cách sử dụng tiền của bạn để sinh lợi mà chỉ cam kết lãi suất cao khiến chúng ta bị “hoa mắt”.
Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản nghĩa là bạn không bán lại chứng chỉ quỹ được vì quỹ đầu tư không mua lại.
Trường hợp này rất ít khi xảy ra vì quỹ mở bắt buộc phải mua lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư khi bạn muốn bán lại chứng chỉ quỹ.
Quỹ mở luôn có sẵn lượng tiền mặt trong danh mục đầu tư để mua lại chứng chỉ quỹ của bạn.
Rủi ro hệ thống hoặc rủi ro từ thị trường
Rủi ro này bạn sẽ phải gặp thường xuyên và đi kèm với lợi nhuận kỳ vọng. Nếu bạn lựa chọn quỹ mở cổ phiếu thì rủi ro mất vốn khi thị trường giảm trong ngắn hạn. Nhưng về mặt dài hạn, các cổ phiếu tốt luôn tăng trưởng giá trị vì kinh tế Việt Nam GDP tăng trưởng trung bình 6-7%/năm.
Các doanh nghiệp ở Việt Nam nếu so với thế giới thì vẫn còn ở giai đoạn đầu nên tăng trưởng sẽ rất mạnh mẽ điển hình như Mobile World Group – MWG (Thế giới di dộng), FPT, Vingroup (VIC), VHM (Vinhomes), Hòa Phát (HPG),…
Mức tăng trưởng của các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam dao động từ 20-30%/năm.
Trong ngắn hạn thị trường chứng khoán dao động với biên độ từ 5-10% vì vậy bạn có thể gặp rủi ro âm vốn gốc khi mua chứng chỉ quỹ mở trong thời gian ngắn < 1 năm.
Giá của quỹ mở có tác động đến tỷ suất lợi nhuận (Rate of Return) trong tương lai
Giá của chứng chỉ quỹ không tác động đến lợi nhuận hoặc tăng trưởng của quỹ mở.
Giá được tính bằng cách lấy giá trị tài sản (NAV) chia cho số lượng chứng chỉ quỹ phát hành.
Công thức:
\[ Giá=\frac{Nav}{CCQ} \]
Quỹ mở giá cao có nghĩa là giá trị tài sản của quỹ lớn vì hoạt động lâu năm và tăng trưởng mạnh mẽ trong quá khứ.
Giá rẻ bạn mua được nhiều chứng chỉ quỹ.
Giá cao bạn mua được ít chứng chỉ quỹ với cùng số vốn đầu tư.
Tỷ suất lợi nhuận trong tương lai phụ thuộc vào các cổ phiếu danh mục đầu tư của quỹ.
Cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ thì đương nhiên quỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ theo!
Quỹ mở nào tốt nhất?
Để đánh giá chứng chỉ quỹ bạn phải dựa vào danh mục của quỹ và tăng trưởng của quỹ trong 1 giai đoạn trong quá khứ để đánh giá.
Lưu ý là đầu tư dài hạn nên các quỹ tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn không có nghĩa là dài hạn sẽ tăng trưởng mạnh theo.
Đường dài mới biết ngựa hay.
Xét tăng trưởng kép trong 1 giai đoạn là con số đáng tin cậy nhất vì quỹ tăng trưởng tốt qua nhiều năm chứ không phải tăng mạnh trong 6 tháng hay 1 năm.
Có nhiều quỹ đầu tư đã trải qua những thăng trầm của thị trường như quỹ Dragon Capital, SSI,… và đã chứng minh hiệu quả tăng trưởng của mình trong dài hạn.
Tăng trưởng mạnh trong thị trường giá lên (Bull Market) thì quá đơn giản! Ai cũng làm được kể cả nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Nhưng tăng trưởng qua những năm giảm, thị trường tài chính biến động, khủng hoảng tài chính,… chứng tỏ quỹ đã “kiên cường” và có đội ngũ quản lý quỹ tài năng để duy trì hiệu suất.
Một vài tiêu chí dựa trên kinh nghiệm đầu tư của mình bạn có thể tham khảo để đánh giá quỹ đầu tư mở:
- Biết quỹ đang nắm cổ phiếu nào? Tỷ trọng ra sao?
- Ngành nào chiếm tỷ trọng lớn? Tiềm năng tăng trưởng trong 1-3 năm tới hoặc 5 năm tới?
- Hệ số Beta (Độ biến động so với thị trường), Sharpe (Tỷ suất lợi nhuận so với rủi ro danh mục đầu tư) và các chỉ số như P/E, ROE,… của quỹ như thế nào so với VN-Index. Xem trong báo cáo của quỹ để có thông tin chính xác.
