investvnd-logo

Đầu tư cho người mới: Hướng dẫn cơ bản (2023)

Invest VND 5 Đầu tư 5 Hướng dẫn cơ bản về đầu tư 5 Đầu tư cho người mới: Hướng dẫn cơ bản (2023)

Bài viết hướng dẫn tư duy và giới thiệu các công cụ đầu tư cho người mới để bạn tích lũy tài sản ròng và đạt được các mục tiêu tài chính của mình.

Đầu tư là hành trình “nhàm chán” và không phù hợp với người muốn kiếm tiền và làm giàu nhanh chóng.

Hành trình này đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn và thực hiện một cách đều đặn.

Bạn nên xem đầu tư như là một thói quen như đánh răng, rửa mặt, tập thể dục,…

Thời gian là yếu tố quan trọng của đầu tư, lãi suất kép chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi bạn đầu tư càng lâu dài.

Mới bạn tham khảo bài viết chia sẻ các kiến thức đầu tư cho người mới. Nội dung bài viết chia sẻ các công cụ, tư duy đầu tư và cách sử dụng công nghệ trong các hoạt động đầu tư để giúp bạn đạt mục tiêu tài chính của bạn.

 

Đầu tư là gì? Tại sao bạn phải đầu tư?

Về bản chất, đầu tư cũng được xem là khoản tiết kiệm trung và dài hạn sử dụng các công cụ tài chính hoặc công cụ đầu tư phi tài chính như vàng, bất động sản,… để tạo dựng và tích lũy tài sản.

Mục tiêu của các hoạt động đầu tư là tạo ra lợi nhuận lớn hơn tiết kiệm, giúp bạn tối ưu hóa dòng vốn của mình trong dài hạn.

Tiết kiệm và đầu tư là các hoạt động nên được song hành cùng nhau dựa vào mục tiêu tài chính cá nhân của bạn.

Lãi suất kép là khái niệm giúp bạn gia tăng nhanh lợi nhuận trong đầu tư trong dài hạn, sử dụng lãi ghép lãi để tạo ra lợi nhuận ngày một lớn hơn như hiệu ứng tuyết lăn.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett là người sử dụng hiệu quả lãi kép bằng cách nắm giữ một tài sản rủi ro trong thời gian rất dài. Trường phái đầu tư của ông được gọi là Value Investing – Đầu tư giá trị.

Bạn có thể lưu lại công thức tính lãi kép (Compound Interest):

\[ Lãi kép=PV*[(1+i)^n-1] \]

Trong đó

PV: Principal Value hay vốn gốc ban đầu.

i: Lãi suất (Ngân hàng) hoặc tỷ suất lợi nhuận (Rate of Return) của tài sản.

n: Số kỳ ghép lãi.

Ví dụ

Bạn gửi ngân hàng 200 triệu với lãi suất 6%/năm, kỳ hạn ghép lãi 3 năm thì:

Lãi kép (Compound Interest) = 200*[(1+6%)^3-1]= 38.2 triệu.

Lãi đơn (Simple Interest) = 200*6%*3= 36 triệu.

Số tiền chênh lệch nếu bạn không tái đầu tư tiền lãi để tận dụng lãi kép trong 3 năm là 38.2-36 = 2.2 triệu.

Nhà vật lý Albert Einstein từng nói:

Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của nhân loại.

Ông nói kỳ quan thứ 8 chính là nói đến vẻ đẹp của lãi kép khi bạn tận dụng trong dài hạn.

Trong đầu tư, có một thước đo bạn có thể tham khảo đó là tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR).

Đây là thước đo tăng trưởng của một tài sản đầu tư mà bạn nắm giữ trong 1 giai đoạn nhất định. Vì khi đầu tư là bạn mua tài sản nên lợi nhuận của bạn sẽ là chênh lệch giá mua và giá bán. Nguyên tắc đơn giản là mua giá thấp, bán giá cao, tương tự như các hoạt động kinh doanh.

CAGR cao chứng tỏ hiệu quả đầu tư trong dài hạn của bạn rất tốt.

Ví dụ như: CAGR của chỉ số VN30 trên sàn chứng khoán Việt Nam (Top 30 doanh nghiệp hàng đầu) khoảng 17%/năm trong thời gian từ 2015 – 2021.

CAGR cao hay thấp phụ thuộc vào thời điểm bạn mua tài sản và thời điểm bạn hiện thực hóa lợi nhuận tài sản đầu tư của bạn.

Ví dụ về tăng trưởng tài sản với CAGR 17%/năm:

Nếu bạn đầu tư 200 triệu vào quỹ ETF theo dõi chỉ số VN30 với CAGR 17%/năm trong giai đoạn 2015-2021. Bạn thực hiện hóa lợi nhuận vào năm 2021:

Tổng số tiền lãi (Lãi kép) của bạn:

\[ FV=200*(1+17\%)^5= 438.5 triệu. \]

Tổng giá trị của quỹ ETF của bạn là 438.5 triệu, vốn bạn đã tăng trưởng 238.5 triệu.

