Đầu tư giá trị là chiến lược đầu tư được các quỹ đầu tư mở sử dụng hoặc những nhà đầu tư huyền thoại trên thế giới đều áp dụng chiến lược đầu tư này.
Đầu tư giá trị giúp bạn giảm thiểu được rủi ro đầu tư và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư này giúp bạn tăng trưởng vốn trong dài hạn với tỷ suất lợi nhuận kép ấn tượng nếu bạn lựa chọn đúng cổ phiếu.
Invest VND sẽ giúp bạn hiểu rõ về đầu tư giá trị và áp dụng chiếc lược đầu tư giá trị trên thị trường chứng khoán.
Đầu tư giá trị là gì?
Đầu tư giá trị là chiến lược đầu tư mua cổ phiếu dưới giá trị nội tại (Intrinsic Value) hoặc giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Giá trị nội tại phản ảnh nội lực của doanh nghiệp, tình hình kinh doanh và tăng trưởng của công ty. Nhà đầu tư giá trị tin rằng, giá cổ phiếu thường phản ứng thái quá trước các tin tức trên thị trường dẫn đến bị bán tháo đến mức thấp hơn giá trị của doanh nghiệp hoặc hưng phấn quá mức dẫn đến vượt xa khỏi giá trị thực của công ty.
Nếu bạn muốn đầu tư giá trị thành công thì thời điểm mua và bán cổ phiếu sẽ quyết định tỷ suất lợi nhuận của bạn.
Mua khi lúc thị trường bán tháo quá đà bởi những tin xấu mà công ty vẫn đang tăng trưởng, tình hình kinh doanh không có sự thay đổi.
Bán khi lúc thị trường hưng phấn quá mức, dẫn đến giá cổ phiếu tăng trưởng nóng không tương xứng với giá trị nội tại.
Nhà đầu tư rất thành công theo trường phái đầu tư giá trị là Warren Buffett. Trước đó là Benjamin Graham với cuốn sách nổi tiếng Nhà đầu tư thông minh của ông.
Bản chất đầu tư giá trị
Bản chất của việc đầu tư giá trị là mua hàng tốt với giá hời. Hầu hết mọi người đều muốn mua hàng giảm giá để tiết kiệm chi phí.
Khi mua hàng giảm giá bạn được hưởng món đồ đúng nhu cầu với chất lượng tốt và bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng tương tự như hàng hóa nhưng để nhận biết giá giảm hay cao so với giá trị, bạn cần có kĩ năng cụ thể để đánh giá và chọn lựa cổ phiếu.
Điều thứ hai là để trở thành nhà đầu tư giá trị, bạn cần phải can đảm đi ngược dòng đám đông.
Bạn dám bán khi cổ phiếu đang tăng trưởng nóng và dám mua vào lúc giá đang quá thấp so với giá trị thực của doanh nghiệp.
Điều gì sẽ diễn ra nếu như bạn bán xong cổ phiếu lại tăng tiếp và mua xong cổ phiếu lại tiếp tục giảm so với giá trị?
Không ai biết trước được chuyển động giá trong ngắn hạn nhưng niềm tin về giá trị của doanh nghiệp sẽ giúp bạn kiên định với lựa chọn của mình. Khi bạn đã chọn bán hoặc mua thì không hối hận với hành động của mình.
Trên thị trường chứng khoán, sự kiên định sẽ mang cho bạn lợi nhuận tốt trong dài hạn.
Giá trị nội tại (Intrinsic Value)
Phân biệt giá và giá trị nội tại (Price & Intrinsic Value)
Giá cổ phiếu là giá các nhà đầu tư đang giao dịch trên thị trường, không phải giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Trên thị trường giá cổ phiếu có thể quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thực tùy vào tình hình kinh tế, tâm lý của nhà đầu tư tại thời điểm giao dịch.
Trong thị trường tăng giá (Bull Market) giá cổ phiếu có thể bị mua quá cao so với tăng trưởng của doanh nghiệp tại thời điểm đó.
Trong thị trường giảm giá (Bear Market) giá cổ phiếu có thể bị bán tháo quá đà so với sức mạnh tài chính của doanh nghiệp.
Ví dụ: Cổ phiếu A được các nhà phân tích định giá trong khoảng 20,000-25,0000đ một cổ phiếu. Họ dùng nhiều phương pháp định giá để xác định giá trị nội tại của cổ phiếu. Giá thị trường của cổ phiếu đang ở mức 40,000đ/cổ phiếu do các nhà đầu tư đang hưng phấn quá mức.