- Thâm niên của quỹ và đội ngũ quản lý quỹ trên thị trường tài chính.
Cách mua chứng chỉ quỹ mở
Chiến lược mua chứng chỉ quỹ mở
Chiến lược phù hợp với nhà đầu tư khi mua chứng chỉ quỹ mở là đầu tư định kỳ hằng tháng.
Sau khi xác định mục tiêu tài chính của bạn trong trung và dài hạn. Bạn có thể lựa chọn đầu tư quỹ mở để bắt đầu một cách đơn giản nhất thay vì phải tự đầu tư cổ phiếu cần nhiều kiến thức.
Quỹ mở phù hợp với mục tiêu tài chính trung và dài hạn với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng từ 13-17%/năm.
Sau khi có lương hoặc thu nhập, bạn lập ngân sách chi tiêu và phân bổ tỷ trọng dựa trên các nguyên tắc phân bổ ngân sách như 50/30/20 hoặc 80/20 để tiết kiệm ngắn hạn và đầu tư trung và dài hạn.
Thời điểm đầu tư chứng chỉ quỹ mở phù hợp
Mình thấy có nhiều bạn băn khoăn thời điểm mua chứng chỉ quỹ. Trên thực tế canh mua chứng chỉ quỹ khi giảm và canh bán khi tăng là điều “không tưởng”, giống với cổ phiếu, bạn sẽ không bao giờ bắt được đáy và bán được đỉnh trong ngắn hạn.
Các chỉ báo kỹ thuật cho chúng ta thấy những dấu hiệu mua/bán như chỉ báo RSI, MACD, Ichimoku Cloud,… và không hoàn toàn chính xác 100%. Vì vậy, cách mua chứng chỉ quỹ mở phù hợp nhất là mua định kỳ mỗi tháng.
Nếu tháng này mua giá tăng cao nhưng tháng sau mua giá giảm thì sẽ gọi là trung bình giá giảm (Average Dollar Cost). Tức là giá trị trung bình của 2 lần mua, bạn đã mua chứng chỉ quỹ với giá thấp hơn lần mua trước.
Khi giá tăng trong thời gian tới thì tỷ suất lợi nhuận của bạn cao hơn.
Thời điểm đầu tư chứng chỉ quỹ tốt nhất là mua khi còn trẻ, thời gian bạn tích lũy đủ lâu để thị trường chứng khoán Việt Nam chinh phục những đỉnh “kout” mới.
Có nên lướt sóng chứng chỉ quỹ?
Lướt sóng là tiền bạn lướt mất.
Theo cá nhân mình là bạn không nên lướt sóng chứng chỉ quỹ mở vì những chi phí bạn phải trả là khá cao và lợi nhuận “rất non” trong ngắn hạn.
Mua chứng chỉ quỹ nhằm mục tiêu lướt sóng là cách làm không bền vững và rất rủi ro trong ngắn hạn. Vì thị trường chứng khoán trong ngắn hạn không ai có thể dự đoán chính xác được.
Trong thị trường Bull Market (Thị trường giá lên) thì có vẻ như bạn kiếm lợi nhuận rất dễ và sẽ mong muốn lướt sóng chứng chỉ quỹ để kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn. Nhưng khi thị trường Bear Market (Thị trường giá xuống), lướt sóng bạn sẽ mất tiền.
Hãy để thời gian cân bằng lại giá trị thị trường! Trong dài hạn, các cổ phiếu tốt luôn tăng trưởng và chứng chỉ quỹ cũng sẽ tăng giá vì các quỹ đầu tư rót vốn vào các cổ phiếu tốt, tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn.
Quỹ mở có chia cổ tức không
Cổ tức phụ thuộc vào các cổ phiếu trong danh mục quỹ. Nếu các cổ phiếu có chia cổ tức thì bạn sẽ nhận phần tương ứng với giá trị bạn mua chứng chỉ quỹ.
Cổ tức có thể bằng tiền hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư sẽ có các chiến lược đầu tư khác nhau và thường sẽ dùng phần cổ tức để tái đầu tư trong danh mục để gia tăng tài sản của quỹ.
Bạn nên liên hệ các quỹ đầu tư để hỏi kĩ về chính sách cổ tức của họ để biết chính xác hơn.
Ở các nước phát triển sẽ có những quỹ mở đầu tư vào các cổ phiếu chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm để tạo thu nhập cố định cho các nhà đầu tư (Income Investing).