CAGR của Warren Buffett và Peter Lynch:

Berkshire Hathaway của Warren Buffett luôn duy trì CAGR trung bình 19%/năm trong thời gian 50 năm, gấp 2 lần CAGR của S&P 500 (500 công ty hàng đầu thị trường chứng khoán).

Magellan fund của Peter Lynch đạt CAGR ~29%/năm trong 13 năm, gấp 3 lần S&P 500.

*Chỉ số S&P 500 được thống kê có tỷ suất lợi nhuận kép CAGR khoảng 10% trong thời gian từ năm 1871 đến nay. Hơn 100 năm.

Chiến lược của các nhà đầu tư này đều là lựa chọn công ty kinh doanh tốt và nắm giữ trong thời gian dài.

Khi nào nên bắt đầu đầu tư?

Khi còn trẻ và mới bắt đầu làm ra thu nhập là khoảng thời gian tốt nhất để bạn bắt đầu tích lũy tài sản và đầu tư tài sản.

Tuy nhiên trước khi đầu tư bạn nên tạo dựng dòng thu nhập vững chắc từ công việc chính và đa dạng hóa nguồn thu nhập của bạn.

Bên cạnh đó, tạo dựng quỹ dự phòng khẩn cấp và xây dựng nền móng cho tài chính cá nhân thật vững chắc trước khi đầu tư vào các tài sản rủi ro để tăng trưởng tài sản.

Ví dụ về lãi kép khi đầu tư ở tuổi trẻ:

Bạn dự định tiết kiệm 60 triệu và sẽ đầu tư số tiền này vào chỉ số VN30 với tỷ suất lợi nhuận kép kỳ vọng 17%/năm trong 30 năm cho quỹ tự do tài chính. Mỗi năm bạn đầu tư thêm 12 triệu (1 triệu/tháng) . Bạn hiện tại đang ở độ tuổi 27 đến năm bạn 57 tuổi, bạn sẽ sở hữu tiền mặt:

Giá trị tài sản ban đầu (Initial Net Worth) 60,000,000
Năm đầu tư Yearly Investment (Đầu tư hằng năm) Số năm  Rate of return (RoR) Giá trị tương lai (Future Value)
2021 12,000,000 0 17% 72,000,000
2022 12,000,000 1 17% 84,240,000
2023 12,000,000 2 17% 98,560,800
2024 12,000,000 3 17% 115,316,136
2025 12,000,000 4 17% 134,919,879
2026 12,000,000 5 17% 157,856,259
2027 12,000,000 6 17% 184,691,823
2028 12,000,000 7 17% 216,089,432
2029 12,000,000 8 17% 252,824,636
2030 12,000,000 9 17% 295,804,824
2031 12,000,000 10 17% 346,091,644
2032 12,000,000 11 17% 404,927,224
2033 12,000,000 12 17% 473,764,852
2034 12,000,000 13 17% 554,304,876
2035 12,000,000 14 17% 648,536,705
2036 12,000,000 15 17% 758,787,945
2037 12,000,000 16 17% 887,781,896
2038 12,000,000 17 17% 1,038,704,818
2039 12,000,000 18 17% 1,215,284,637
2040 12,000,000 19 17% 1,421,883,025
2041 12,000,000 20 17% 1,663,603,140
2042 12,000,000 21 17% 1,946,415,674
2043 12,000,000 22 17% 2,277,306,338
2044 12,000,000 23 17% 2,664,448,416
2045 12,000,000 24 17% 3,117,404,646
2046 12,000,000 25 17% 3,647,363,436
2047 12,000,000 26 17% 4,267,415,220
2048 12,000,000 27 17% 4,992,875,808
2049 12,000,000 28 17% 5,841,664,695
2050 12,000,000 29 17% 6,834,747,693
2051 12,000,000 30 17% 7,996,654,801

Không có thu nhập cao thì làm sao đầu tư khi còn trẻ?

Bằng 1 cách thức đơn giản là phân bổ thu nhập của bạn theo từng khoản theo các quy tắc tài chính như 50/30/20 hay 80/20.

Để có tiền đầu tư khi còn trẻ bạn nên ưu tiên chi phí sinh hoạt khoảng 50% trên tổng thu nhập.

Nếu chưa có nhiều thu nhập thì bạn nên giảm bớt các chi phí tận hưởng cuộc sống, làm cho đến khi nguồn thu nhập của bạn đủ lớn.

Đặt mục tiêu tài chính là bước đầu tiên để giúp bạn kiên định và tập thói quen trích thu nhập trước khi chi tiêu cho tiết kiệm và đầu tư. Tức là sau khi có thu nhập, bạn trích ngay bản thân mình phần tiết kiệm và đầu tư. Trong tài chính, điều này gọi là Pay yourself first (Thanh toán cho bản thân bạn trước tiên).

