investvnd-logo

Quản lý tài chính cá nhân từ A-Z (2023)

Invest VND 5 Tài chính cá nhân 5 Dân trí tài chính 5 Quản lý tài chính cá nhân từ A-Z (2023)

 

Phần 1: Mở đầu – Quản lý tài chính cá nhân là gì?

 Tổng quan về quản lý tài chính cá nhân 

Quản lý tài chính cá nhân là ứng dụng các công cụ tài chính và quy tắc để phân bổ ngân sách chi tiêu, dự phòng rủi ro và đầu tư cho các mục tiêu tài chính trong tương lai.

Quản lý tài chính cá nhân giống như bất kỳ kỹ năng mềm nào như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm,… và nên được xem là môn học bắt buộc kể từ cấp tiểu học.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta lại không có bộ môn quản lý tài chính cá nhân và các kỹ năng ứng xử về tiền bạc, dẫn đến các bạn trẻ bị thiếu hụt kỹ năng quản lý tiền. Nhiều người chỉ làm việc kiếm tiền, tiêu tiền và mượn tiền. Lương càng cao, càng nợ nhiều hơn, thậm chí nhiều người mất thanh khoản (khả năng trả nợ), phải trốn tránh làm ảnh hưởng đến người thân và bạn bè.

Thiếu kiến thức về tài chính cá nhân, các bạn sẽ sa vào bẫy lừa đảo tài chính, đa cấp tài chính bằng các mô hình đầu tư tiền ảo bất hợp pháp, đầu tư bất động sản ma,.. Rất nhiều người ở Việt Nam chúng ta mất rất nhiều tiền, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân và làm xấu xã hội Việt Nam.

Để một xã hội thịnh vượng, đất nước phát triển, từng cá nhân chúng ta phải biết cách vận hành và sử dụng đồng tiền một cách phù hợp với tình hình tài chính của mình.

Invest VND là blog tài chính cá nhân với mục tiêu chia sẻ kiến thức tài chính cá nhân và đầu tư cơ bản nhất đến các bạn trẻ. Các bài viết đưa ra góc nhìn, quan điểm và các kiến thức quản lý tài chính cá nhân đơn giản của tác giả sưu tầm, ai cũng có thể áp dụng để giúp bạn có một bức tranh tài chính lành mạnh, sống vui vẻ mỗi ngày cùng gia đình và người thân.

*Invest VND không khuyến nghị đầu tư, chỉ tập trung chia sẻ tri thức và bản chất của vấn đề đến độc giả. Mọi quyết định đầu tư tùy thuộc vào bạn và tình hình tài chính cá nhân của bạn. Invest VND không chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư tài chính của bạn. Mọi công cụ đầu tư đều đi kèm với rủi ro và lợi nhuận. Bạn nên cân nhắc trước khi đầu tư vào bất kì công cụ đầu tư nào.

 Tâm lý chi tiêu 

Bất kì ai trong chúng ta đều cũng có thể sa vào bẫy mua hàng của các thương hiệu.

Các thương hiệu luôn cố gắng tạo ra các giải pháp tối ưu để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vì vậy họ luôn có những cách truyền thông nắm bắt tâm lý của bạn để bạn ra quyết định mua hàng.

Họ làm khuyến mãi kích thích mình mua hàng ngay dù nhiều khi món đồ đó chưa thực sự cần thiết.

Họ làm quảng cáo với visual (hình ảnh) lung linh với tần suất lặp lại rất nhiều lần đi sâu vào tiềm thức của chúng ta.

Họ nâng cấp giá trị sản phẩm, làm hình ảnh sang trọng, cao cấp khiến chúng ta phải bỏ tiền ra chi tiêu nhiều hơn.

Tất cả đều là  bẫy tâm lý mua hàng . Ai cũng có thể bị “dính bẫy chi tiêu”.

Các bẫy tâm lý này khiến chúng ta chi tiêu nhiều hơn mức cho phép của thu nhập, dẫn đến ngân sách chi tiêu bị “thủng”, phá vỡ các khoản chi tiêu mà bạn đã vạch ra từ trước.

Có nhiều người còn không lập ngân sách chi tiêu và đương nhiên sẽ mua sắm bất chấp và không nghĩ đến ngày mai.

Đó là vấn đề chung của mọi người về quản lý tài chính cá nhân.

Những thói quen xấu sẽ khiến tình hình tài chính của bạn “không khỏe”:

  • Mua sắm ngẫu hứng và chi tiêu không có kế hoạch hoặc không bám theo kế hoạch vì “bẫy chi tiêu”.
  • Không có thói quen tiết kiệm.
  • Không học đầu tư cơ bản.
  • Không có kế hoạch tài chính dài hạn.
  • Không phát triển bản thân để gia tăng thu nhập.
  • Thường xuyên quẹt thẻ tín dụng, mua trả góp, vay tiêu dùng tín chấp lãi suất từ cao đến rất cao,….

Những thói quen này sẽ phá hoại sức khỏe tài chính cá nhân của bạn, khiến bạn khổ sở vì phải trả nợ, làm việc như “điên” để kiếm tiền mà không có tài sản ròng (Net Worth) trong tương lai.

Một vài cách để bạn hạn chế mua sắm ngẫu hứng, bạn có thể áp dụng nếu phù hợp:

  • Hạn chế lướt mạng xã hội thường xuyên, bạn sẽ tiếp xúc rất nhiều quảng cáo của thương hiệu và “dính bẫy chi tiêu”.
  • Hạn chế lướt TMĐT (Thương mại điện tử). Khi có nhu cầu bạn hãy tìm kiếm từ khóa chính xác nhu cầu và mua hàng. Xong là kết thúc quy trình mua hàng. Nếu bạn cứ lướt và lướt bạn sẽ chi và chi.
  • Thay vào đó hãy đọc sách, chơi thể thao, hoạt động ngoài trời, xem phim online (Mua bản quyền để không gặp quảng cáo),… trong thời gian rảnh.
  • Trò chuyện với gia đình và bạn bè nhiều hơn.

 Xác định nhu cầu thiết yếu, mong muốn và khao khát (Need & Want & Desire) 

Bạn cần phải làm rõ giữa nhu cầu thiết yếu, mong muốn và khao khát trong tài chính cá nhân để có thể phân bổ tỷ trọng thu nhập hợp lý cho từng loại nhu cầu:

Nhu cầu thiết yếu (Need) Mong muốn, sở thích (Want) Khao khát (Desire)
Nhu cầu thiết yếu là loại chi phí như tiền thuê nhà, điện nước, tiền ăn, xăng xe,... Mong muốn là các khoản chi tiêu thỏa mãn sở thích cá nhân như mua thêm quần áo, xem phim, ăn nhà hàng, đi du lịch,... Khao khát là các khoản chi để thực hiện ước mơ như mua nhà, mua ô tô, mua quần áo xa xỉ, đi du lịch vòng quanh thế giới,....
Tài chính cá nhân không phải chỉ là chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu mà cắt bỏ hết những mong muốn, sở thích và khao khát trong cuộc sống. Mỗi loại nhu cầu đều có giá trị như nhau và đều giúp ích cho cá nhân bạn. Tùy vào tình hình tài chính cá nhân và hoàn cảnh, bạn sẽ biết ưu tiên cho nhu cầu nào và cắt giảm nhu cầu nào để bạn đạt mục tiêu tài chính.

Bạn làm việc và tích lũy cả đời để hưởng thụ cuộc sống, chỉ có bạn mới biết nó có phù hợp với bạn hay không.

Người ta nói bạn hoang phí khi chi cho xe sang hoặc đồ xa xỉ?

Nếu phân loại thì chi cho xe sang và đồ xa xỉ là chi cho nhu cầu khao khát (Desire) của cá nhân. Định nghĩa của bạn như thế nào về hoang phí?

Nếu bạn xem nó là hoang phí thì nó “là”, còn không thì nó “không là”. Nó chỉ đang làm thỏa mãn một nhu cầu của chính bạn. Nếu bạn đã tích lũy đủ, tài sản ròng của bạn lớn thì việc bạn chi cho những thứ đó cũng không tác động hoặc thay đổi Net Worth của bạn. Desire là một nhu cầu và nó cũng cần phải thỏa mãn nếu bạn đã tích lũy đủ ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.

Có người phân biệt giữa tiêu sản và tài sản. Và xem tiêu sản là thứ không nên chi tiêu. Mình không phân biệt tiêu sản và tài sản. Bạn cũng có thể biến tiêu sản thành tài sản hoặc tài sản thành tiêu sản.

Ví dụ: Bạn chi cho ô tô, người phân biệt tiêu sản và tài sản sẽ nói ô tô là tiêu sản vì nó không tạo ra tiền và chỉ ngốn tiền. Nếu bạn chi cho ô tô nhưng dùng ô tô để thế chấp, vay vốn làm ăn sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận thì nó là tài sản.

Nếu bạn sử dụng ô tô cho thuê hoặc dùng nó thể tạo thu nhập. Thì nó là tài sản dòng tiền hoặc Income Investing (Đầu tư thu nhập).

Đó là giá trị về mặt lợi nhuận được tạo ra từ chiếc ô tô. Tuy nhiên, ngoài giá trị tăng thêm về tiền chiếc ô tô còn làm thỏa mãn khao khát của bạn hoặc giúp bạn nâng cấp chất lượng cuộc sống cho bạn và gia đình mình.