Ở Việt Nam chúng ta số lượng quỹ mở còn ít về quy mô nên chưa đa dạng cho bạn. Trong tương lai, mình tin là sẽ có nhiều quỹ đầu tư tham gia và thị trường tài chính của nước ta sẽ sôi động hơn rất nhiều!
Cách theo dõi giá của chứng chỉ quỹ mở
Cách 1: Bạn có thể theo dõi giá của chứng chỉ quỹ mở tại các ứng dụng đầu tư mà bạn mua chứng chỉ quỹ như Tikop, Finhay hoặc Infina.
Cách 2: Hoặc xem tại bản cáo bạch của quỹ đầu tư được công bố thường xuyên tại trang web của quỹ đầu tư. Mở tài khoản trực tiếp tại quỹ đầu tư như Dragon Capital, Vinacapital,… bạn sẽ được các quỹ đầu tư gửi báo cáo thường xuyên về giá NAV/CCQ của chứng chỉ quỹ.
Cách 3: Theo dõi giá trực tiếp của các chứng khoán trong danh mục của quỹ mở để tính tăng trưởng chứng chỉ quỹ thủ công. Cách này hơi mất thời gian nhưng bạn dễ dàng tự cập nhật tăng trưởng của quỹ.
Hướng dẫn đầu tư quỹ mở online
Có nhiều ứng dụng cho bạn mở tài khoản để đầu tư chứng chỉ quỹ với số vốn nhỏ như Tikop, Finhay, Infina,…
Tuy nhiên, mình rất có cảm tình với Tikop vì được phép “personalized” cá nhân hóa danh mục chứng chỉ quỹ yêu thích. Bằng cách lựa chọn chứng chỉ quỹ, phân bổ tỷ trọng và số tiền đầu tư. Bạn đã sở hữu một danh mục chứng chỉ quỹ theo sở thích cá nhân sau vài thao tác đơn giản.
Ở Tikop có khoảng 22 chứng chỉ quỹ bao gồm quỹ mở và quỹ ETF. Tuy nhiên, có một số quỹ mở trên Tikop không phân phối như MAGEF của Mirae Asset, quỹ này có mặt tại app Infina.
Bước 1: Tải app và mở tài khoản Tikop (Nhận 10k từ mình để làm quen).
Bước 2: Xác thực tài khoản bằng công nghệ định danh online eKYC (Chuẩn bị CCCD, quần áo để xác thực cho đẹp).
Bước 3: Liên kết tài khoản ngân hàng.
Bước 4: Nạp tiền đầu tư, đặt mục tiêu đầu tư, lựa chọn quỹ và phân bổ tỷ trọng. Tikop sẽ dựa vào số tiền của bạn để phân bổ tiền đầu tư theo tỷ trọng bạn mong muốn vào các chứng chỉ quỹ.
Xem thêm thời gian khớp lệnh chứng chỉ quỹ Tikop. Lệnh sẽ khớp sau 1-2 ngày làm việc tùy loại quỹ.
Bước 5: Theo dõi lợi nhuận và nạp tiền đầu tư định kỳ dựa vào mục tiêu tài chính.
Bước 1: Mở tài khoản chứng khoán tại ứng dụng TCInvest.
Bạn có thể mở tài khoản online và định danh hoàn toàn bằng điện thoại.
Bước 2: Đăng nhập vào app và chuyển tiền vào TCInvest từ tài khoản ngân hàng Techcombank hoặc ngân hàng khác của bạn.
Xem hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản TCInvest.
Bước 3: Đặt lệnh mua quỹ trên TCInvest theo nhu cầu của bạn. Qua hôm sau là quỹ sẽ về đến tài khoản của bạn.Trước 14h45 bạn phải đảm bảo số dư trên tài khoản TCInvest theo số tiền đặt mua chứng chỉ quỹ.
Xem hướng dẫn đặt lệnh quỹ Ifund.
Bước 4: Theo dõi lợi nhuận tháng/quý/năm và tối ưu danh mục đầu tư.
Tổng kết
Chứng chỉ quỹ mở là công cụ đầu tư rất tốt trong dài hạn cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường tài chính hoặc không có nhiều thời gian để đầu tư.
Ủy thác đầu tư cho người có chuyên môn sẽ giúp bạn tối ưu chi phí cơ hội, dành nhiều thời gian để phát triển chuyên môn gia tăng thu nhập mỗi tháng.
Chứng chỉ quỹ mở sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính của mình nhờ tỷ suất lợi nhuận cao trong dài hạn và rủi ro thấp hơn bạn tự đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Việc khó để chuyên gia lo. Việc của bạn là tích lũy tài sản bằng chuyên môn và kinh nghiệm của bạn.