Chi phí của bạn sẽ là thu nhập của người khác. Thanh toán cho bản thân trước tiên chính là việc làm tự trả thưởng cho nỗ lực và cố gắng kiếm tiền của bạn.

Nếu bạn có nhiều khoản nợ tín dụng tiêu dùng lãi suất cao trên 20%/năm thì bạn phải ưu tiên trả hết nợ thẻ tín dụng trước. Vì lãi suất của thẻ tín dụng khá cao, cao hơn rất nhiều lợi nhuận từ khoản đầu tư bạn mang lại.

Thanh toán thẻ tín dụng đầu tiên cũng là cách giúp bạn thoải mái đầu óc, tiết kiệm thêm một khoản để bắt đầu đầu tư.

Những suy nghĩ về đầu tư

Đầu tư chỉ dành cho người giàu.

Đầu tư tài chính là cờ bạc, trò chơi may rủi.

Đầu tư chỉ dành cho người giàu?

Nếu bạn giàu có thì bạn là người có nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn. Tiền mặt luôn là vua của mọi công cụ đầu tư, khi bạn có tiền mặt bạn sẽ nắm bắt nhiều cơ hội mua tài sản với giá thấp.

Tuy nhiên. đầu tư dành cho tất cả mọi người. Ai cũng có nhu cầu chi tiêu ở tuổi xế chiếu hay để dành cho con một khoản tiền cho tương lai.

Tích lũy mỗi tháng, mỗi năm sẽ giúp bạn gia tăng nhanh số tiền gốc từ đó gia tăng nhanh số tiền lãi từ đầu tư.

Đầu tư là cờ bạc, hên xui may rủi?

Đầu tư là cờ bạc khi bạn xem nó là cờ bạc.

Đầu tư là cờ bạc khi bạn đầu cơ.

Đầu cơ là tranh thủ cơ hội để kiếm tiền nhanh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lợi nhuận đi kèm với rủi ro. Kiến tiền nhanh trong ngắn hạn đồng nghĩa với rủi ro cao trong ngắn hạn (High risk/High reward).

Khi bạn mua một tài sản mà không có kiến thức về tài sản đó, không xác định được giá trị nội tại của tài sản.

Lúc đó bạn chỉ mua vì dòng tiền, tức là nhiều người mua và mua theo phong trào. Mua và dự đoán giá lên bằng cảm xúc hưng phấn, giống như mua vé số xong chờ xổ số trúng.

Dự đoán là đầu cơ, còn đầu tư chúng ta có cơ sở định giá giá trị nội tại của tài sản. Rất nhiều người thích đầu cơ vì kiếm lợi nhanh quá, cảm giác thích hơn đầu tư.

Nhưng con đường này có phải là của bạn? Chỉ có bạn mới có thể trả lời được.

Còn về phía mình, mình chỉ đang đầu tư, mình chỉ đang tận dụng sức mạnh của thời gian, tận dụng compound interest (Lãi kép).

Ngay từ đầu, bạn cần phải xác định được hành trình của mình là đầu tư để xây dựng tài sản ròng (Net Worth) hay muốn tham gia tận dụng dòng tiền để đầu cơ sinh lợi. 

Mình không phản bác “trader” vì đây là một nghề. Họ dựa trên biến động giá của tài sản để xác định giá tăng hay giảm để kiếm lợi nhuận và thoát ra khỏi thị trường nếu chiều hướng xấu. 

Mình tôn trọng tất cả các nghề nghiệp, không phản bác nhà đầu cơ và cũng không phản bác các nhà giao dịch. Chỉ là không phải con đường mà mình lựa chọn.

Con đường của mình là giúp được nhiều bạn xây dựng được tài sản ròng và tự do tài chính trong tương lai. Con đường của mình là xem các công cụ đầu tư để gia tăng tài sản trong thời gian dài và tận dụng lãi kép.

Bạn phải xác định con đường của mình? Là trader hay investor? Tìm kiếm nơi để tăng trưởng tài sản bền vững hay là nơi để kiếm tiền nhanh?

Xác định được con đường bạn sẽ có những hành động cụ thể để đạt được mục tiêu của mình trên hành trình này.

Các công cụ đầu tư cho người mới

Bên dưới mình sẽ giới thiệu sơ lược các công cụ đầu tư cho người mới, các công cụ đầu tư có rủi ro đi kèm với lợi nhuận, công cụ có rủi ro cao thì lợi nhuận cao và ngược lại.

Mỗi công cụ có đặc điểm và cách hoạt động riêng, dựa trên mục tiêu tài chính cá nhân của mình bạn có thể lựa chọn công cụ phù hợp để đạt mục tiêu tài chính đó. 