Tức là cổ phiếu A đang được định giá cao so với giá trị thực của doanh nghiệp.
Trên thị trường Việt Nam có rất nhiều cổ phiếu bị định giá quá cao trong một thời điểm do thị trường tăng mạnh.
Vào cuối năm 2021, cổ phiếu DIG được các nhà phân tích định giá khoảng 30,000-35,000đ một cổ phiếu nhưng giá cổ phiếu trên thị trường lúc đó dao động khoảng 100,000đ-110,000đ.
Đến giữa năm 2022- đến khoảng đầu năm 2023 cổ phiếu DIG đang bị điều chỉnh rất mạnh, giảm xuống chỉ loanh quanh khoảng 12,000đ-15,000đ/cổ phiếu.
Tức là tài khoản của bạn đã bị chia gần 10 lần nếu đầu tư cổ phiếu DIG ngay đỉnh.
Vì vậy, chiến lược đầu tư giá trị luôn hiệu quả qua mọi thời đại.
Các nhà đầu tư cổ phiếu giá trị luôn mua vào khi cổ phiếu ở mức thấp so với tiềm năng thực sự của doanh nghiệp trên thị trường, và họ sẽ bán ra khi giá đã vượt xa giá trị thực trong các phương pháp phân tích định giá.
Các nhà đầu tư giá trị thường dùng các chỉ số tài chính để xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp, có rất nhiều phương pháp định giá nhưng tất cả đều là tương đối và dự đoán, không chính xác 100% được. Họ thường dùng nhiều chỉ số, phương pháp để tính ra mức giá trị nội tại doanh nghiệp ở mức trung bình. Các chỉ số tài chính thường được dùng để định giá nhanh cổ phiếu:
- P/B (Price to book value): Giá trên giá trị sổ sách của cổ phiếu. Chỉ số này so sánh giá trị tài sản của công ty so với giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường. Nếu công ty sở hữu nhiều tài sản giá trị như đất đai, nhà xưởng hoặc tài sản ngầm (chưa ai phát hiện) mà giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức thấp thì cổ phiếu này đang bị định giá thấp.
- P/E (Price to earning): Giá trên thu nhập của cổ phiếu. Chỉ số này đánh giá mức độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp so với giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường. P/E của hai công ty cùng ngành, công ty nào thấp hơn thì công ty đó đang định giá hấp dẫn hơn.
- FCF (Free Cash Flow): Dòng tiền tự do của doanh nghiệp từ doanh thu sau khi trừ đi các chi phí. Chi phí bao gồm các chi phí hoạt động kinh doanh hoặc chi phí đầu tư vốn (Đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng,…). Nếu công ty tạo ra nhiều dòng tiền tự do thì họ sẽ còn dư tiền để đầu tư phát triển cho tương lai, trả cổ tức, trả nợ để giảm lãi vay hoặc thưởng cổ tức cho cổ đông, đặc biệt là phát hành kế hoạch mua lại cổ phiếu.
Khái niệm biên độ an toàn (Margin of safety)
Biên độ an toàn là khái niệm được Benjamin Graham viết trong cuốn “Intelligent Investor”, giúp cho các nhà đầu tư giá trị giảm thiểu rủi ro đầu tư trong dài hạn và mang lại cho bạn mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Margin of safety là mức chiết khấu cổ phiếu phù hợp để bạn mua vào và nắm giữ trong dài hạn. Bạn mua cổ phiếu với mức chiết khấu càng sâu thì tỷ suất lợi nhuận càng lớn khi cổ phiếu trở lại giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Ví dụ: Một cổ phiếu được định giá khoảng 100,000vnd/cổ phiếu, giá đang giao dịch trên thị trường là 60,000vnd/cổ phiếu. Margin of safety của cổ phiếu này đang là 40%, bạn sẽ có cơ hội có lợi nhuận 40,000vnd/cổ phiếu khi cổ phiếu tiến đến giá trị nội tại hoặc vượt giá trị nội tại.
Nếu bạn mua đúng hoặc gần bằng với giá trị nội tại thì rủi ro sẽ cao hơn rất nhiều nếu cổ phiếu điều chỉnh giảm, có thể bạn sẽ mất rất lâu để hoàn vốn.
*Benjamin Graham thường mua các cổ phiếu có mức chiết khấu khoảng 30% so với giá trị thực.