Mỗi loại tài sản đều có giá trị riêng và đặc biệt là nó thỏa mãn cho 1 trong nhiều loại nhu cầu của bạn.

Vì vậy, tiêu sản và tài sản là ở góc nhìn của bạn.

Nhu cầu thiết yếu (Need), mong muốn (Want) và khao khát (Desire) đều là những nhu cầu quan trọng đối với bất kì cá nhân nào.

Phần 2: Quy trình quản lý tài chính cá nhân

 Xác định mục tiêu tài chính ngắn hạn, trung và dài hạn 

Trước khi bắt đầu, bạn hãy đặt mục tiêu tài chính cho riêng mình. Việc đặt mục tiêu tài chính sẽ giúp bạn:

  • Có bức tranh tài chính tổng quan trong tương lai.
  • Giúp bạn kiên trì để thực hiện mục tiêu.

Lập ngân sách phân bổ thu nhập, tiết kiệm và đầu tư là việc làm không dễ dàng và có thể khiến bạn bỏ cuộc vì mất kiên nhẫn. Vì vậy, có mục tiêu tài chính làm định hướng, bạn sẽ có thêm động lực để duy trì.

Mục tiêu tài chính ngắn hạn <1 năm Mục tiêu tài chính trung hạn 1-5 năm Mục tiêu tài chính dài hạn >5 năm
Trả hết nợ tiêu dùng lãi suất cao (Nếu bạn đang có nhiều khoản nợ và chiếm hơn 40% tổng thu nhập). Xây dựng sức khỏe tài chính lành mạnh (Duy trì tỷ lệ nợ/thu nhập DTI = 20-30%/năm) Phát triển quỹ tự do tài chính.
Lập quỹ dự phòng (Đủ cho 3-6 tháng chi phí thiết yếu) *Thời điểm dịch bệnh khó lường, quỹ dự phòng nên từ 9-12 tháng đề phòng trường hợp xấu như thất nghiệp, giảm lương,... Phát triển quỹ dự phòng cho 12 tháng chi phí thiết yếu. Xây dựng quỹ giáo dục cho con cái hoặc cho bạn.
Tăng thu nhập từ 5-10%/năm để theo kịp tỷ lệ lạm phát hằng năm và tăng giá bất động sản. Mua tài sản giá trị cao như mua ngôi nhà đầu tiên hoặc trả trước 30-40% cho ngôi nhà đầu tiên, mua ô tô, mua đồ nội thất,... Quỹ dự phòng rủi ro tài chính và tích lũy khi về hưu bằng bảo hiểm nhân thọ.
Tiết kiệm mục tiêu ngắn hạn cho sở thích cá nhân nhỏ hơn 1 năm như đi du lịch, mua đồ điện tử, quỹ dự phòng,... Quỹ khởi nghiệp kinh doanh riêng trong tương lai.

*Bảng ví dụ mục tiêu tài chính.

Việc đặt mục tiêu tài chính là việc làm hết sức cá nhân hóa, nó phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh, tình trạng hôn nhân và đặc biệt là tình hình thu nhập của bạn hiện tại. Để đặt mục tiêu tài chính điều quan trọng là bạn phải đặt những câu hỏi đúng với chính mình.

 Xác định tình hình tài chính cá nhân và xây dựng Net Worth (Tài sản ròng) 

Đánh giá tình hình tài chính cá nhân hiện tại của bạn bao gồm tổng thu nhập và tổng chi phí bạn đang chi trả:

  • Tổng thu nhập ròng (Take home income) của bạn (Thu nhập sau thuế).
  • Các loại chi phí thiết yếu (Need)
  • Các loại chi phí cho sở thích cá nhân (Want)

Bạn hãy viết xuống tất cả các nguồn thu nhập và các loại chi phí bạn phải đang chi trả trong tháng dựa trên hóa đơn giấy hoặc thống kê giao dịch của ngân hàng.

Nếu tổng thu nhập trừ chi phí ra âm (-), bạn nên xem xét và cắt bỏ các loại chi phí cho sở thích (Want).

Nếu tổng thu nhập trừ chi phí ra dương (+), bạn nên xây dựng lại ngân sách để phân bổ cho tiết kiệm và đầu tư theo mục tiêu tài chính cá nhân.

Xác định và lên kế hoạch phát triển tài sản ròng (Net Worth):

Tổng tài sản Tổng nợ
Giá trị bất động sản đang sở hữu Nợ vay bất động sản
Giá trị xe ô tô đang sở hữu Nợ vay kinh doanh
Tổng giá trị thị trường cổ phiếu đang sở hữu (Không tính vay margin) Nợ vay học phí
Giá trị trái phiếu đang sở hữu Nợ vay margin (Cổ phiếu)
Quỹ dự phòng Nợ thẻ tín dụng
Tài khoản thanh toán ngân hàng Nợ tiêu dùng
Tài khoản tiết kiệm đang có (Chứng chỉ tiền gửi, tiết kiệm online,...) Tất cả các khoản nợ khác đang có.
Tiền mặt đang có
Quỹ tự do tài chính

*Tổng tài sản và tổng nợ.

Giá trị tài sản ròng (Net Worth)

Tổng tài sản – Tổng nợ

Nếu ra âm (-) thì tình hình tài chính của bạn đang rất xấu, cần phải có hành động để thay đổi.

Nếu = 0 thì tổng tài sản của bạn chỉ toàn là nợ. Bạn là “chúa nợ” giống Evergrande của Trung Quốc.

Nếu ra dương (+) thì bạn đang thực sự sở hữu tài sản của bạn. Đó là tài sản ròng (Net Worth) và là mục tiêu của bất kì cá nhân nào.

Mục tiêu của quản lý tài chính cá nhân chính là tối ưu và phát triển tài sản ròng (Building High Net Worth). Tài sản ròng của bạn càng lớn, bạn càng giàu có.

Có nhiều người có thu nhập năm vài trăm triệu hoặc vài tỷ, tuy nhiên do không có kế hoạch tài chính và tiêu dùng quá tay nên thu nhập ròng rất thấp hoặc không có.

Để được xem là một triệu phú: Bạn phải có Net Worth từ 1 triệu đô la. (~23 tỷ VND)

Để được xem là 1 tỷ phú: Bạn phải có Net Worth từ 1 tỷ đô la. (~2300 tỷ VND)

Tài sản ròng của người giàu nhất thế giới (Elon Musk) là 219,6 tỷ đô. (T10/2021)

Tài sản ròng của người giàu nhất Việt Nam (Bác Phạm Nhật Vượng) là 7.2 tỷ đô. (T10/2021)

 Lập ngân sách trong quản lý tài chính cá nhân  

Quy tắc 80/20

Quy tắc 80/20 là quy tắc lập ngân sách cơ bản nhất. Phù hợp với người mới và không thích theo dõi các khoản thu chi mỗi ngày.

Quy tắc 80/20: Chia thu nhập của bạn thành hai phần (80% cho các khoản chi phí trong tháng, 20% cho tiết kiệm và đầu tư)

80% 20%
Chi phí cho các khoản chi tiêu, không phân biệt nhu cầu và mong muốn. (Tiền nhà, tiền ăn, tiền giải trí, tiền sách vở, tiền học,...) Tiết kiệm và đầu tư. Bạn sẽ phân bổ 20% cho tiết kiệm và đầu tư ngay khi nhận lương.

*Quy tắc 80/20.

Quy tắc 80/20 phù hợp cho người có ít nguồn thu nhập và thu nhập từ thấp đến trung bình. Đặc biệt, các chi phí thiết yếu chiếm hơn 60% thu nhập.

Quy tắc 80/20 giúp bạn thanh toán cho bản thân trước tiên (Pay yourself first), có thu nhập bạn liền trích 20% để tiết kiệm và đầu tư. Nếu bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn thì bạn sẽ nâng cấp lên thành 70/30, 60/40 hoặc thậm chí là 50/50.

Càng nhiều tiền tiết kiệm và đầu tư, bạn càng nhanh gia tăng tài sản ròng (Net Worth) trong tương lai.

Ưu điểm
  • Đơn giản dễ áp dụng cho người mới lập ngân sách.
  • Đảm bảo cho bạn vẫn có thể tiết kiệm dù thu nhập chưa cao (Thanh toán cho bản thân trước tiên).
Nhược điểm
  • Không theo dõi các khoản chi phí cụ thể để cắt giảm, còn chung chung.

*Ưu điểm và nhược điểm chỉ là đánh giá chủ quan của tác giả. Có khi nó là nhược điểm của tác giả nhưng là ưu điểm của người khác. Bạn chỉ nên tham khảo.

Quy tắc 50/30/20

Quy tắc 50/30/20 là quy tắc lập ngân sách phổ biến, được sáng lập bởi Sen. Elizabeth Warren và con gái là Amelia Warren Tyagi trong cuốn sách “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan.” (Bạn có thể tìm đọc).