Công cụ đầu tư tài chính:

Công cụ đầu tư Cách hoạt động CAGR (%)
Gửi tiết kiệm & Chứng chỉ tiền gửi Gửi tiết kiệm và mua chứng chỉ tiền gửi về cơ bản hoạt động giống nhau. Bạn gửi tiền vào ngân hàng và nhận lãi suất theo kỳ hạn. 6-7%/năm
Cổ phiếu Chứng khoán vốn.Các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Mua cổ phiếu là hình thức góp vốn vào công ty, bạn trở thành cổ đông của công ty. Trung bình 13-17%/năm
Trái phiếu Chứng khoán nợ.Công ty phát hành trái phiếu, bạn mua trái phiếu tức là cho công ty vay nợ, bạn trở thành người cho vay (lender). Trung bình 8-10%/năm
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) ETF là quỹ theo dõi rổ chỉ số tham chiếu như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, vàng,... ETF trên thị trường chứng khoán theo dõi rổ chỉ số tham chiếu như VN30, VN DIAMOND, VNFIN LEAD,... ETF được niêm yết trên sàn chứng khoán như một mã cổ phiếu và nhà đầu tư cá nhân có thể giao dịch ETF như giao dịch cổ phiếu thông thường. ETF theo chiến lược đầu tư thụ động (Passive Investing) Trung bình 13-17%/năm
Quỹ đầu tư mở (OEF) Quỹ mở là các quỹ đầu tư huy động vốn của nhà đầu tư để đầu tư vào danh mục có chung mục tiêu đầu tư. Đây là quỹ chủ động (Active Investing) sở hữu danh mục đa dạng cố gắng tối ưu để outperform vượt trội so với thị trường chung. Danh mục đầu tư của quỹ mở dựa với mức độ chấp nhận rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư. Trung bình 13-17%/năm.
Quỹ đóng (CEFs) Quỹ đóng hoạt động tương tự quỹ mở nhưng số lượng chứng chỉ quỹ không tăng thêm và không phổ biến với nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Quỹ đóng được niêm yết trên sàn chứng khoán như một cổ phiếu. Giá phụ thuộc vào cung/cầu. N/A
Cho vay ngang hàng (P2P Lending) Bạn có thể cho vay tiền nhàn rỗi của mình để hưởng lãi suất cố định 18%/năm qua các ứng dụng P2P Lending. 18%/năm

Công cụ đầu tư phi tài chính:

Công cụ đầu tư Cách hoạt động CAGR (%)
Đầu tư bất động sản Đầu tư vào các phân khúc bất động sản như đất nền, nhà phố, chung cư, bất động sản nghỉ dưỡng,... Thu nhập từ cho thuê hoặc chuyển nhượng bất động sản. 10-20%/năm (Tùy theo phân khúc đầu tư)
Vàng Mua/trữ vàng là hình thức đầu tư truyền thống. Thu nhập từ việc bán vàng và hưởng chênh lệch khi giá tăng so với thời điểm mua. N/A (Tùy thời điểm)

Hiểu về bản chất của công cụ, xác định mục tiêu tài chính và phân bổ tài sản (Asset Allocation) dựa khẩu vị rủi ro sẽ giúp bạn quản trị tốt danh mục đầu tư để bảo toàn vốn gốc hoặc tăng trưởng tài sản trong dài hạn.

Nhà đầu tư mới có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công cụ đầu tư, không biết cách lựa chọn tài sản đầu tư bạn có thể tham khảo chứng chỉ quỹ. Đây là kênh đầu tư phù hợp với nhà đầu tư vốn nhỏ và chưa có nhiều kiến thức đầu tư tài chính. 

Chứng chỉ quỹ là hình thức ủy thác đầu tư, các chuyên gia quản lý quỹ (Fund Manager) sẽ quản trị danh mục đầu tư, phân bổ và lựa chọn tài sản theo khẩu vị rủi ro thông qua quỹ mở (Mutual Fund) hoặc quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Chiến lược đầu tư cho người mới

Chiến lược đầu tư (Investment Strategy) phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, vốn đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro, kỳ vọng lợi nhuận, mục tiêu tài chính,…

Không có một chiến lược đầu tư nào phù hợp cho tất cả cả nhà đầu tư “one-size-fits-all”, bạn chỉ có thể dựa vào tình hình tài chính của chính bạn để lựa chọn cách tiếp cận và phân bổ tài sản (Asset Allocation) phù hợp với mục tiêu tài chính.

Mức độ chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) và kỳ vọng lợi nhuận (Expected Return) sẽ giúp bạn xác định được chiến lược đầu tư phù hợp với bản thân mình.

