Phân biệt nợ tốt và nợ xấu để bạn sử dụng nợ vay hiệu quả và hợp lý với tài chính cá nhân. Những khoản nợ tốt sẽ giúp bạn xây dựng tài sản còn những khoản nợ được xem là “xấu” không tạo ra giá trị tăng thêm cho tài sản trong tương lai mà bạn phải trả nhiều hơn cho nó.
Nợ xấu sẽ khiến bạn có tài chính rất xấu, nợ xấu sẽ “bào mòn” thu nhập của bạn. Kiếm được bao nhiêu bạn sẽ trả nợ hết bấy nhiêu.
“Cả thanh xuân của bạn chỉ dùng để trả nợ”.
Bài viết sẽ phân biệt sự khác nhau giữa nợ tốt và nợ xấu giúp bạn xây dựng tài sản và quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.
Nợ tốt là gì?
Các khoản nợ được xem là tốt khi nó tạo ra giá trị tăng thêm cho tài sản hoặc đem lại dòng tiền đều đặn cho bạn.
Nợ tốt đem đến tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi vay. Từ đó, bạn sẽ có khoản lợi nhuận chênh lệch giữa lợi nhuận và lãi vay.
Ví dụ: Bạn vay ngân hàng đầu tư bất động sản, khoản đầu tư của bạn đem đến tỷ suất lợi nhuận 15%/năm. Bạn vay ngân hàng với lãi suất 8%/năm. Vậy bạn sẽ có lợi nhuận chênh lệch 7%/năm từ khoản đầu tư này.
Nợ tốt được xem là đòn bẩy trong kinh doanh và đầu tư.
Ví dụ về nợ tốt:
Nợ vay mua bất động sản
Mua bất động sản được xem là khoản nợ tốt vì sau khi tất toán hết khoản vay bạn sẽ sở hữu tài sản hữu hình. Vì bất động sản luôn tăng giá qua các năm nên khoản nợ mua bất động sản của bạn sẽ tạo ra giá trị tăng thêm trong tương lai.
Sau khi sở hữu căn nhà, bạn có thể bán lại với giá trị cao hơn trong tương lai.
Nợ vay mua ô tô
Nợ vay mua ô tô được xem là khoản nợ tốt vì ô tô cũng là một dạng tài sản được các ngân hàng chấp nhận thế chấp. Bạn có thể dùng ô tô để thế chấp và vay các khoản vay khác để kinh doanh hoặc đầu tư tạo ra giá trị gia tăng cho tài sản.
Ngoài ra, bạn có thể kiếm được dòng tiền từ ô tô bằng cách cho thuê ô tô hoặc chạy taxi công nghệ.
Nợ vay vốn kinh doanh
Vay vốn kinh doanh được xem là khoản nợ tốt vì tạo ra dòng tiền lợi nhuận hàng năm tùy thuộc vào khả năng kinh doanh của bạn.
Vay vốn kinh doanh đem đến tỷ suất lợi nhuận rất cao nhưng cũng rủi ro cao và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sản phẩm, thị trường, khách hàng, mô hình kinh doanh, nhân sự,…
Nợ vay vốn kinh doanh thường có thời gian hoàn vốn rất lâu nhưng sẽ đem đến lợi nhuận hấp dẫn nếu doanh nghiệp bạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Nợ vay đầu tư chứng khoán (Vay ký quỹ Margin)
Vay ký quỹ Margin cũng được xem là khoản nợ tốt vì tạo ra giá trị tăng thêm khi cổ phiếu của bạn tăng giá.
Vay ký quỹ có thời gian rất ngắn tầm 3 tháng, rất rủi ro trong ngắn hạn vì thị trường chứng khoán biến động mạnh trong thời gian ngắn. Trường hợp danh mục đầu tư của bạn tăng thì lợi nhuận của bạn sẽ nhiều hơn, trường hợp danh mục đầu tư của bạn giảm thì bạn cũng sẽ mất nhiều tiền hơn.
Vay ký quỹ phù hợp với nhà đầu tư có kinh nghiệm quản trị rủi ro và nắm bắt biến động của thị trường. Nhà đầu tư mới nên hạn chế dùng ký quỹ vì rủi ro rất cao khi bạn chưa có kinh nghiệm quản trị rủi ro cho danh mục đầu tư.
Nợ xấu là gì?
Nợ xấu là các khoản nợ không làm bạn tăng giá trị tài sản ròng (Net Worth) mà bạn phải trả lãi suất rất cao. Nợ xấu khiến thu nhập của bạn bị “bào mòn” vì tiền lãi.
Các khoản đầu tư dài hạn như chứng khoán hay bất động sản đem đến tỷ suất lợi nhuận trung bình từ 15-20%/năm. Có năm tăng mạnh, có năm giảm mạnh vì vậy mình chỉ lấy trung bình qua các năm để bạn hình dung tỷ suất lợi nhuận các kênh đầu tư.
Còn bạn vay nợ để tiêu dùng thì lãi suất trung bình là 25-30%/năm (Công ty tài chính), 15-20%/năm (Ngân hàng), 100-200%/năm (Tín dụng đen).
Nợ tiêu dùng có lãi suất rất cao. Bạn sẽ tìm công cụ đầu tư nào với lợi nhuận 25-30%/năm? Điều này rất khó, khi chứng khoán tăng mạnh bạn có thể đạt lợi nhuận vượt trội nhưng khi downtrend (giảm giá) thì bạn sẽ mất vốn hoặc không có lợi nhuận.