Quy tắc 50/30/20 chia thu nhập của bạn thành 3 phần cụ thể:

50% cho nhu cầu thiết yếu (Need)

  • Tiền ăn
  • Tiền thuê nhà
  • Tiền xăng xe
  • Tiền điện nước,…
  • Tiền Wifi, điện thoại,…

30% cho mong muốn (Want)

  • Sở thích cá nhân
  • Đi du lịch
  • Ăn ngoài
  • Mua các gói xem phim online,…
  • Tập Gym, Yoga,…

20% còn lại cho các mục tiêu tài chính (Tiết kiệm ngắn hạn & Đầu tư dài hạn)

  • Quỹ dự phòng khẩn cấp
  • Quỹ tự do tài chính
  • Trả nợ
  • Quỹ mua nhà, mua tài sản giá trị cao.
  • Quỹ đám cưới, du học.
50% (Needs) 30% (Wants) 20% (Financial Goals)
Chi phí cho nhu cầu thiết yếu mỗi tháng: tiền nhà, tiền điện nước, tiền xăng xe, tiền ăn, tiền học phí, thuốc men, tiền Wifi, điện thoại,... Chi phí cho sở thích cá nhân: mua sắm quần áo, tiền mua các gói xem phim online, mua gói tập gym online hoặc offline, tiết kiệm đi du lịch,... Tiền tiết kiệm và đầu tư cho các mục tiêu tài chính trung và dài hạn hoặc trả nợ.Các khoản tiết kiệm ngắn hạn như quỹ dự phòng, du lịch xa cần nhiều tiền, mua xe máy, đồ điện tử.Các khoản tiết kiệm trung - dài hạn để mua tài sản giá trị lớn hoặc xây dựng quỹ tự do tài chính. Nếu bạn có nhiều khoản nợ tiêu dùng lãi suất cao thì bạn có thể trích ngân sách ở phần này để trả hết nợ.

*Quy tắc 50/30/20.

Quy tắc 50/30/20 phân loại rõ ràng các loại chi phí cho nhu cầu thiết yếu và sở thích. Đồng thời vẫn đảm bảo bạn có thể tiết kiệm và đầu tư cho các mục tiêu tài chính.

Ưu điểm
  • Đơn giản dễ áp dụng.
  • Phân loại các chi phí cho nhu cầu và sở thích.
  • Thanh toán cho bản thân trước tiên.
Nhược điểm:
  • Dễ chi vượt ngân sách (Budget Leak) nếu không theo dõi các khoản chi phí cho nhu cầu thiết yếu và sở thích.
  • Với nhiều người thì 30% cho Want là quá nhiều cho sở thích nên nó thành nhược điểm.

Đọc thêm:

Quy tắc 50/30/20 và cách ứng dụng trong quản lý tài chính cá nhân

*Ưu điểm và nhược điểm chỉ là đánh giá chủ quan của tác giả. Có khi nó là nhược điểm của tác giả nhưng là ưu điểm của người khác. Bạn chỉ nên tham khảo.

Quy tắc 50/10/10/10/10/10

Quy tắc 50/10/10/10/10/10 dựa trên quy tắc “6 chiếc lọ chi tiêu”.

Quy tắc này bạn chia thu nhập của mình thành 6 chiếc lọ chi tiêu tương ứng với 6 quỹ tài chính cá nhân:

Quỹ thiết yếu - 50% (Need) Quỹ tương lai - 10% Quỹ thông minh - 10% Quỹ hưu trí - 10% Quỹ hưởng thụ và cho đi - 10% Quỹ dự phòng -10%
Chi phí cho nhu cầu thiết yếu (Tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống,...) Tiết kiệm trung hạn để mua ô tô, nhà, đám cưới, du học,... Sách, khóa học online, trau dồi kiến thức chuyên môn,... Quỹ tiết kiệm dài hạn cho mục tiêu nghỉ hưu và tự do tài chính. Tiết kiệm ngắn hạn để đi du lịch, mua sắm, laptop, điện thoại,... (5%) Làm từ thiện (5%) Tiết kiệm cho quỹ dự phòng khẩn cấp đề phòng trường hợp không may xảy ra như viện phí, thất nghiệp,...

*Quy tắc 50/10/10/10/10/10.

Ưu điểm
  • Rõ ràng, cụ thể và chi tiết từng khoản mục chi tiêu.
  • Khá đầy đủ các khoản chi tiêu của một cá nhân về mặt vật chất lẫn tinh thần.
  • Thanh toán cho bản thân trước tiên.
Nhược điểm
  • Dễ gây rối cho người mới bắt đầu lập ngân sách.
  • Khó theo dõi và dễ chi vượt ngân sách đặt ra.
  • Người có thu nhập thấp sẽ khó phân bổ đủ hết các lọ.

*Ưu điểm và nhược điểm chỉ là đánh giá chủ quan của tác giả. Có khi nó là nhược điểm của tác giả nhưng là ưu điểm của người khác. Bạn chỉ nên tham khảo.

Quy tắc này phù hợp với người có nguồn thu nhập đa dạng và thu nhập từ trung bình đến cao để các lọ chi tiêu được lắp đầy.

Đối với người có thu nhập thấp, bạn nên ưu tiên cho các mục tiêu tài chính như trả nợ lãi suất cao (nếu có) hoặc xây dựng quỹ dự phòng. Vì những mục tiêu này là bước đệm đầu tiên để giữ cho nền tảng tài chính cá nhân bạn vững chắc trong tương lai.

Quy tắc 70/20/10

Quy tắc 70/20/10 được phát triển dựa trên quy tắc 50/30/20 và quy tắc 80/20. Quy tắc này tập trung vào việc trả nợ đối với người đang có nhiều khoản nợ cần phải trả.

Với quy tắc 70/20/10 bạn sẽ chia thu nhập thành 3 phần:

  • 70% là chi tiêu (Bao gồm cả khoản chi cho nhu cầu thiết yếu và sở thích).
  • 20% trả nợ.
  • 10% tiết kiệm và đầu tư.
70% 20% 10%
Chi tiêu cho nhu cầu và mong muốn (Tính tổng các khoản chi). Trả nợ Tiết kiệm và đầu tư.

*Quy tắc 70/20/10.

Ưu điểm
  • Dễ áp dụng cho người mới và người có nhiều khoản nợ cần thanh toán.
  • Không cần theo dõi chi tiết các khoản chi tiêu, chỉ cần giữ trong khoảng 70% thu nhập.
  • Thanh toán cho bản thân trước tiên.
Nhược điểm
  • Chưa cụ thể các loại chi phí theo từng mục (Need bao nhiêu? Want bao nhiêu?). Thường chúng ta dễ chi cho Want hơn Need. Vì Want là cảm xúc, là ngẫu hứng, là niềm vui.

*Ưu điểm và nhược điểm chỉ là đánh giá chủ quan của tác giả. Có khi nó là nhược điểm của tác giả nhưng là ưu điểm của người khác. Bạn chỉ nên tham khảo.

Phương pháp CO (Cash-Only)

Phương pháp Cash-Only là cách lập ngân sách kiểu truyền thống, giống như tên gọi của nó, bạn chỉ sử dụng tiền mặt để chi tiêu.

Đây là cách truyền thống của cha mẹ, ông bà khi ngân hàng số chưa phát triển. Ở các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,… đa phần đều sử dụng ngân hàng số, ví điện tử để thanh toán online. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc thanh toán online mới phát triển vài năm trở lại đây khi ngày càng có nhiều ngân hàng chuyển đổi số và nhiều ví điện tử ra đời.

Ở Việt Nam vẫn chuộng tiền mặt vì các cửa hàng truyền thống thường chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt ngoài trừ các chuỗi lớn. Các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn chỉ chấp nhận tiền mặt như mua thuốc, gửi xe, mua bánh mì cô Ba đầu ngõ,…

Tuy nhiên, đây lại là phương pháp chi tiêu rất hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả về mặt tâm lý tiêu tiền.

Mỗi khi sử dụng tiền mặt và chi tiêu bằng tiền mặt bạn sẽ thấy tiếc và xót hơn khi quẹt thẻ ngân hàng hoặc thanh toán bằng ví điện tử.

Mỗi lần chi đều phải đắn đo vì cảm giác mất tiền thật mỗi khi cầm tiền mặt.

Không giống như thanh toán online, bạn có thể quẹt hoặc bấm nút “payment” mà không hề “suy nghĩ”, điều này dễ dẫn đến chi vượt ngân sách hoặc mua sắm một cách ngẫu hứng.

Phương pháp Cash-Only đặc biệt hữu dụng cho những người thường xuyên quẹt thẻ tín dụng và chi tiêu quá tay trên thẻ tín dụng, dẫn đến nợ tiêu dùng lớn ảnh hưởng tài chính cá nhân của bạn.

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế như dịch bệnh, tiền mặt rất quan trọng vì có những chi phí bạn không thể chuyển khoản ngân hàng. Đặc biệt là giãn cách xã hội, giữ tiền mặt một ít sẽ giúp bạn chi tiêu mà không cần phải ra đường rút tiền tại cây ATM.

Phương pháp CO thường đi chung với phương pháp Envelope System (Chia phong bì) mà mình sẽ đề cập bên dưới:

Dù là phương pháp truyền thống nhưng hiệu quả trong việc chi tiêu bạn có thể áp dụng kết hợp với các phương pháp khác:

Ưu điểm
  • Truyền thống, không tốn phí giao dịch ngân hàng hay phí quản lý tài khoản, phí bảo trì,…
  • Giúp bạn chi tiêu có chừng mực, hạn chế sử dụng thẻ tín dụng quá mức, tạo thói quen tốt trong chi tiêu.
Nhược điểm
  • Dễ thất lạc, mất tiền vì đánh rơi hoặc bị trộm cắp.
  • Bất tiện trong những trường hợp cần chuyển khoản mà không đưa trực tiếp như ở xa, tiền lớn,…
  • Dễ lây nhiễm dịch bệnh (Trong thời kỳ dịch bệnh).
  • Không có lãi qua đêm (Pay day Interest) như để tiền ở tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng hoặc các ứng dụng tài chính.