Thị trường không hiệu quả hay hiệu quả
Các nhà đầu tư giá trị không tin vào giả thuyết thị trường hiệu quả Efficient-Market Hypothesis.
Giả thuyết này nói rằng giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường phản ánh toàn bộ giá trị nội tại của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp bị tung tin đồn lãnh đạo bị bắt, hôm sau giá cổ phiếu sẽ “nằm sàn” chính là giả thuyết thị trường hiệu quả, phản ánh giá trị nội tại của cổ phiếu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư giá trị tin vào giả thuyết thị trường không hiệu quả (Market are not efficient) bởi vì giá cổ phiếu luôn được định giá thấp hoặc cao hơn giá trị thực trong một thời điểm nhất định.
Tâm lý thị trường mới chính là yếu tố quyết định giá cổ phiếu.
Khi thị trường chung giảm, các cổ phiếu thường có xu hướng bị bán tháo quá đà so với giá trị. Nhà đầu tư lúc này chỉ muốn tháo chạy để bảo toàn vốn.
Khi thị trường chung tăng, các cổ phiếu thường có xu hướng bị đẩy giá lên quá cao so với giá trị thực. Nhà đầu tư lúc này chỉ muốn tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng và sợ bị mất cơ hội.
Hoặc các thông tin như lợi nhuận giảm trong quý, lãnh đạo bị bắt, kiện tụng, scandal về sản phẩm,… thông tin có thể chỉ là tin đồn chưa xác thực nhưng cũng khiến cổ phiếu bị bán “bất chấp”.
Tại sao cổ phiếu bị định giá thấp dưới giá trị?
Giá cổ phiếu sẽ không phản ánh giá trị của doanh nghiệp trên thị trường vì tâm lý của nhà đầu tư.
Đầu tư chứng khoán là cuộc chơi tâm lý hơn là cuộc chơi về toán học.
Kiến thức, toán học, logic, dự đoán,… tất cả chỉ là yếu tố phụ. Tâm lý mới chính là yếu tố quyết định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Chứng khoán có rất nhiều trường phái nhà đầu tư mà trong đó có rất nhiều nhà giao dịch, tự doanh, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, các quỹ đầu tư.
Trong đó, các nhà giao dịch chuyên nghiệp họ dựa trên các chỉ báo phân tích và tuân thủ nguyên tắc giao dịch để kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Các quỹ đầu tư hoặc tự doanh họ cũng có nguyên tắc và chiến lược đầu tư để hạn chế mất mát trên thị trường.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp họ có kinh nghiệm và chiến lược đầu tư rõ ràng.
Riêng chỉ có nhà đầu tư cá nhân nghiệp dư là thế lực nhỏ nhưng chiếm phần lớn trên thị trường và chỉ có nhà đầu tư cá nhân là hành động theo tâm lý.
Những thị trường phát triển, các nhà đầu tư cá nhân sẽ ít hơn, chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức nên biên độ tăng giảm và mức độ ổn định của thị trường sẽ cao hơn các thị trường mới nổi và chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Cổ phiếu bị định giá thấp hoặc cao hơn giá trị phần lớn là do tâm lý học và hành vi của các nhà đầu tư.
Bán khi thấy người khác bán, mua khi thấy người khác mua dẫn đến giá cổ phiếu sẽ nhảy “lam ba da” trên thị trường.
Riêng các nhà đầu tư giá trị là những nhà đầu tư chiến lược thực sự của doanh nghiệp.
Mua khi thấy chiết khấu đủ hấp dẫn so với giá trị thực ước tính.
Bán khi thấy mức định giá quá cao so với giá trị thực ước tính.
Bạn sẽ đầu tư trên thị trường một cách nhẹ nhàng và bền vững hơn rất nhiều.
Đầu tư dài hạn và đầu tư giá trị
Phân biệt đầu tư dài hạn và đầu tư giá trị:
Đầu tư dài hạn là một cách nói của việc mua cổ phiếu và nắm giữ trong dài hạn. Đầu tư dài hạn đề cập đến việc nắm giữ cổ phiếu, hầu hết các nhà đầu tư đều nghĩ đầu tư dài hạn là đầu tư giá trị.
Nhưng đầu tư giá trị là một chiến lược đầu tư, bạn có cách làm cụ thể về việc mua, nắm giữ và thực hiện hóa lợi nhuận.