Tìm một công cụ đầu tư với lợi nhuận trên 30%/năm là rất khó nhưng bạn sẵn sàng vay tiêu dùng với lãi suất 25-30%/năm mà không hề đắn đo.
Ví dụ về nợ xấu:
Vay tiêu dùng trả góp
Vay tiêu dùng trả góp từ công ty tài chính là khoản nợ xấu vì lãi suất cao từ 25%/năm. Vay trả góp sẽ giúp bạn thỏa mãn nhu cầu ngay lúc này nhưng bạn phải mua món đồ đó với giá cao hơn giá bạn thị trường.
Vay trả góp thời gian càng lâu, khoản trả trước càng ít thì tiền lãi của bạn càng cao.
Vay tiêu dùng tín chấp
Vay tiêu dùng tín chấp tương tự như vay trả góp tại công ty tài chính. Hình thức khác nhau là bạn sẽ vay tiền để sử dụng nhiều mục đích còn vay trả góp là bạn vay tiền chỉ để mua món đồ đó.
Các ngân hàng thường có khoản vay tiêu dùng tín chấp với lãi suất từ 18-20%/năm, cơ bản là thấp hơn các công ty tài chính nhưng ngân hàng thẩm định hồ sơ vay khó hơn nhiều và bạn phải có bảng lương công ty, nếu bạn làm tự do thì khó tiếp cận khoản vay từ ngân hàng.
Thẻ tín dụng
Sử dụng thẻ tín dụng được xem là khoản nợ xấu vì bạn dùng tiền của người khác để thanh toán trước, bạn vay từ thẻ tín dụng của ngân hàng hoặc công ty tài chính.
Đổi lại bạn sẽ trả giá món đồ đó cao hơn vì lãi suất thẻ tín dụng từ 25-30%/năm.
Các khoản vay tiêu dùng được xem là khoản nợ xấu vì không tạo ra tài sản tăng thêm cho bạn mà bạn phải chi tiêu với giá đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, các khoản vay tiêu dùng giúp bạn thỏa mãn nhu cầu ngay lập tức mà không cần thời gian để bạn tiết kiệm tiền.
Bạn có thể sử dụng quy tắc 20/10 để quản lý nợ tiêu dùng. Đây là quy tắc quản lý nợ tiêu dùng hiệu quả, giúp bạn định mức nợ tiêu dùng được phép. Nếu vượt qua ngưỡng của quy tắc thì có thể làm tài chính của bạn xấu đi.
Cách hạn chế nợ xấu để bảo vệ thu nhập
Có một vài cách giúp bạn giảm bớt các khoản nợ xấu, không tạo ra giá trị tăng thêm cho tài sản:
- Cố gắng không vay tiêu dùng hơn 20% thu nhập năm.
- Gia tăng thu nhập tối đa.
- Xây dựng quỹ dự phòng cá nhân trang trải cho chi phí 6 tháng.
- Hạn chế sử dụng thẻ tín dụng khi không cần thiết.
- Cố gắng tiết giảm các nhu cầu cho sở thích đến khi thu nhập tăng lên, bạn có thể mở rộng nhu cầu của mình.
Đọc thêm:
Tập trung vào tỷ lệ DTI
Tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTI) giúp bạn kiểm soát tổng số nợ so với thu nhập và giữ an toàn cho tài chính cá nhân của bạn.
Tỷ lệ DTI là một tỷ số quan trọng được các ngân hàng hoặc công ty tài chính đánh giá và cấp hạn mức vay cho bạn.
Tập trung và quản lý tỷ lệ DTI giúp bạn sử dụng nợ vay hiệu quả hơn và có phương án vay phù hợp với tình hình tài chính cá nhân.
Đọc thêm:
Tỷ lệ DTI là gì? Cách sử dụng tỷ lệ DTI để quản lý nợ.
Cách trả nợ nhanh nhất dù là nợ tốt
Dù là nợ tốt hay nợ xấu, bạn vẫn nên tập trung trả hết nợ để có thêm tiền cho tiết kiệm và đầu tư.
Bạn có thể trả nợ bằng hai cách:
Trả nợ lãi suất cao đến lãi suất thấp (Debt Avalanche)
Phương pháp trả nợ này bạn sẽ ưu tiên thu nhập để trả nợ có lãi suất cao nhất là trả nợ tiêu dùng hoặc nợ thẻ tín dụng để giảm bớt số lãi vay phải trả.
Áp dụng phương pháp này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều lãi vay.
Trả nợ theo giá trị từ thấp đến cao (Debt Snowball)
Phương pháp trả nợ theo giá trị khoản vay có nghĩa là bạn trả nợ khoản vay có giá trị thấp nhất đến khoản vay có giá trị cao nhất.
Phương pháp này là phương pháp tâm lý, tức là sau khi bạn trả hoàn thành một khoản vay bạn sẽ có động lực để tiếp tục trả các khoản vay tiếp theo, phương pháp này giúp bạn sẽ cố gắng tìm cách để trả nợ nhanh nhất.
Đọc thêm:
Phương pháp trả nợ nhanh nhất.
Tổng kết
Bài viết chia sẻ cho bạn cách phân biệt nợ tốt và nợ xấu. Nợ tốt giúp bạn xây dựng tài sản nếu bạn biết tận dụng nó. Còn nợ xấu thì ngược lại, nợ xấu sẽ làm bạn mất nhiều tiền hơn cho nó.
Bên cạnh đó, lạm dụng nợ quá nhiều thì khoản đầu tư của bạn sẽ có rủi ro rất cao, giữ nợ ở mức cân đối so với thu nhập để đảm bảo an toàn cho tài chính cá nhân của bạn.