*Ưu điểm và nhược điểm chỉ là đánh giá chủ quan của tác giả. Có khi nó là nhược điểm của tác giả nhưng là ưu điểm của người khác. Bạn chỉ nên tham khảo.

Phương pháp CO thường áp dụng tốt với các phương pháp khác, bạn sẽ giữ tiền mặt một tỷ trọng nhỏ bên ngoài để chi tiêu cho các khoản cần chi tiền mặt như đi chợ truyền thống, gửi xe, mua đồ ở các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống,…

Phương pháp Envelope System (Chia phong bì)

Phương pháp ES cũng là một phương pháp lập ngân sách phổ biến của thế hệ trước. Đây là cách lập ngân sách theo kiểu truyền thống, mỗi phong bì giấy sẽ có một khoản tiền và có ghi tên theo mục chi tiêu như tiền nhà, tiền điện nước, tiền Wifi, tiền học,…

Ví dụ: Bạn có thu nhập là 10 triệu, bạn sẽ chia các phong bì trong đó có các khoản chi phí bạn sẽ thanh toán:

Tiền nhà 3 triệu vnd
Tiền điện, nước 500,000vnd
Tiền Wifi 300,000vnd
Tiền ăn 2 triệu vnd
Tiền giải trí 300,000vnd
Tiền sách 300,000vnd
Tiền dự phòng 1 triệu vnd
Tiền tiết kiệm 1 triệu vnd
Tiền đầu tư 1 triệu vnd
Tiền từ thiện 600,000vnd
Tổng 10 triệu

*Phương pháp Envelope System (Chia phong bì).

Ở mỗi phong bì sẽ có 1 khoản tiền bạn đã chia sẵn, nếu sử dụng hết và phong bì trống thì ngưng khoản chi tiêu đó. Đây là cách “đánh chặn” mua sắm ngẫu hứng hiệu quả. Hết là ngưng, no money extra. Các bà vợ hay dùng phương pháp này để quản lý chi tiêu chặt chẽ.

Phụ nữ quản lý chi tiêu rất giỏi. Giỏi hơn nhiều đàn ông. Đó là sự thật!

Ưu điểm
  • Đơn giản dễ áp dụng.
  • Theo dõi chặt chẽ chi tiêu, khó “Budget Leak” bội chi.
Nhược điểm
  • Dễ mất, thất lạc nếu không cẩn thận. 
  • Không có hoàn tiền, voucher,… vì hoàn toàn dùng tiền mặt.
  • Không có lãi qua đêm trong thời gian đến kỳ thanh toán.

*Ưu điểm và nhược điểm chỉ là đánh giá chủ quan của tác giả. Có khi nó là nhược điểm của tác giả nhưng là ưu điểm của người khác. Bạn chỉ nên tham khảo.

Phương pháp này là phương pháp kết hợp với phương pháp Cash-only, chỉ dùng tiền mặt để thanh toán.

Phương pháp Zero-Based Budgeting (ZBB)

Phương pháp tổng bằng 0 đúng như tên gọi của nó là tổng thu nhập ròng trừ tổng chi phí bằng 0.

Giả sử như mỗi tháng bạn có thu nhập 10 triệu, bạn phân bổ 10 triệu vào tất cả các loại chi phí thiết yếu (need), chi phí cho sở thích (want), trả nợ, tiết kiệm và đầu tư.

Đầu tháng bạn phân bổ hết thu nhập vào các khoản chi phí cụ thể với số tiền cụ thể. Cuối tháng bạn không còn dư xu nào.

Ví dụ: Tổng thu nhập ròng của bạn là 10 triệu, các chi phí trong tháng được phân loại như sau:

Số dư đầu kỳ 10 triệu
Chi phí thiết yếu (Nhà, điện nước,...) 5 triệu
Chi phí cho sở thích (Xem phim, cà phê,...) 1 triệu
Trả nợ 2 triệu
Tiết kiệm 2 triệu
Số dư cuối kỳ 0

*Phương pháp Zero-Based Budgeting.

Phương pháp này tương tự như phương pháp chia phong bì, tuy nhiên điểm khác nhau là bạn có thể lấy khoản tiền ở một loại chi phí và chi cho loại chi phí khác. Lấy chỗ này bù chỗ kia nếu thiếu.

Ví dụ bạn lỡ chi tiêu vượt 500,000vnd trong chi phí cho sở thích, lúc này chi phí này lên đến 1 triệu 500 nghìn vnd, bạn sẽ lấy phần chi phí khác bù qua cho phần chi vượt, tuy nhiên phần chi phí bù qua có thể bị thiếu. Vì vậy bạn nên hạn chế chi vượt định mức của một loại chi phí.

Phương pháp này không phân bổ bằng % thu nhập mà phân bổ bằng số tiền cụ thể. Miễn là tổng thu nhập – tổng chi phí = 0.

Ưu điểm
  • Luôn biết tiền của mình được chi vào đâu, chi bao nhiêu.
  • Đơn giản, dễ áp dụng.
  • Hạn chế vay nợ để chi tiêu.
  • Khó bội chi vì bạn đã định mức cho loại chi phí đó, giống như phương pháp chia phong bì.
Nhược điểm
  • Khó cho người có nhiều nguồn thu nhập và thay đổi mỗi tháng như Freelancer (Làm tự do), Kinh doanh,… và nhận lương từng thời điểm khác nhau trong tháng.

*Ưu điểm và nhược điểm chỉ là đánh giá chủ quan của tác giả. Có khi nó là nhược điểm của tác giả nhưng là ưu điểm của người khác. Bạn chỉ nên tham khảo.

Kết hợp linh hoạt các quy tắc

Các phương pháp và quy tắc phân chia thu nhập trên là cách để bạn tham khảo. Bạn có thể sáng tạo các quy tắc phù hợp cho riêng mình và theo tình hình tài chính của mình một cách linh hoạt.

Về bản chất, phân bổ thu nhập là chia tách thu nhập của bạn thành từng phần để theo dõi chặt chẽ các khoản chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và trả nợ trong tháng. Dựa vào mỗi cá nhân, bạn sẽ phân bổ tỷ trọng để phù hợp nhất với chính mình.

Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp linh hoạt giữa sử dụng tiền mặt và ngân hàng số hoặc ví điện tử theo từng trường hợp linh hoạt.

Bạn hãy luôn nhớ cho mình một nguyên tắc:

Luôn biết mình chi cho cái gì.

Trân trọng từng đồng tiền kiếm được và sử dụng nó một cách thông minh sẽ giúp bạn tích lũy tài sản ròng trong tương lai.

 Tối ưu hóa nguồn thu nhập 

Tăng thu nhập từ lương

Tăng lương là cách gia tăng thu nhập cố định để bạn có thêm tiền để đầu tư tích lũy tài sản ròng. Bạn có thể tăng lương bằng cách thăng chức hoặc giúp công ty tăng doanh thu bằng các giải pháp của bạn.

Hoặc tăng lương bằng cách chuyển đổi công ty với mức offer hấp dẫn hơn,…

Tuy nhiên, tăng lương đi kèm với việc tăng thuế thu nhập cá nhân.

Việc tăng lương hằng năm là điều bắt buộc để theo kịp với tỷ lệ lạm phát. Ở Việt Nam tỷ lệ lạm phát trung bình khoảng 3-4%/năm.

Giá nhà đất sẽ tăng trung bình 10-20%/năm, tương đương tiền thuê nhà cũng sẽ tăng 5-10%/năm.

Vì vậy, lương bạn phải tăng trung bình từ 5-10%/năm mới theo kịp tỷ lệ lạm phát và tiền thuê nhà (nếu bạn đang ở nhà thuê).

Để tăng lương bạn cần phải:

  • Trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm làm việc để thăng tiến trong công việc.
  • Chuyển đổi công ty hoặc yêu cầu công ty tăng lương để xứng đáng với cống hiến của bạn. Bạn cần phải làm việc thật tốt để tương xứng với mức lương tăng thêm.

Nếu bạn làm việc với một mức lương qua nhiều năm không tăng cũng không giảm, bạn cần phải xem xét lại khả năng chuyên môn cũng như là khả năng thăng tiến của công ty mình trong tương lai.

Công ty của bạn liệu có thể đáp ứng cho bạn mức lương tốt hơn? Hoặc bạn phải quyết tâm “ích kỷ” ra đi để tìm cơ hội tốt hơn cho chính bạn?

Hãy vì mình trước khi vì người khác! Bạn phải tạo tài sản ròng để có thể giúp đỡ nhiều người hoặc giúp đỡ chính gia đình bạn.

Thu nhập ngoài lương

Bên cạnh thu nhập cố định hằng tháng từ lương, để gia tăng thu nhập bạn phải làm thêm công việc ngoài giờ. Càng nhiều nguồn thu nhập ngoài lương, tổng thu nhập sẽ tăng mà không cần tăng lương.

Việc tăng lương có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng tạo thu nhập ngoài lương bạn có thể lên kế hoạch làm ngay.

Các thu nhập ngoài lương cố định có thể là làm theo dự án hoặc kinh doanh riêng tùy theo kinh nghiệm chuyên môn của bạn. Hiện nay, có nhiều công việc bạn có thể kiếm tiền online tại nhà tăng thu nhập như làm Freelancer, viết blog, làm Affiliate Marketing, bán hàng online,…

Xem thêm: 18 cách kiếm tiền online để gia tăng thu nhập 2022.