Đầu tư dài hạn nếu bạn không có chiến lược đầu tư thì việc nắm giữ một cổ phiếu không hiểu gì về nó cũng là vô ích, khiến bạn lãng phí thời gian, dòng vốn và không gặt hái được kết quả gì nhiều.
Value Investing là phương pháp đầu tư rất rõ ràng về chiến lược hành động. Thời gian của đầu tư giá trị có thể là 1 năm, 3 năm, 5 năm,… tùy vào cổ phiếu bạn nắm giữ.
Bạn sẽ bán khi cổ phiếu vượt giá trị nội tại của doanh nghiệp và mua vào khi cổ phiếu đang ở mức thấp so với năng lực của doanh nghiệp.
Thông thường, chiến lược đầu tư này đòi hỏi bạn phải nắm giữ rất lâu để giá phản ánh giá trị của doanh nghiệp, vì vậy hãy sử dụng tiền bạn chưa dùng đến hoặc không có dự định sử dụng trong tương lai gần.
Đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị
Chiến lược đầu tư tăng trưởng và giá trị khác nhau ở cổ phiếu mà bạn lựa chọn.
Nhà đầu tư nổi tiếng với trường phái Growth Investing là Peter Lynch, ông đã áp dụng chiến lược lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng để tạo ra mức tỷ suất lợi nhuận kép bình quân 13 năm lên đến 29%/năm.
Đầu tư tăng trưởng lựa chọn các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh bằng việc mở rộng thị trường một cách nhanh chóng.
Ví dụ: Nếu một nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu trong ngành bán lẻ. Với chiến lược đầu tư tăng trưởng họ sẽ lựa chọn các cổ phiếu với tốc độ mở cửa hàng mới nhanh nhất, và thông thường ở giai đoạn này doanh nghiệp chưa có doanh thu và lợi nhuận. Họ sẽ nhìn vào việc mở rộng quy mô của doanh nghiệp hơn là các chỉ số tài chính lành mạnh.
Nhà đầu tư giá trị sẽ lựa chọn các cổ phiếu bán lẻ đã có vị thế trên thị trường nhưng giá đang được chiết khấu ở mức hấp dẫn.
Bạn sẽ thấy hai chiến lược đầu tư khác nhau nhưng rủi ro và lợi nhuận cũng khác nhau. Đầu tư tăng trưởng có rủi ro cao hơn nhưng mang lại cho bạn mức lợi nhuận tốt trong dài hạn khi doanh nghiệp đến thời điểm gặt hái kết quả.
Đầu tư tăng trưởng là bạn đầu tư vào doanh nghiệp tiềm năng mà đang ở giai đoạn gieo trồng, trái ngọt có thể có hoặc không nhưng không phải ở thời điểm hiện tại.
Peter Lynch đã nghiên cứu về Taco Bell, Walmart, Phillip Morris… khi các doanh nghiệp này vẫn đang còn rất nhỏ nhưng đã đem lại cho ông mức lợi nhuận vô cùng ấn tượng khi các công ty này dần có vị thế trên thị trường và trở thành những thương hiệu rất mạnh.
Rủi ro và lợi nhuận trong chiến lược đầu tư giá trị
#Rủi ro trong đầu tư giá trị:
Rủi ro trong đầu tư giá trị là rủi ro mất vốn trong ngắn hạn hoặc bị chôn vốn rất lâu, làm bạn mất đi các chi phí cơ hội trong việc sử dụng vốn.
Đầu tư dài hạn có hiệu quả không?
Nếu bạn mua cổ phiếu ở vùng giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực thì rủi ro đầu tư dài hạn thiếu hiệu quả sẽ rất thấp. Các công ty với kết quả lợi nhuận kinh doanh tốt chắc chắn sẽ tăng trương tương lai.
Còn tương lai là 1 năm, 2 năm, 3 năm,… thì không ai biết được. Điều này phụ thuộc vào sự kiên nhẫn của bạn và liên tục cập nhật tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn 1 tuần, 1 tháng hay 3 tháng,… thì giá cổ phiếu không phản ánh toàn bộ giá trị nội tại của doanh nghiệp. Đầu tư ngắn hạn là giao dịch cổ phiếu, mà giao dịch thì bạn phải có kiến thức và kĩ năng giao dịch để kiếm lời trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, bạn cần phải có kỉ luật và quy tắc giao dịch. Nếu không tuân thủ, bạn sẽ mất tiền mau chóng trên thị trường chứng khoán.