Về cơ bản, đối với người mới bạn có thể sử dụng khả năng chấp nhận rủi ro của mình để xây dựng chiến lược đầu tư. Dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro sẽ có các cách tiếp cận cơ bản sau:

Phòng thủ (Conservative & Moderately Conservative)

Mục tiêu của cách tiếp cận này là bảo toàn vốn gốc và tạo thu nhập cố định bằng cách phân bổ danh mục đầu tư chủ yếu vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và cổ phiếu blue-chips (Vốn hóa lớn) trả cổ tức đều đặn hàng năm. Tỷ trọng phân bổ chủ yếu vào chứng khoán có thu nhập cố định và một phần nhỏ vào cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc quỹ ETF mô phỏng chỉ số tham chiếu (Price Index).

Chiến lược này phù hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp và muốn bảo toàn vốn.

Cân bằng (Moderately Aggressive)

Mục tiêu của chiến lược đầu tư cân bằng là cân đối giữa tăng trưởng vốn gốc và thu nhập cố định. Danh mục đầu tư phân bổ gần như bằng nhau giữa chứng khoán cố thu nhập cố định như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi (CDs) và cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc ETF. 

Chiến lược này phù hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình.

Tăng trưởng (Aggressive & Very Aggressive)

Tăng trưởng vốn gốc tối đa là mục tiêu của chiến lược này. Danh mục đầu tư tập trung từ 80-100% vào cổ phiếu. Nếu người có khẩu vị rủi ro rất cao sẽ chọn các cổ phiếu tăng trưởng (Growth Stocks) trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. 

Chiến lược này phù hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro từ cao đến rất cao, chấp nhận mất vốn khi cổ phiếu giảm sâu trong ngắn hạn.

Cách tiếp cận này thích hợp với thời gian từ 5 năm để hạn chế rủi ro trong ngắn hạn.

Nếu tiếp cận theo các trường phái đầu tư (Investment style) cổ phiếu thì có 3 loại trường phái trên thế giới phổ biến. Các trường phái này dựa trên sự thành công của các nhà đầu tư huyền thoại trên thế giới như Benjamin Graham, Warren Buffett,…

Đầu tư giá trị (Value Investing)

“Cha đẻ” của đầu tư giá trị là Benjamin Graham và học trò của ông là Warren Buffett. Cả hai người đều theo phong cách đầu tư giá trị nhưng Graham nhìn vào cổ phiếu còn Buffett nhìn vào doanh nghiệp, lãnh đạo, sản phẩm,… Đầu tư giá trị là chiến lược mà nhà đầu tư sẽ định giá cổ phiếu để xác định giá trị nội tại (Intrinsic Value) của doanh nghiệp.

Nếu giá cổ phiếu đang giao dịch thấp hơn giá trị nội tại thì họ mua vào và kỳ vọng upside (tăng) lên bằng với giá trị nội tại hoặc vượt giá trị nội tại thì bán ra. 

Một doanh nghiệp có thể rất lâu mới đạt được giá trị nội tại hoặc rất nhanh sẽ đạt được. Phong cách này tập trung vào “buy-and-hold strategy”, mua và nắm giữ cho đến khi giá cổ phiếu upside lên giá trị nội tại.

Tuy nhiên, giá trị nội tại có thể tăng lên bằng cách định giá lại hàng quý hoặc hàng năm. Vì vậy, có nhiều cổ phiếu giá trị nội tại luôn tăng lên và các nhà đầu tư theo phong cách đầu tư giá trị họ sẽ nắm giữ rất lâu.

Warren Buffett nắm giữ cổ phiếu của Coca Cola hơn 30 năm.

Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing)

Đầu tư tăng trưởng tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng (Growth Stock). Mục tiêu của đầu tư tăng trưởng nhằm tăng trưởng vốn gốc (Capital Growth), upside 100%-200%/năm, có những cổ phiếu upside hơn 200%/năm. 

Chiến lược này không tập trung mua cổ phiếu vì giá thấp hơn giá trị nội tại, cổ phiếu tăng trưởng có thể bị định giá cao nhưng EPS (Earning Per Share) tăng trưởng nhanh mỗi quý và mỗi năm. Tuy nhiên, cổ phiếu tăng trưởng thường không trả cổ tức để tập trung mở rộng quy mô doanh nghiệp và rủi ro cao trong ngắn hạn. Chỉ thích hợp để đầu tư với tầm nhìn dài hạn.

Các cổ phiếu công nghệ thường là các cổ phiếu tăng trưởng, ở Việt Nam bạn sẽ khó tìm kiếm các cổ phiếu tăng trưởng hơn ở thị trường phát triển tuy nhiên không phải không tìm được, bạn phải DIY (do-it-yourself).