 Lập kế hoạch tiết kiệm trong quản lý tài chính cá nhân 

Tư duy tiết kiệm

Những suy nghĩ tiêu cực về tiết kiệm:

Tiết kiệm là tằn tiện, sống khổ sở.

Tiết kiệm có nhiều loại tiết kiệm nhưng tiết kiệm không phải là sống cuộc sống như cực hình, không dám ăn cũng không dám mặc làm ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tinh thần.

Tiết kiệm là bộ môn khoa học và nghệ thuật.

  • Nhịn ăn không phải là tiết kiệm mà đang “chuẩn bị tiền để nhập viện”.
  • Mua đồ kém chất lượng với giá rẻ không phải là tiết kiệm mà bạn đang mua “đồ phế liệu” về nhà, một hai hôm sẽ bỏ đi vì không sử dụng được.
  • Mua quần áo giảm giá nhưng về mặc không vừa.

Tiết kiệm thông minh và có kế hoạch là cách để bạn tích lũy tài sản tài sản ròng và dự phòng cho những trường hợp không may xảy ra.

Tiết kiệm để mua tài sản giá trị cao là thói quen tốt để duy trì sức khỏe tài chính lành mạnh thay vì vay nợ trả góp để mua.

Phân loại tiết kiệm

Có 3 loại tiết kiệm dựa vào mục tiêu tiết kiệm:

Tiết kiệm ngắn hạn  Tiết kiệm trung hạn Tiết kiệm dài hạn
Thường là các khoản tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn, thanh khoản cao nhất, cần là rút ngay. Các khoản tiền có kỳ hạn 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, vì sử dụng cho mục tiêu trung hạn. Các khoản tiền kỳ hạn dài hơi hơn, thường là các công cụ tài chính cần nắm giữ trong thời gian rất dài từ 5 đến 10 năm.
Nên chọn kênh rủi ro thấp, ít biến động tài sản trong ngắn hạn. Nên chọn kênh rủi ro thấp đến trung bình, có thể lựa chọn các kênh đầu tư tài chính như quỹ mở, quỹ ETF, trái phiếu,... Có thể chọn kênh rủi ro cao trong ngắn hạn như cổ phiếu riêng lẻ, bất động sản, tiền kỹ thuật số,...
Khoản tiền nhỏ đến trung bình, tùy theo món đồ muốn mua. Khoản tiền trung bình, tùy theo loại tài sản như mua ô tô, mua nhà. Khoản tiền lớn, dùng để nghỉ hưu và tự do tài chính.

*Phân loại tiết kiệm.

Nếu bạn chưa có quỹ dự phòng thì hãy tiết kiệm quỹ dự phòng trước để đảm bảo trang trải chi phí thiết yếu từ 3-6 tháng, thậm chí là 8-12 tháng trong tình hình kinh tế khó khăn như dịch bệnh, thiên tai,… Bạn có thể bị mất thu nhập trong thời gian dài, điển hình là giãn cách xã hội.

Vì vậy, thu nhập càng thấp càng phải có quỹ dự phòng để giúp bạn vượt qua khó khăn trong thời kỳ biến động.

Nếu bạn có nhiều khoản nợ lãi suất cao thì nên ưu tiên trả nợ trước khi tiết kiệm cho mục tiêu trung và dài hạn.

Tiết kiệm trung-dài hạn được xem là khoản đầu tư cho tương lai, bạn có thể sử dụng công cụ đầu tư tài chính để gia tăng vốn gốc và nhanh chóng đạt mục tiêu tài chính.

Phân biệt giữa tiết kiệm và đầu tư:

Tiết kiệm Đầu tư
Bảo vệ tiền, giữ tiền với lãi suất ít nhất là bằng với tỷ lệ lạm phát. Tăng trưởng tiền vượt trội so với tỷ lệ lạm phát.
Ngắn hạn Trung-Dài hạn
Dự phòng rủi ro trong ngắn hạn Nghỉ hưu hoặc mua tài sản giá trị lớn.
Cần thanh khoản nhanh như gói tích lũy của các ứng dụng tài chính, tiết kiệm ngân hàng số, tài khoản thanh toán ngân hàng. Mua các công cụ như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ mở hoặc quỹ ETF, bất động sản,... rủi ro cao trong ngắn hạn nhưng đem đến rate of return (tỷ suất lợi nhuận) cao trong trung và dài hạn.
An toàn, đơn giản không cần nhiều kiến thức. Phức tạp cần nhiều kiến thức về định giá tài sản, tài chính doanh nghiệp, các chỉ số tài chính, tính toán CAGR, RRR, IRR, RoR,...

Đọc thêm: Kế hoạch tiết kiệm tiền.

 Kế hoạch phòng thủ trong quản lý tài chính cá nhân 

Xây dựng quỹ dự phòng

Rủi ro có thể xảy đến đối với bất kỳ ai trong chúng ta. Đặc biệt nếu bạn làm việc trong những ngành nghề như xây dựng, tài xế, phi công, điện lực,… luôn đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp hằng ngày.

Quỹ dự phòng là cần thiết để giúp bạn giải quyết những khó khăn tại thời điểm khó khăn. Đây là một loại bảo hiểm cá nhân, chi trả cho tất cả các tình huống rủi ro của bạn. Vì nó là tiền mặt bạn có thể sử dụng bất kì lúc nào khi cần.

Bên cạnh đó, quỹ dự phòng sẽ giúp bạn bảo vệ khoản tiết kiệm và đầu tư cho các mục tiêu tài chính khác, không “bòn rút” các khoản tiết kiệm và đầu tư cho những dự định từ trước.

Quỹ dự phòng có độ lớn từ 3-6 tháng chi tiêu cho các chi phí thiết yếu hoặc 8-12 tháng nếu tình hình kinh tế biến động như giãn cách xã hội, thiên tai, động đất, lũ lụt,…

Đọc thêm: Quỹ dự phòng là gì? Cách xây dựng quỹ dự phòng.

Mua bảo hiểm

Bảo hiểm là hình thức kết hợp giữa đầu tư và bảo vệ khi gặp rủi ro. Tính chất của bảo hiểm gần giống với quỹ dự phòng, tuy nhiên bảo hiểm được xem là khoản đầu tư trong dài hạn với mức lãi suất trung bình từ 6-7%/năm.

Bảo hiểm và quỹ dự phòng là hai công cụ phòng vệ cần thiết để dự phòng rủi ro cho mỗi cá nhân:

Bảo hiểm nhân thọ Quỹ dự phòng tiền mặt
Bảo vệ tài chính trước các rủi ro tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Dự phòng chi phí sinh hoạt tối thiểu từ 3-6 tháng.
Chi trả số tiền bảo hiểm lớn khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nằm trong điều khoản hợp đồng. Bạn tự sử dụng linh hoạt để chi trả cho các chi phí khi thất nghiệp, ốm đau, bệnh tật,.... hoặc dùng để nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đầu tư.
Có giá trị tích lũy trong dài hạn với lãi suất ~5%/năm (Sản phẩm liên kết chung) và tỷ suất lợi nhuận linh hoạt theo từng loại chứng chỉ quỹ (Sản phẩm liên kết đơn vị). Tùy vào công cụ bạn sử dụng để xây dựng quỹ dự phòng.

*So sánh bảo hiểm và quỹ dự phòng.

Các loại hình bảo hiểm với các tính chất khác nhau hiện nay:

Bảo hiểm thuộc nhà nước Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Bảo hiểm thương mại Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

*Các loại hình bảo hiểm.

Trước khi mua bảo hiểm bạn phải cân nhắc về tình hình tài chính để lập ngân sách trang trải cho chi phí đóng bảo hiểm hằng năm hoặc hằng tháng. Nếu bảo hiểm đóng hằng năm bạn có thể lập ngân sách “One-time” trong năm, ngân sách một lần chi trong năm. Ngân sách này chiếm khoảng 10-20% thu nhập năm của bạn là phù hợp.

Ví dụ thu nhập năm của bạn là 120 triệu, ngân sách của bạn chi cho bảo hiểm hằng năm có thể là 12 triệu. Bạn có thể tìm mua các gói bảo hiểm phù hợp với ngân sách của mình.

Tránh bẫy lừa đảo tài chính (Scammer)

Lừa đảo tài chính hiện nay ngày càng phổ biến. Các bẫy đa cấp tài chính với mô hình đầu tư vào đồng tiền ảo đa cấp, các dự án cam kết lãi suất cao,…

Hiện nay có rất nhiều người bị mất vài trăm cho đến vài tỷ đồng vì không kiềm chế được lòng tham và thiếu kiến thức về đầu tư.

Trước khi đầu tư vào bất kì đâu bạn phải tìm hiểu kỹ về mô hình và cách vận hành của dự án đầu tư, tìm hiểu kĩ về pháp lý và người đứng sau dự án.

Bạn hãy nhớ nguyên tắc:

Chỉ đầu tư vào những gì mình hiểu.

Bạn có thể sẽ mất tất cả tài sản mình tích góp được trong thời gian dài chỉ trong một lần sai lầm tin tưởng vào các dự án lừa đảo tài chính.

Cụ Warren Buffett có câu nói phổ biến:

Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền.