#Lợi nhuận trong đầu tư giá trị:
Lợi nhuận cao hay thấp phụ thuộc vào thời điểm bạn mua cổ phiếu và hiện thực hóa lợi nhuận đúng thời điểm.
Nếu bạn mua cổ phiếu cao vượt giá trị thực thì rủi ro sẽ rất cao và lợi nhuận có thể sẽ bị âm.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận bình quân của các cổ phiếu giá trị trong thời gian dài từ 5-10 năm dao động khoảng 17-20%/năm.
Quan trọng là cổ phiếu bạn mua là gì!!
Thời điểm bạn mua là lúc nào!!!
Bạn có đều đặn trong tài chính cá nhân của mình không? Hay mua bán liên tục?
Đầu tư là con đường nhàm chán, chỉ làm có 1 việc lặp đi lặp lại, kết quả phụ thuộc vào sự kỉ luật của bạn.
Đầu tư giá trị là đi ngược hành động của đám đông
Tại sao đầu tư giá trị là đi ngược đám đông?
Đó là khi mọi người đều bán tháo cổ phiếu giá trị với mức giá rất thấp, bạn là người dám hành động mua vào cổ phiếu.
Mua vào cổ phiếu khi người khác đang bán là hành động đi ngược đám đông và rủi ro sẽ rất cao trong ngắn hạn.
Có thể giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm và bạn sẽ chịu rủi ro mất vốn. Tuy nhiên, niềm tin về sức mạnh doanh nghiệp và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai sẽ giúp bạn ổn định tâm lý và nắm giữ.
Trên thị trường chứng khoán, không có đúng hoặc sai, bạn chỉ có mất tiền hoặc kiếm được tiền. Vì vậy, đi ngược đám đông có chiến lược và phương pháp sẽ giúp bạn tích lũy tài sản trên thị trường chứng khoán một cách hiệu quả.
Sự kiên nhẫn
Không phải thông minh.
Không phải có nhiều kinh nghiệm mà chính sự kiên nhẫn là yếu tố quyết định thành công trong đầu tư giá trị.
Có rất nhiều nhà đầu tư với kinh nghiệm 10, 20 năm nhưng vẫn thất bại trên thị trường. Đó là vì kinh nghiệm là thứ có thể “giết chết” bạn, kinh nghiệm làm cho bạn ngạo mạn và tự do mình là đúng.
Ronald Read là người đàn ông chỉ là một nhân viên nhỏ ở trạm xăng với thu nhập trung bình thấp nhưng ông đã trở thành triệu phú ở tuổi 70 và cho đi phần lớn tài sản của mình cho thư viện và bệnh viện.
Ông là nhà đầu tư giá trị thực thụ, lúc còn trẻ ông đã liên tục tích lũy tiền và mua các cổ phiếu mà ông quen thuộc, xuất hiện hằng ngày trong cuộc sống của ông.
Chính sự liên tục đã giúp ông thành công trên hành trình đầu tư của mình và đạt được mức lợi nhuận ấn tượng trong dài hạn.
Chiến lược đầu tư giá trị
Chiến lược đầu tư giá trị được khuyến nghị trong tài chính cá nhân đó là tiết kiệm khoảng 10-20% thu nhập để đầu tư định kỳ hàng tháng vào các cổ phiếu giá trị.
Chiến lược này giúp bạn tích lũy tài sản với rủi ro thấp với thời gian đầu tư trung bình từ 10-15 năm để đảm bảo sự an toàn.
Bạn có thể đọc các báo cáo phân tích cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán để tính mức định giá cổ phiếu trung bình trong 5-10 năm tới.
Nếu thấy giá cổ phiếu chiết khấu quá sâu so với giá trị khoảng 30-40%, bạn có thể cân nhắc tham gia tích lũy cho mục tiêu dài hạn.
Ví dụ về đầu tư giá trị
Ví dụ cụ thể về đầu tư giá trị tại Việt Nam:
Ở Việt Nam chỉ có số ít cổ phiếu bạn có thể mua và nắm giữ trong dài hạn, quan trọng là bạn kiên trì theo đuổi chiến lược đầu tư của mình như thế nào?
Cổ phiếu FPT là một ví dụ cụ thể của chiến lược đầu tư giá trị tại Việt Nam:
Bảng bên dưới đưa ra ví dụ cụ thể về đầu tư cổ phiếu giá trị FPT. Ví dụ không tính đến việc bạn đầu tư định kỳ mà chỉ đề cập đến việc bạn mua 1 lần và nắm giữ suốt 10 năm.