Đầu tư thu nhập (Income Investing)

Mục tiêu của Income Investing là tạo ra thu nhập hàng tháng hoặc hàng năm cho các khoản đầu tư của bạn. Nếu lựa chọn cổ phiếu là tài sản chủ yếu thì phong cách này tập trung lựa chọn các cổ phiếu trả cổ tức đều đặn hàng năm. Ở Việt Nam có các cổ phiếu blue-chips trả cổ tức đều đặn là Vinamilk (VNM), FPT, Thế giới di động (MWG), Hòa Phát (HPG),…

Nếu bạn lựa chọn chiến lược thận trọng hơn nhưng theo phong cách Income Investing thì bạn sẽ lựa chọn thêm các trái phiếu doanh nghiệp để nhận lãi 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng hoặc đầu tư bất động sản để cho thuê.

Danh mục đầu tư của nhà đầu tư theo phong cách Income Investing chủ yếu là các tài sản có thu nhập cố định (Fixed Income Asset). Tùy theo khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, bạn có thể lựa chọn loại tài sản tương ứng với khẩu vị rủi ro của bạn.

Xem thêm:

Đầu tư chứng khoán: Hướng dẫn toàn tập (2022) cho người mới.

Còn dưới góc nhìn đầu tư vào các quỹ đầu tư thông qua hình thức mua chứng chỉ quỹ:

Đầu tư chủ động (Active Investing) 

Cách tiếp cận này mục tiêu là tỷ suất lợi nhuận “outperform” vượt trội so với thị trường chung (Ở Việt Nam là VN-Index hoặc VN30). Bạn sẽ tự chủ động mua cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ mở nhằm mục tiêu tối ưu hiệu quả so với thị trường. 

Các quỹ mở chủ động thường cố gắng xây dựng danh mục để có hiệu suất sinh lời vượt trội so với thị trường chung. Còn phân tích dưới góc nhìn của nhà đầu tư cá nhân thì bạn sẽ lựa chọn kết hợp chứng chỉ quỹ mở và cổ phiếu mà bạn yêu thích để đạt hiệu quả vượt trội so với đám đông hoặc thị trường.

Đầu tư thụ động (Passive Investing) 

Đầu tư thụ động đúng như tên gọi của nó, bạn không làm gì cả. Chiến lược này dành cho nhà đầu tư “lười”, không cần vượt trội so với thị trường chung, đầu tư vào chỉ số thị trường để tận dụng hiệu quả sinh lời của thị trường. 

Nếu thị trường tăng cao, vốn đầu tư của bạn cũng tăng mạnh. Điển hình như năm 2020 – nửa đầu năm 2021, VN-Index đạt mức ATH (All time high), mức cao nhất từ khi thành lập 20 năm 1420 điểm. Các cổ phiếu đều tăng mạnh, ai tham gia cũng có lãi, kể cả người không am hiểu về thị trường, mua đại một con blue-chips hoặc cổ phiếu ngân hàng là tài khoản tăng “vù vù”.

Lúc này bạn không cần làm gì chỉ cần mua ETF theo dõi chỉ số VNFIN LEAD (Cổ phiếu ngành tài chính & ngân hàng), bạn giữ trong 1 năm là đã đạt tỷ suất lợi nhuận hơn 100%/năm, X2 tài khoản dành cho người mới. 

Vì lý do đó mà ai cũng tham gia thị trường chứng khoán, tài khoản chứng khoán hiện tại hơn 3 triệu tài khoản trong năm 2021, hơn 3% dân số.

Tuy nhiên vào thời điểm dịch COVID bùng phát lần thứ tư từ tháng 7 đến tháng 10 thì thị trường bước vào xu hướng sideway (đi ngang) và tích lũy dẫn đến các chỉ số thị trường cũng đi ngang, lúc này nhà đầu tư sẽ khó kiếm lợi nhuận hơn trong ngắn hạn vì vậy chiến lược đầu tư chủ động được nhiều nhà đầu tư sử dụng để outperform so với thị trường.

Xây dựng chiến lược đầu tư giống như việc bạn xây dựng chiến lược kinh doanh, cần phải linh hoạt ứng biến theo sự thay đổi của thị trường để tối ưu hiệu quả sinh lợi. Mục đích của đầu tư là tăng trưởng và bảo vệ tài sản. 

Vì vậy, để có chiến lược đầu tư riêng biệt bạn cần phải xem xét nhiều yếu tố và đặc biệt là có “style” hay trường phái đầu tư riêng. Dựa trên mỗi góc nhìn sẽ có cách tiếp cận khác nhau. 

Bạn có thể blend (kết hợp) các chiến lược đầu tư ở trên để tạo nên một “Tèo’s Investment Style”, đạt hiệu suất lợi nhuận vượt trội so với thị trường và tự làm giàu cho chính mình.

“Tèo’s Investment Style” sẽ nổi tiếng khắp thế giới và Việt Nam cũng tự hào vì có nhà đầu tư huyền thoại.