Nguyên tắc số 2: Xem lại nguyên tắc số 1.

Đọc thêm: Lừa đảo tài chính – Cách nhận biết để bảo vệ tiền của bạn.

 Quản lý nợ hiệu quả 

Quản lý nợ hiệu quả bạn sẽ có sức khỏe tài chính lành mạnh. Nợ sẽ giúp bạn giải quyết những tình huống hoặc sở thích trong ngắn hạn, về dài hạn nợ sẽ phá hoại sức khỏe tài chính của bạn.

Nợ hoạt động trái ngược với đầu tư.

Đầu tư giúp bạn sinh lời.

Nợ khiến bạn ngày càng mất tiền nhiều hơn, đặc biệt là các khoản nợ lãi suất cao. Nợ lâu dài sẽ trở thành “nợ kép”.

“Nợ kép” là cuộc đời khép lại.

Khi sa vào vòng xoáy nợ nần, bạn sẽ rất khó thoát ra vì nó là vòng xoáy, nó sẽ xoáy bạn. Bạn sẽ vay chỗ này đắp chỗ kia khiến lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con đẻ lãi cháu,…………………. lãi n đẻ lãi vô cực.

Quy tắc 20/10

Quy tắc 20/10 là quy tắc phổ biến trong quản lý nợ tiêu dùng, giúp bạn cân đối giữa vay nợ tiêu dùng so với thu nhập để đảm bảo an toàn trong tài chính cá nhân.

Quy tắc 20/10 chỉ áp dụng cho các khoản nợ tiêu dùng như thẻ tín dụng, vay tín chấp tiêu dùng,… không tính các khoản nợ như mua nhà, nợ mua ô tô,…

Cách hoạt động của quy tắc 20/10
  • 20% thu nhập ròng (Net Income) năm: Nợ tiêu dùng không chiếm hơn 20% thu nhập năm.
  • 10% thu nhập ròng (Net Income) tháng: Nợ tiêu dùng không chiếm hơn 10% thu nhập tháng.

Ví dụ: Thu nhập ròng (Net Income) tháng của bạn là 10 triệu, thu nhập năm là 10 triệu x 12 = 120 triệu.

  • Nợ tiêu dùng tối đa tháng = 10 triệu x 10% = 1 triệu
  • Nợ tiêu dùng tối đa năm = 120 triệu x 20% = 24 triệu

*Thu nhập ròng là thu nhập thực nhận của bạn sau khi trừ đi thuế TNCN và các chi phí bảo hiểm thuộc nhà nước (BHXH, BHYT),…

  • Mỗi tháng bạn chỉ được phép nợ tiêu dùng 1 triệu.
  • Mỗi năm bạn chỉ được phép nợ tiêu dùng 24 triệu.

Quy tắc 20/10 giúp bạn xác định hạn mức nợ tiêu dùng để giữ cho sức khỏe tài chính lành mạnh, hạn chế tiêu dùng quá tay.

Quản lý tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTI – Debt to income ratio)

Quy tắc 20/10 chỉ áp dụng trong trường hợp nợ vay tiêu dùng, tuy nhiên tỷ lệ DTI – tỷ lệ nợ trên thu nhập là tính tổng các khoản nợ so với thu nhập hằng tháng của bạn.

Tỷ lệ DTI thường được các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng xác định để chấp nhận cho bạn vay dựa trên tổng khoản nợ của bạn so với tổng thu nhập gộp.

Công thức đơn giản: DTI = Tổng nợ/Tổng thu nhập gộp (%)

Dưới góc độ tài chính cá nhân, bạn có thể tính toán tỷ lệ DTI để giữ cho khoản nợ ở mức hợp lý, không bị áp lực trả nợ và có thể đi vay các khoản vay tốt như mua nhà, mua ô tô.

Ví dụ DTI

Tổng thu nhập gộp chưa tính thuế thu nhập cá nhân (Gross Income) hằng tháng của bạn là 40 triệu:

  • Thu nhập từ lương: 20 triệu/tháng
  • Thu nhập từ kinh doanh online: 20 triệu/tháng

*Thu nhập gộp là tổng thu nhập chưa tính thuế TNCN và các chi phí bảo hiểm thuộc nhà nước.

Tổng nợ của bạn: 15 triệu/tháng

  • Nợ vay mua nhà: 12 triệu/tháng
  • Nợ tiêu dùng: 3 triệu/tháng

Tỷ lệ nợ/thu nhập (DTI) = 15/40 = 37.5%

Vậy là tốt hay xấu?

Các mức thang đánh giá tỷ lệ DTI được xem khỏe mạnh:

Đánh giá DTI

<36%: Tỷ lệ này tốt nhất giúp bạn có tình hình tài chính lành mạnh và không gặp áp lực trả nợ.

37 – 42%: Trong khoảng này không phải xấu, bạn vẫn kiểm soát được khoản nợ. Nhưng trong tình hình khó khăn như dịch bệnh, đây vẫn là tỷ lệ không tốt, bạn phải nhanh chóng trả hết nợ.

43% – 49%: Xấu, bạn phải nhanh chóng trả nợ để giảm bớt áp lực lãi vay lên tình hình tài chính hoặc bạn phải tìm cách gia tăng thu nhập.

>50%: Rất xấu, hơn một nửa thu nhập của bạn là nợ, có thể bạn là “chúa nợ”, bạn sẽ gặp gánh nặng lãi vay, nhanh chóng trả hết nợ là ưu tiên số 1. 

Ở ví dụ trên tỷ lệ của bạn là 37.5% vẫn nằm kiểm soát, tuy nhiên bạn vẫn phải ưu tiên trả nợ một phần hoặc gia tăng thu nhập gộp vì thời điểm kinh tế khó khăn, dịch bệnh phức tạp.

Tỷ lệ này sẽ tốt trong tình hình đất nước không có biến động lớn, thu nhập bạn không bị đe dọa quá nhiều.

Nguyên tắc vay nợ

Nợ không hoàn toàn là tiêu cực nếu bạn giữ ở một tỷ lệ hợp lý so với thu nhập, nếu không sẽ dễ dẫn đến trường hợp mất thanh khoản (Mất khả năng trả nợ).

Đặc biệt trong kinh doanh và đầu tư, nợ được sử dụng làm đòn bẩy tài chính để gia tăng lợi nhuận.

Đối với cá nhân, thường có các khoản nợ phổ biến:

  • Vay tiêu dùng cá nhân (Personal Loan)
  • Vay mua nhà (Home Loan)
  • Vay mua ô tô (Car Loan)

Các tổ chức cho vay hiện nay phổ biến là ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Bên cạnh đó, trên thị trường còn xuất hiện nhiều tổ chức tín dụng đen cho vay với mức lãi suất từ cao đến rất cao lên tới 150-200%/năm.

Các bên tín dụng đen cho vay lãi suất cao thường rất dễ dàng cho vay và không cần bạn chứng minh thu nhập hoặc đòi hỏi các thủ tục, hồ sơ vay. Vì vậy, nhiều người muốn vay nhanh nên đã phải vay tại các tổ chức tín dụng này và thường bị mất thanh khoản do lãi suất cao quá, không đủ khả năng trả nên phải vay chỗ này đắp chỗ kia.

Để hạn chế vay phải các tổ chức cho vay nặng lãi, áp dụng các nguyên tắc vay tiền theo thứ tự dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trong trường hợp cần tiền sử dụng gấp để giải quyết các nhu cầu cá nhân:

  1. Vay từ bố mẹ, họ hàng, bạn bè.
  2. Vay từ các ngân hàng thương mại nội địa hoặc ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
  3. Vay từ các công ty tài chính có thương hiệu (Công bố rõ ràng mức lãi suất năm).

Mức lãi suất cho vay được nhà nước chấp thuận là 20%/năm và các công ty tài chính đều phải tuân thủ quy định của nhà nước khi công bố lãi suất cho vay với khách hàng.

Các trường hợp cho vay với lãi suất cao từ 100%/năm trở lên (Gấp 5 lần mức được chấp thuận) mới quy là cho vay nặng lãi và bị xử phạt bởi pháp luật.

Khi đi vay bạn nên nhớ một nguyên tắc quan trọng:

Lãi vay càng thấp càng tốt.

Vì vậy, bạn hãy cẩn thận với các khoản vay lãi suất cao và nếu có lỡ vay thì phải nhanh chóng trả hết nợ lãi cao.

Nợ tốt và nợ xấu

Các khoản vay với mục tiêu khác nhau sẽ có tính chất khác nhau. Không phải tất cả nợ đều xấu, đều tiêu cực. Nếu biết cách sử dụng nợ hiệu quả, bạn sẽ mua được tài sản giá trị lớn mà không tác động xấu đến sức khỏe tài chính.

Sự khác nhau giữa nợ tốt và nợ xấu là ở giá trị tăng thêm trong tương lai của khoản nợ:

Nợ tốt Nợ xấu
Được sử dụng là khoản đầu tư (Mua nhà, đầu tư kinh doanh, mua ô tô, du học,...) Được sử dụng để tiêu dùng. (Thẻ tín dụng, vay tín chấp tiêu dùng)
Lãi suất thấp từ 8-9%/năm Lãi suất cao 20-30%/năm

*Phân biệt nợ tốt và nợ xấu.

