Sức khỏe tài chính là trạng thái tổng thể về tình hình tài chính của bạn và gia đình.
Sức khỏe tài chính tương quan với sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.
Bạn cần phải khám đều đặn để được điều trị kịp thời.
Sức khỏe tài chính bao gồm các thành tố quan trọng về tài chính như thu nhập, chi phí, dòng tiền, các quỹ tài chính hiện có và bảng cân đối tài sản đang bị lệch về phía nào.
Bài viết sẽ giúp bạn xác định các yếu tố và các cách đơn giản để cải thiện sức khỏe tài chính giúp bạn tạo dựng nền tảng tài chính vững chắc.
Sức khỏe tài chính là gì?
Sức khỏe tài chính là thước đo quan trọng bởi vì hơn 60% người Việt Nam, đặc biệt là người ở tầng lớp bình dân gặp căng thẳng về tài chính.
Sức khỏe tài chính là đường thẳng song song với sức khỏe tinh thần và thể chất.
Sức khỏe tài chính xấu sẽ khiến bạn mất ngủ hằng đêm, lo lắng về tương lai bất định, mất sự tập trung, tinh thần luôn kiệt quệ và tiêu cực.
Cải thiện sức khỏe tài chính sẽ giúp bạn sống vui vẻ và tập trung vào những điều tuyệt vời khác trong cuộc sống bên cạnh tiền bạc.
Cuộc sống không chỉ xoay quanh mỗi tiền bạc. Bạn còn những mối quan hệ, niềm đam mê, tình yêu và những điều tuyệt vời về cuộc sống mà có lẽ bạn chưa khám phá được hết.
Tạo dựng một sức khỏe tài chính tốt là nền tảng của sự hạnh phúc:
- Bạn có thể chi trả các rủi ro và các chi phí phát sinh bằng quỹ dự phòng khẩn cấp.
- Bạn sẽ không mất tiền vì chi phí y tế tăng cao mỗi ngày.
- Bạn được phép theo đuổi đam mê hoặc sở thích của bản thân.
- Rời bỏ một công việc nhàm chán hoặc không phù hợp, thực hiện Gap-Year chờ đợi cơ hội làm việc tốt hơn.
- Bạn được làm chủ thời gian.
Ví dụ về sức khỏe tài chính
Sức khỏe tài chính bao gồm các yếu tố đánh giá tình hình tài chính của bạn:
- Thu nhập sau thuế của bạn.
- Chi phí sinh hoạt tối thiểu của bạn.
- Giá trị tài sản ròng của bạn đang ở trạng thái âm hay dương (Tổng tài sản – Tổng nợ).
- Khả năng bao phủ của các loại bảo hiểm.
- Sức chống chịu của quỹ dự phòng khẩn cấp của bạn.
- Các khoản vay tiêu dùng (Vay tín chấp, vay thẻ tín dụng).
Có nhiều yếu tố để đánh giá sức khỏe tài chính cá nhân tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là dòng tiền và các nguồn thu nhập bao gồm chủ động (Từ lương) và thụ động (Từ những nguồn khác giúp bạn tạo dòng tiền hàng tháng).
Cách đo lường sức khỏe tài chính
Tiền mặt là yếu tố quan trọng đánh giá bạn đang có một sức khỏe tài chính tốt hay xấu.
Tuy nhiên, dự trữ tiền mặt bao nhiêu là câu hỏi rất khó vì mỗi người có lối sống, hoàn cảnh, trải nghiệm trong quá khứ là khác nhau.
Tiền mặt quá nhiều sẽ không giúp bạn tối ưu hóa tài sản và giúp tiền mặt tăng trưởng.
Tiền mặt quá ít bạn sẽ dễ bị mất thanh khoản trong việc thanh toán các chi phí và khó nắm bắt nhiều cơ hội tuyệt vời trên thị trường tài chính.
Các công cụ tài chính giúp bạn chuyển đổi thành tiền mặt nhanh chóng:
- Tiền gửi ngân hàng.
- Quỹ tiền tệ hoặc trái phiếu thanh khoản (Két vàng Isave, chứng chỉ quỹ VLBF Vinacapital).
- Cổ phiếu. (Rủi ro cao trong ngắn hạn có thể khiến âm tiền mặt của bạn trong lúc muốn chuyển đổi).
- Các gói tích lũy không kỳ hạn của các ứng dụng đầu tư (Túi thần tài Momo, Tikop, Finhay, Infina).
Một gia đình được các chuyên gia tài chính đánh giá là có sức khỏe tài chính tốt:
- Có quỹ dự phòng khẩn cấp bằng tiền mặt đủ thanh khoản 6 tháng chi phí sinh hoạt.
- Tỷ lệ nợ trên thu nhập DTI ở mức 30% (Bao gồm các loại nợ).