Quy trình để người mới bắt đầu đầu tư

Đặt mục tiêu tài chính

Bước quan trọng đầu tiên cần làm là bạn phải biết mình đầu tư vì mục tiêu gì?

Mục tiêu tài chính cụ thể là gì? Thời gian bao lâu? Số tiền cần đạt được? Số tiền đầu tư ban đầu nếu có?

Sau đó bạn chia nhỏ ra thành hàng năm và mỗi tháng đầu tư thêm bao nhiêu để đạt mục tiêu tài chính. 

*Do bài viết không đi sâu vào cách đặt mục tiêu tài chính và tính toán giá trị thời gian của tiền, tính tỷ suất lợi nhuận,… Các nội dung này mình sẽ trình bày chi tiết ở các bài viết sau để bạn có thể đặt mục tiêu tài chính, tính toán Net Worth (tài sản ròng) cụ thể bạn muốn có trong tương lai.

Xác định khẩu vị rủi ro của bạn

Trước khi, bạn bắt đầu thì hãy xác định khẩu vị rủi ro của bản thân. Để xác định khẩu vị rủi ro của bạn thân thì chỉ cần bạn đặt ra một câu hỏi quan trọng:

Bạn có chấp nhận tài sản tăng/giảm đột ngột trong ngắn hạn?

Nếu tài sản giảm khiến bạn không vui vẻ mấy, ngủ không ngon, ăn không yên thì có thể khẩu vị rủi ro của bạn thấp và chỉ nên lựa chọn các chứng khoán an toàn và có thu nhập đều đặn như (Chứng chỉ tiền gửi, Trái phiếu, Cổ phiếu Blue-chips).

Nếu bạn sẵn sàng lỗ XX% để kỳ vọng nhận lại lợi nhuận XX% (Expected Return) thì có thể khẩu vị rủi ro của bạn ở mức trung bình đến cao tùy vào khả năng chịu đựng thua lỗ (Loss) của bạn.

Ví dụ tính nhanh kỳ vọng lợi nhuận (Expected Return):

Cổ phiếu A, bạn có 50% cơ hội lãi 20% và 50% khả năng mất 10% thì EV (Expected Value) = 50%*20%+50%*(-10%) = 5%

Khẩu vị rủi ro còn dựa trên tuổi tác, tình trạng tài chính của bạn, vốn đầu tư của bạn,… và nhiều yếu tố khác để xác định chính xác khẩu vị rủi ro. Người có vốn đầu tư lớn thường có khả năng chịu đựng rủi ro thấp hơn người có vốn nhỏ, họ phải đa dạng hóa danh mục đầu tư theo hướng cân bằng hoặc thận trọng hơn vì khả năng mất tiền của họ lớn hơn.

Phân bổ tài sản (Asset Allocation) để đa dạng hóa danh mục đầu tư

Dựa trên khẩu vị rủi ro từ thận trọng cho đến mạo hiểm (Conservative to Aggressive) bạn có thể phân bổ ngân sách vào các tài sản phù hợp với khẩu vị rủi ro theo các chiến lược đầu tư (Investment Strategy) hoặc phong cách, sở thích đầu tư riêng biệt của mình (Investment Style).

Nghiên cứu kĩ về các tài sản mà bạn sắp đầu tư

Khi đã xác định được tỷ trọng danh mục đầu tư và phân bổ ngân sách đầu tư. Bạn nên phân tích và nghiên cứu kĩ về loại tài sản mà bạn chọn để xây dựng danh mục đầu tư.

Ví dụ:

Bạn muốn lựa chọn đầu tư chủ động không thông quỹ đầu tư, tức là tự lựa chọn cổ phiếu. Bạn thấy Value Investing (Đầu tư giá trị) phù hợp với bạn. Bạn nghiên cứu về các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đang bị định giá thấp bằng các phương pháp định giá cơ bản như PE (Price to earning), PB (Price to book value), DCF (Discounted Cash Flow) hoặc ROE (Return on Equity),… Nếu cổ phiếu nào thỏa mãn nhu cầu và nguyên tắc đầu tư của bạn thì bạn đưa vào danh mục.

*Đầu tư giá trị là chiến lược đầu tư phổ biến và được nhà đầu tư áp dụng. Dưới góc độ của bài viết mình không đi sâu vào nội dung này.

Tương tự với trái phiếu, bạn nên tìm hiểu kiến thức cơ bản về thị trường trái phiếu để có khả năng đánh giá trái phiếu nào tốt và đưa vào danh mục.