Nợ tốt còn được xem là đòn bẩy (margin) trong đầu tư, dành cho nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trên thị trường. Tận dụng sự chênh lệch giữa tỷ suất sinh lợi và lãi vay để tạo ra lợi nhuận đầu tư (Bất động sản, thị trường chứng khoán, tiền ảo,…)

Nợ xấu thường là các khoản vay tiêu dùng vì không tạo ra giá trị tăng thêm cho vốn gốc trong tương lai và có lãi vay cao.

Phương pháp trả nợ

Có hai phương pháp trả nợ bạn có thể áp dụng:

Trả nợ lãi suất cao

Ưu tiên trả nợ lãi suất cao: phương pháp này tập trung dồn toàn thu nhập để trả hết nợ lãi suất cao để ngăn chặn “lãi mẹ đẻ lãi con”. Áp dụng phương pháp này bạn sẽ giảm số tiền lãi phải trả trong thời gian dài và tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Trả nợ từ thấp đến cao

Ưu tiên trả nợ từ thấp đến cao: phương pháp này tập trung trả nợ từ thấp nhất đến cao nhất. Đây là phương pháp thiên về mặt tâm lý, khi bạn trả một khoản nợ thành công sẽ có động lực để trả khoản nợ tiếp theo. Tuy nhiên, trả nợ theo phương pháp này sẽ làm số tiền lãi tăng cao hơn, bạn phải trả lãi nhiều hơn.

 Đầu tư trong quản lý tài chính cá nhân 

Đầu tư là hành trình dài, cần bạn phải kiên nhẫn và thực hiện một cách đều đặn. Dù bạn có vốn nhỏ hay vốn lớn thì luôn sẽ có các công cụ đầu tư phù hợp để tích lũy tài sản. Với nhà đầu tư mới bạn có thể tiếp cận đầu tư bằng hình thức mua chứng chỉ quỹ, tức là ủy thác đầu tư, tận dụng sức mạnh của thị trường và kiến thức của người khác để tiền của bạn sinh lợi.

Quy tắc 72

Áp dụng quy tắc 72 để tính nhanh số tiền đầu tư của bạn khi nào sẽ tăng gấp đôi với một tỷ suất lợi nhuận (Rate of Return) cụ thể. Đây là phương pháp nhẩm tính nhanh dùng để ước tính khi nào vốn gốc của bạn sẽ tăng gấp đôi, không hoàn toàn chính xác 100%.

Quy tắc 72

72/Tỷ suất lợi nhuận (RoR)

Ví dụ bạn đầu tư 2 tỷ với tỷ suất lợi nhuận (RoR) là 13%/năm. Cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng khoảng 7%. Thời gian để số tiền của bạn từ 2 tỷ tăng lên 4 tỷ sẽ là:

72/13 = 5,5 năm.

Sau khoảng 5 năm rưỡi bạn sẽ nhân đôi số tiền đầu tư nếu duy trì tỷ suất lợi nhuận 13%/năm.

Ở Việt Nam, không khó để tìm kênh có tỷ suất lợi nhuận trung bình từ 13-17%/năm. Các công cụ đầu tư dưới đây sẽ giúp bạn có kênh đầu tư với lợi nhuận kép trung bình năm (CAGR) từ 13-17%/năm.

Các công cụ đầu tư

Các công cụ đầu tư (Investment Vehicles) được phân loại làm 2 nhóm là đầu tư tài chính và phi tài chính (tài sản vật lý) dựa trên tính chất của công cụ:

Nhóm đầu tư tài chính:

Công cụ đầu tư Cách hoạt động CAGR (%)
Gửi tiết kiệm & Chứng chỉ tiền gửi Gửi tiết kiệm và mua chứng chỉ tiền gửi về cơ bản hoạt động giống nhau. Bạn gửi tiền vào ngân hàng và nhận lãi suất theo kỳ hạn. 6-7%/năm
Cổ phiếu Chứng khoán vốn.Các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Mua cổ phiếu là hình thức góp vốn vào công ty, bạn trở thành cổ đông của công ty. Trung bình 13-17%/năm
Trái phiếu Chứng khoán nợ.Công ty phát hành trái phiếu, bạn mua trái phiếu tức là cho công ty vay nợ, bạn trở thành người cho vay (lender). Trung bình 8-10%/năm
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) ETF là quỹ theo dõi rổ chỉ số tham chiếu như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, vàng,... ETF trên thị trường chứng khoán theo dõi rổ chỉ số tham chiếu như VN30, VN DIAMOND, VNFIN LEAD,... ETF được niêm yết trên sàn chứng khoán như một mã cổ phiếu và nhà đầu tư cá nhân có thể giao dịch ETF như giao dịch cổ phiếu thông thường. ETF theo chiến lược đầu tư thụ động (Passive Investing) Trung bình 13-17%/năm
Quỹ đầu tư mở (OEF) Quỹ mở là các quỹ đầu tư huy động vốn của nhà đầu tư để đầu tư vào danh mục có chung mục tiêu đầu tư. Đây là quỹ chủ động (Active Investing) sở hữu danh mục đa dạng cố gắng tối ưu để outperform vượt trội so với thị trường chung. Danh mục đầu tư của quỹ mở dựa với mức độ chấp nhận rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư. Trung bình 13-17%/năm.
Quỹ đóng (CEFs) Quỹ đóng hoạt động tương tự quỹ mở nhưng số lượng chứng chỉ quỹ không tăng thêm và không phổ biến với nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Quỹ đóng được niêm yết trên sàn chứng khoán như một cổ phiếu. Giá phụ thuộc vào cung/cầu. N/A
Cho vay ngang hàng (P2P Lending) Bạn có thể cho vay tiền nhàn rỗi của mình để hưởng lãi suất cố định 18%/năm qua các ứng dụng P2P Lending. 18%/năm

*Tổng hợp các công cụ đầu tư tài chính.

Nhóm đầu tư phi tài chính (Đầu tư tài sản vật lý):

Công cụ đầu tư Cách hoạt động CAGR (%)
Đầu tư bất động sản Đầu tư vào các phân khúc bất động sản như đất nền, nhà phố, chung cư, bất động sản nghỉ dưỡng,... Thu nhập từ cho thuê hoặc chuyển nhượng bất động sản. 10-20%/năm (Tùy theo phân khúc đầu tư)
Vàng Mua/trữ vàng là hình thức đầu tư truyền thống. Thu nhập từ việc bán vàng và hưởng chênh lệch khi giá tăng so với thời điểm mua. N/A (Tùy thời điểm)

*Tổng hợp các công cụ đầu tư phi tài chính.

Đầu tư tiền kĩ thuật số (Tiền ảo)

Đầu tư tiền ảo là công cụ đầu tư đặc biệt với mức biến động rất lớn trong ngắn hạn và tiềm năng của các đồng tiền ảo trong tương lai vẫn còn là một dấu chấm hỏi rất lớn.

Có nhiều luồng quan điểm trái chiều về tiềm năng phát triển của các đồng tiền ảo như BTC, ETH, ADA, DOGECOIN,…

Nhiều nhà đầu tư tin là các đồng tiền ảo sẽ phát triển mạnh và tăng giá trong tương lai cũng có người tin là các đồng tiền ảo sẽ mất hết giá trị.

Các quan điểm không có đúng/sai vì niềm tin mỗi người khác nhau. Dưới góc độ đầu tư để gia tăng tài sản ròng, bạn nên tìm hiểu kỹ về cách hoạt động của kênh đầu tư để tiền của mình sinh lời một cách an toàn và ổn định qua các năm.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở nào để xác định giá trị thật của các đồng tiền ảo mà các nhà đầu tư chủ yếu tham gia thị trường dựa trên các phân tích kỹ thuật để xác định xu hướng tăng/giảm giá của đồng tiền.

Như vậy rất rủi ro cho tài sản của bạn, các chỉ báo kỹ thuật không hoàn toàn chính xác 100% và tiền ảo được đánh giá là kênh đầu tư với mức độ biến động tài sản rất cao trong ngắn hạn, tăng/giảm với biên độ có khi lên đến 50% trong vòng 1 vài tuần hoặc 1 vài tháng. Bạn nên cân nhắc trước khi tham gia đầu tư tiền ảo nếu chưa am hiểu các chỉ báo kỹ thuật như các đường MA, MACD, Bollinger Band, RSI,…

Nếu như bạn đầu tư giá trị một cổ phiếu, cơ sở định giá sẽ là hoạt động kinh doanh của công ty. Bạn có thể tính toán giá trị nội tại (Intrinsic Value) của công ty dựa trên báo cáo tài chính bằng các phương pháp như P/E, P/B, DCF (Chiết khấu dòng tiền tự do), ROE, Thu nhập thặng dư,…

Khi giá cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị nội tại (Intrinsic Value) bạn mua vào.

Khi giá cổ phiếu tiến đến gần giá trị thật hoặc vượt giá trị thật thì bạn bán ra.

Đó là cơ sở của việc mua/bán cổ phiếu của những nhà đầu tư giá trị, đầu tư dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Còn đầu tư tiền ảo hiện nay cũng có 2 phương pháp đầu tư được nhà đầu tư lựa chọn là đầu tư dựa trên các chỉ báo kỹ thuật (Trade coin), đầu tư dựa trên phân tích cơ bản (Tiềm năng phát triển của dự án đồng tiền).

Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân nghiệp dư mới tham gia đầu tư không nên tham gia mua/bán tiền ảo trong ngắn hạn vì rủi ro là rất cao (Cao hơn rất nhiều so với đầu tư cổ phiếu hoặc các công cụ đầu tư khác).