- Giá trị tài sản ròng ở trang thái dương (Tài sản bao gồm tài khoản hưu trí, dự phòng, bất động sản, tiền mặt trong bảo hiểm nhân thọ, cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đang nắm giữ,…)
- Dòng tiền ổn định và dự báo ổn định trong 5-10 năm tới (Thu nhập sau thuế – Các khoản chi phí sinh hoạt tối thiểu).
Cải thiện sức khỏe tài chính
Các cách cải thiện sức khỏe tài chính trong ngắn hạn và dài hạn:
Gia tăng dòng tiền bằng cách xây dựng nhiều nguồn thu nhập
Đa dạng hóa các nguồn thu nhập là điều mà mọi người hướng tới và không dễ dàng thực hiện được.
Bạn phải có chuyên môn:
Bạn phải có ít nhất một chuyên môn để có thể “kiếm sống” bằng nghề của mình. Sau đó bạn mới có thể mở rộng nguồn thu nhập từ chính chuyên môn của mình.
Bạn phải có kỹ năng:
Bạn phải có kỹ năng để bán chuyên môn của bạn cho người cần nó và họ sẽ sẵn sàng trả cho bạn tiền vì bạn đáp ứng nhu cầu của họ.
Mở rộng chuyên môn và kỹ năng:
Bạn phải mở rộng chuyên môn và kỹ năng của mình để đa dạng hóa các nguồn thu nhập khác nhau.
Nguồn thu nhập hoàn toàn không có giới hạn, bạn chỉ giới hạn về mặt thời gian để làm. Vì vậy, bạn càng quản trị thời gian tốt thì bạn càng tạo dựng được nhiều nguồn thu nhập khác nhau.
Chi tiêu ít hơn và tối giản hóa lối sống
“Chi phí của nhà này là thu nhập của nhà khác.”
Đây là câu nói phản ánh cách mà dòng tiền trong xã hội luân chuyển từ nhà này sang nhà khác.
Khi bạn trả tiền cho một món hàng thì người bán món hàng đó sẽ có thu nhập và ngược lại.
Cách để tạo ra dòng tiền tốt hơn là chi tiêu ít hơn và gia tăng thu nhập sau thuế.
Phân bổ ngân sách chi tiêu theo các quy tắc cơ bản như 80/20, 50/30/20,…
Bạn giữ chi tiêu ở mức hợp lý là khoảng 50-55% thu nhập và cố gắng giảm xuống qua từng năm là cách để bạn tối ưu hóa dòng tiền của mình.
Cải thiện tỷ lệ DTI (Tổng nợ/thu nhập)
Giữ tỷ lệ DTI dao động khoảng 20-30% là cách để bạn giữ an toàn cho tài chính của bạn. Nếu DTI quá cao sẽ dễ dẫn đến mất thanh khoản trả các khoản vay.
Các khoản vay tiêu dùng hay thẻ tín dụng sẽ đốt cháy toàn bộ tiền của bạn bằng mức lãi vay 25-30%/năm.
Nếu bạn buộc phải vay thì bằng mọi giá bạn phải gia tăng nguồn thu, tìm nguồn thu thay thế hoặc dùng chính khoản vay để làm nguồn thu để nó tự thanh toán.
Kéo giảm DTI giúp bạn duy trì sức khỏe tài chính lành mạnh.
Bạn là hóa đơn ưu tiên
Nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe tài chính trong hiện tại và tương lai thì mỗi tháng bạn phải tiết kiệm ít nhất 20% thu nhập để phân bổ vào các mục tiêu tài chính.
20% này sẽ giúp bạn hoàn thiện các dự định của gia đình và của riêng cá nhân bạn.
Tùy vào mục tiêu tài chính bạn sẽ có công cụ phù hợp để tiết kiệm và đầu tư.
Thứ tự mục tiêu tài chính ưu tiên nếu bạn chưa tạo nền tảng tài chính:
- Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp từ 5% trong 20% thu nhập.
- Giải quyết các khoản vay tiêu dùng, thẻ tín dụng càng sớm càng tốt.
- Tham gia ít nhất 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho người trụ cột để bảo toàn các chi phí thiết yếu trong gia đình.
Hoàn thiện các dự định tài chính
Đặt mục tiêu tài chính và kiên trì theo đuổi mục tiêu sẽ giúp bạn có một tình hình tài chính vững chắc.
Sau mỗi 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm bạn nên kiểm tra lại sức khỏe tài chính của mình để có phương án cải thiện tốt hơn cho giai đoạn tới.
Làm việc này đều đặn bạn sẽ thấy cuộc sống tài chính của mình rất ổn định và tăng trưởng đều đặn, giúp bạn hoàn thiện các dự định và giấc mơ của chính mình dù bạn không phải là một triệu phú hay tỷ phú.