Nếu cảm thấy chưa đủ tự tin để tự đầu tư cổ phiếu, bạn có thể mua chứng chỉ quỹ mở tại các quỹ đầu tư hoặc đầu tư thụ động vào các quỹ ETF theo dõi các chỉ số tham chiếu trên thị trường. Về cơ bản, bạn nên xem xét các yếu tố:

  • Danh mục đầu tư của các quỹ và tỷ suất lợi nhuận của quỹ trong 1-2 quý gần nhất hoặc 1-2 năm gần nhất. Nếu quỹ hoạt động 5 năm, bạn có thể tính tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR của quỹ trong giai đoạn 5 năm để xem hiệu suất hoạt động trong dài hạn của quỹ ra sao và có cái nhìn tổng quan về quỹ đầu tư.
  • Uy tín của quỹ đầu tư và đội ngũ quản lý quỹ đầu tư là ai để tránh mất tiền oan vào các quỹ đầu tư mạo danh, lừa đảo nhà đầu tư.
  • Bạn có thể dựa trên các chỉ số để đánh giá hiệu quả của danh mục đầu tư của quỹ như hệ số Sharpe, chỉ số Beta, P/E, ROE của quỹ đầu tư.

Trước khi đầu tư, bạn hãy luôn nhớ nguyên tắc quan trọng là:

Chỉ đầu tư vào những gì mình hiểu.

Tìm hiểu kĩ không bao giờ là thừa vì khi bạn phân tích kĩ các công cụ đầu tư, bạn càng có niềm tin vững chắc vào chính mình, không bị tác động bởi những người khác hoặc đầu tư theo phong trào.

Đầu tư theo phong trào là “trào ngược dạ dày”.

Lựa chọn các ứng dụng uy tín để mở tài khoản đầu tư:

Vì là tiền của mình sẽ gửi vào đó dài hạn cho nên bạn phải đánh giá thật kĩ về các công ty đầu tư tài chính. Các yếu tố bạn có thể xem xét để đánh giá công ty hoặc ứng dụng đầu tư để mở tài khoản:

Yếu tố đánh giá các ứng dụng đầu tư

Đánh giá về mặt pháp lý: Công ty đó có đăng ký doanh nghiệp ở Việt Nam không? Trụ sở công ty ở đâu? Thương hiệu đằng sau công ty đó là thương hiệu nào? Thị phần như thế nào? Hoạt động trong lĩnh vực tài chính bao lâu? Ban lãnh đạo có uy tín trong thị trường tài chính? Các thông tin bạn có thể tìm được tại trang Web của công ty, nếu không tìm được thông tin thì bạn không nên đầu tư vào đó.

Chi phí: Tìm hiểu về phí giao dịch, phí quản lý, phí bảo trì,… Các chi phí trả cho ứng dụng theo mình đánh giá là quan trọng vì bạn phải trích lợi nhuận để trả. Các chi phí dù nhỏ chỉ 0.1-1% nhưng khi bạn giao dịch tiền lớn như vài trăm triệu đến vài tỷ thì nó chiếm một khoản phí khổng lồ. Mình ghét phí cao, hiện mình đang dùng TCInvest (Chứng khoán TCBS) với phí giao dịch cổ phiếu 0.1% và vay margin 10.5%, thỉnh thoảng 9% hoặc 0.5% vì có ưu đãi. Tiết kiệm nhiều chi phí cho mình.

Trải nghiệm người dùng: Vì là người mới nên bạn sẽ chưa quen với các ứng dụng đầu tư tài chính. Một ứng dụng có trải nghiệm người dùng tốt, logic, nhanh chóng và dễ dàng cho người mới sẽ giúp bạn thao tác đơn giản hơn. Nạp tiền, rút tiền dễ dàng và nhanh chóng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và sử dụng tiền khi cần.

Hỗ trợ: Có đội ngũ hỗ trợ khi bạn gặp phải vấn đề sẽ được giải quyết ngay không phải chờ đợi lâu.

Tổng kết

Bài viết này chỉ là sự khởi đầu cho hành trình dài của bạn phía trước, bài viết chỉ chia sẻ các công cụ hết sức cơ bản và đơn giản cho nhà đầu tư mới. Sau bài viết, bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn các kiến thức về đầu tư tài chính để hoàn chỉnh kế hoạch tài chính cá nhân của chính mình.

Hãy luôn nhớ rằng “Không có một bữa trưa nào miễn phí”!

Để tích lũy tài sản ròng lớn, trước tiên bạn phải luôn trau dồi kiến thức, luôn có mục tiêu tài chính và kiên nhẫn. Đầu tư rất “nhàm chán” nhưng cũng rất thú vị, mỗi ngày bạn sẽ thấy tài sản mình tăng lên từ từ, chậm rãi và bền vững.

Mình mong sau này sẽ có một “Tèo’s Investment Style”, sánh ngang hiệu suất sinh lợi của Warren Buffett, Peter Lynch, Philip Fisher,… sau bài viết này.

Chúc bạn tìm được con đường của mình.

2.8 4 votes
Đánh giá
Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Insert math as
Block
Inline
Additional settings
Formula color
Text color
#333333
Type math using LaTeX
Preview
\({}\)
Nothing to preview
Insert
Loading