Vì vậy, nếu bạn yêu thích tiền ảo hoặc tin vào tương lai của các dự án thì có thể tham gia đầu tư dài hạn với tỷ trọng nhỏ trong danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro các đồng coin rớt giá bất ngờ trong ngắn hạn.

Thực tế đã chứng minh tiền ảo đã tăng trưởng rất nhiều lần so với 10 năm trước vì càng ngày càng có nhiều người biết đến và mua nhiều hơn. Khi cầu tăng thì giá sẽ tăng và ngược lại.

Thị trường tiền ảo còn rất mới, các nhà đầu tư cá mập, cá voi nắm rất nhiều tiền ảo và rất dễ bị chi phối nếu họ bán một lượng lớn tiền ảo ra thị trường, giá sẽ giảm rất sâu khiến nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ như chúng ta sẽ mất rất nhiều tiền trong ngắn hạn nếu lỡ mua phải đỉnh.

Nếu bạn tin là thị trường tiền ảo phát triển thì bạn tham gia đầu tư nhưng phải trang bị kiến thức để quản trị rủi ro trong thị trường với mức biến động lớn như vậy.

Nếu bạn không tin sự phát triển của tiền ảo trong tương lai thì nên lựa chọn kênh đầu tư an toàn và có tỷ suất lợi nhuận ổn định hằng năm.

Các nhà đầu tư luôn có khẩu vị rủi ro riêng và sở thích đầu tư riêng biệt. Quan trọng là dựa vào mục tiêu tài chính của bạn là gì để có những quyết định phù hợp.

Các công cụ đầu tư luôn có rủi ro đi kèm với lợi nhuận, điều quan trọng là bạn nên có phương pháp quản trị rủi ro cho danh mục đầu tư của mình.

Nhưng bạn hãy luôn nhớ một điều là:

Chỉ đầu tư vào những gì mình hiểu.

Phần 3: Tổng kết

 Công cụ lập ngân sách chi tiêu 

Truyền thống

Bạn có thể lập ngân sách chi tiêu bằng cách truyền thống như Excel, Google Spreadsheet,… theo các nguyên tắc lập ngân sách như trên hoặc theo cách riêng của bạn.

Bên cạnh đó, để cho bản kế hoạch ngân sách thêm sinh động và sáng tạo, bạn có thể lập ngân sách bằng công cụ Bullet Journal.

Sử dụng công nghệ

Hiện nay có nhiều ứng dụng để bạn lập ngân sách như ứng dụng Money Lover, Sổ thu chi Misa, Money Helper, Wallet,…

Hiện tại mình đang sử dụng bản lifetime của ứng dụng lập ngân sách Wallet (BudgetBakers) của Đức với các tính năng cơ bản như chọn nguồn tiền thanh toán (Tiền mặt, thẻ ngân hàng, tài khoản đầu tư,…), lập ngân sách, nhập chi tiêu theo từng loại chi phí khác nhau, theo dõi thu nhập, báo cáo dòng tiền thu/chi trong tháng, theo dõi tiến độ thanh toán cho các khoản vay,…

Với giao diện báo cáo trực quan, dễ sử dụng, đơn giản phù hợp với người mới lập ngân sách. Bạn có thể sử dụng công cụ này để lên ngân sách và theo dõi thu/chi trong tháng.

Hoặc bạn có thể sử dụng Momo hoặc các ví điện tử khác để quản lý chi tiêu của mình bằng sao kê các giao dịch trong tháng. Bên cạnh đó, mua sắm/thanh toán trên ví điện tử bạn có thể được hoàn tiền và sử dụng tiền hoàn để tích lũy và đầu tư trực tiếp trên ví rất tiện lợi.

Tuy nhiên, Momo bạn chỉ theo dõi được các chi phí chi tiêu trên app hoặc ngân hàng liên kết với Momo, các chi phí không chi bằng Momo hoặc ngân hàng khác bạn không theo dõi được và ứng dụng không tập trung vào quản lý tài chính cá nhân nên sẽ không tối ưu như Wallet.

Công cụ sinh ra để tận dụng, giúp chúng ta tiện hơn chứ không phải chi phối chúng ta. Ứng dụng các công cụ hiện đại trong quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn tối ưu hóa thời gian, công sức và quản lý tiền chặt chẽ hơn.

*Bạn chỉ nên chỉ dụng 1-2 ngân hàng số hoặc 1-2 ví điện tử để tiện thanh toán và tránh để quên tiền trong tài khoản. Phân tách các tài khoản theo các mục đích sử dụng khác nhau. Ví dụ như Momo dùng để thanh toán điện, nước, wifi, điện thoại, mua voucher hoàn tiền,… Ngân hàng dùng để thanh toán siêu thị bằng thẻ để được cashback như thẻ . Tiết kiệm cho quỹ dự phòng thì dùng gói tích lũy của với lãi suất 5.5%/năm, ghép lãi theo ngày tận dụng tốt lãi kép và rút tiền về tài khoản liên kết trong vòng 30s.

 Công cụ tiết kiệm và đầu tư 

Tiết kiệm ngân hàng số và ví điện tử

Với sự phát triển của công nghệ Fintech, các ngân hàng chuyển đổi số và có nhiều ví điện tử để giúp bạn thanh toán online dễ dàng. Bên cạnh chức năng thanh toán (Checking Account), các ngân hàng và ví điện tử còn có các gói tiết kiệm đa dạng kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 năm.

Tùy vào mục tiêu tiết kiệm bạn có thể lựa chọn kỳ hạn tương ứng. Các ngân hàng số và ví điện tử cho phép bạn chuyển đổi nhanh chóng từ tài khoản tiết kiệm (Saving Account) sang tài khoản thanh toán (Checking Account) mỗi khi có nhu cầu sử dụng tiền.

Các ngân hàng số và ví điện tử có trải nghiệm người dùng tốt, giao dịch nhanh và không tốn phí giao dịch:

Tiết kiệm online Lãi suất tiết kiệm Loại Android IOS
7-8%/năm Ngân hàng số Tải App
7-8%/năm Ngân hàng số Tải app Tải app
7-8%/năm. Ngân hàng số Tải app Tải app
6-7%/năm Ví điện tử Tải app Tải app
6-7%/năm (Tích lũy Túi Thần Tài) Ví điện tử Mở Túi Thần Tài Momo

Ứng dụng tích lũy và đầu tư

Ngoài ra, hiện nay có nhiều ứng dụng tích lũy và đầu tư để bạn gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn với lãi suất tốt hơn để ở tài khoản thanh toán ngân hàng.

Các ứng dụng đầu tư kết hợp với các công ty quản lý quỹ để đầu tư vào các công cụ tài chính giúp tiền của bạn sinh lời với lãi suất tốt và rủi ro thấp.

Các ứng dụng tích lũy và đầu tư phổ biến:

Ứng dụng Tích lũy Đầu tư Đánh giá Mở tài khoản
Không kỳ hạn: 4%/năm. Kỳ hạn 3 tháng: 6%/năm Kỳ hạn 12 tháng: 8%/năm Vào cấu trúc đầu tư được định sẵn với tỷ suất lợi nhuận tùy theo cấu trúc. Chủ yếu là quỹ mở & quỹ ETF. Đánh giá chi tiết Finhay Mở tài khoản nhận 5K
Không kỳ hạn: 5.5%/năm. Kỳ hạn 3 tháng: 7%/năm. Vào cấu trúc đầu tư có sẵn hoặc tự thiết kế cấu trúc. Quỹ mở và quỹ ETF. Đánh giá chi tiết Tikop Mở tài khoản Tikop (Nhập XM11SF nhận 10K)
Mua chứng chỉ quỹ Ifund TCFF hoặc gửi Két Vàng Isave với lãi suất 4-5%/năm. Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ Ifund, kế hoạch đầu tư định kì,... Đánh giá app TCinvest Mở tài khoản TCinvest

 Tổng kết 

Quản lý tài chính cá nhân về bản chất là chi tiêu có kế hoạch, tiết kiệm, dự phòng rủi ro và đầu tư sinh lời. Việc áp dụng các nguyên tắc trong tài chính cá nhân sẽ giúp bạn có một tình hình tài chính khỏe mạnh, tích lũy tài sản ròng lớn và đạt tự do tài chính trong tương lai.

Tài chính cá nhân là một chuỗi kết hợp các công cụ và tùy biến theo hoàn cảnh, lối sống, sở thích, tuổi tác,… của mỗi cá nhân. Mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau nên việc ứng dụng các công cụ cũng khác nhau nhưng về nguyên tắc là bạn PHẢI LẬP KẾ HOẠCH và ĐẶT MỤC TIÊU TÀI CHÍNH.

Đó là cách để giữ sức khỏe và cải thiện sức khỏe tài chính của bất kì ai.

Mong rằng qua bài viết này bạn có thể đúc kết được những giá trị mới và ứng dụng các công cụ để quản lý tài chính cá nhân của mình tốt hơn.

Sức khỏe tài chính cũng giống như sức khỏe của chúng ta. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục, có lối sống tốt thì sẽ có sức khỏe tốt. Chúc các bạn đạt được mục tiêu tài chính của mình trong tương lai.

[/su_note]
5 1 vote
Đánh giá
Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Insert math as
Block
Inline
Additional settings
Formula color
Text color
#333333
Type math using LaTeX
Preview
\({}\)
Nothing to preview
Insert
Loading