Giá | TSLN kỳ | Cổ tức bằng cổ phiếu | Cổ tức bằng tiền | TSLN thực | Giá trước chia cổ tức | |||
Giá mua | Feb-12 | 13,000 | 13,000 | |||||
Feb-13 | 9,690 | -25.46% | 2,000 | 11,690 | -10.08% | 11,690 | ||
Feb-14 | 16,750 | 72.86% | 25% | 1,500 | 22,438 | 91.94% | 22,438 | |
Feb-15 | 16,000 | -4.48% | 15% | 2,000 | 20,400 | -9.08% | 20,400 | |
Feb-16 | 18,000 | 12.50% | 15% | 2,000 | 22,700 | 11.27% | 22,700 | |
Feb-17 | 19,850 | 10.28% | 15% | 2,000 | 24,828 | 9.37% | 24,828 | |
Feb-18 | 29,800 | 50.13% | 10% | 2,000 | 34,780 | 40.09% | 34,780 | |
Feb-19 | 25,300 | -15.10% | 15% | 2,000 | 31,095 | -10.60% | 31,095 | |
Feb-20 | 34,700 | 37.15% | 15% | 2,000 | 41,905 | 34.76% | 41,905 | |
Feb-21 | 55,200 | 59.08% | 20% | 2,000 | 68,240 | 62.84% | 68,240 | |
Feb-22 | 77,700 | 40.76% | 20% | 2,000 | 95,240 | 39.57% | 95,240 | |
Giá bán | 2022 | 77,700 | 497.69% | 633% | ||||
TỶ SUẤT LỢI NHUẬN TRONG 10 NĂM | 632.62% | |||||||
TỶ SUẤT LỢI NHUẬN TRUNG BÌNH 1 NĂM | 22.04% |
Với tỷ suất lợi nhuận kép khoảng 22%/năm, khá cao so với thị trường và đây là cổ phiếu đầu tư giá trị thành công nhất từ trước đến giờ.
Chỉ việc mua và nắm giữ suốt 10 năm, bạn đã có mức tỷ suất lợi nhuận khoảng 633%.
Nếu bạn có vốn 1 tỷ đồng thì khi bạn hiện thực hóa khoản đầu tư giá trị của cổ phiếu FPT thì giá trị vốn của bạn bây giờ:
\[ FV = 1 * (1+22\%)^{10} = 7.3 tỷ \]
7.3 tỷ tương ứng với 6.3 tỷ tiền lãi đầu tư.
Đây là một thương vụ đầu tư giá trị thành công vào cổ phiếu FPT.
Tổng kết
Chiến lược đầu tư giá trị là một chiến lược đầu tư mà Invest VND luôn theo đuổi và chia sẻ với các bạn độc giả của blog.
Bởi vì đây là chiến lược đầu tư tốn ít công sức và an toàn cho các nhà đầu tư cá nhân, giúp bạn tích lũy tài sản cho cá nhân và gia đình mình. Và đặc biệt là đầu tư dài hạn bằng phương pháp đầu tư giá trị giúp bạn không còn bị nghiện bảng điện và tập trung vào công việc chính.
Xem việc đầu tư như một thói quen bởi vì đầu tư giá trị cần thời gian, sự kiên nhẫn và đều đặn của bạn.
Không thể có kết quả trong 1 tháng hay 3 tháng nhưng về lâu dài, các cổ phiếu giá trị sẽ tăng trưởng theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Thay vì tập trung vào giá cổ phiếu, bạn có thể đi khảo sát doanh nghiệp, gọi điện thoại cho bộ phận quan hệ cổ đông để hỏi về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đi kiểm tra sản phẩm, dịch vụ công ty mà bạn đầu tư có còn đang kinh doanh hiệu quả trên thị trường.
Đó là việc nhà đầu tư giá trị nên làm thay vì chăm chăm vào bảng điện tử và dạo trên các group chứng khoán. Việc này không giúp bạn trở thành nhà đầu tư giá trị thành công mà chỉ tốn thời gian, công sức của bạn.
Mong bạn có thể ứng dụng vào tài chính cá nhân và xây dựng cho mình danh mục đầu tư thật hiệu quả, đạt tỷ suất lợi nhuận cao trong dài hạn.