investvnd-logo
Invest VND 5 Đầu tư 5 Chứng chỉ quỹ 5 Các loại chứng chỉ quỹ: Quỹ mở, quỹ ETF, quỹ đóng là gì?

Các loại chứng chỉ quỹ: Quỹ mở, quỹ ETF, quỹ đóng là gì?

Chứng chỉ quỹ, Đầu tư | 0 Lời bình

Các loại chứng chỉ quỹ mở, quỹ đóng và quỹ ETF là các công cụ tài chính phổ biến ở các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản,… Ở Việt Nam hiện nay có nhiều quỹ đầu tư mở và quỹ ETF nội với quy mô ngày càng mở rộng nhưng chưa phổ biến với nhà đầu tư cá nhân.

Đây là hình thức ủy thác đầu tư và đầu tư vào chỉ số tham chiếu (Price Index) phù hợp với nhà đầu tư mới tham gia thị trường thay vì bạn phải tự đầu tư chứng khoán.

Đầu tư chứng chỉ quỹ là kênh tích lũy tài sản rất tốt trong dài hạn với tỷ suất lợi nhuận kép CAGR trung bình từ 13-17%/năm.

Đầu tư quỹ mở, quỹ đóng hay quỹ ETF bạn không cần phải lên chiến lược đầu tư, phân tích và định giá tài sản, phân bổ danh mục,… mà tất cả các công việc này đều do các chuyên gia quản lý quỹ (Fund Manager) thực hiện giúp bạn.

Trước khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ, bạn nên phân biệt được tính chất của các loại quỹ trên thị trường hiện nay. Các công cụ này khác nhau như thế nào?

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn các loại quỹ đầu tư trên thị trường hiện nay:

 

Quỹ mở là gì?

Định nghĩa

Quỹ mở (Open-ended Funds) là quỹ đầu tư dạng mở được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư. Quỹ mở được các công ty quản lý quỹ đầu tư chuyên nghiệp quản lý. Danh mục của quỹ mở có thể là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu,… hoặc các loại tài sản khác được đánh giá kĩ lưỡng theo khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư (Risk Tolerance) và kỳ vọng lợi nhuận (Expected Return).

Mục tiêu đầu tư dựa trên khẩu vị rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng:

Quỹ tăng trưởng Quỹ cân bằng Quỹ phòng thủ
Cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao. Cổ phiếu, trái phiếu,... với tỷ trọng cân bằng. Trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi,...
Rủi ro cao. Rủi ro trung bình. Rủi ro thấp
Lợi nhuận kỳ vọng 13-20%/năm. Lợi nhuận kỳ vọng 9-13%/năm. Lợi nhuận kỳ vọng 7-9%/năm.
Thời gian nắm giữ yêu cầu (2-5 năm) Thời gian nắm giữ khuyến nghị (1-2 năm) Thời gian nắm giữ khuyến nghị (Từ 1 năm)

*Bảng phân loại quỹ mở.

Quỹ mở có mức độ rủi ro thấp hơn so với bạn tự đầu tư vào thị trường chứng khoán vì
  • Các chuyên gia quản lý quỹ luôn phân bổ tài sản (Asset Allocation) để đa dạng hóa danh mục để đưa rủi ro về mức thấp. Quỹ tăng trưởng theo chiến lược đầu tư tăng trưởng để tăng nhanh vốn gốc (Capital Growth). Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong quỹ này và có mức độ rủi ro từ cao đến rất cao (Aggressive & Very Aggressive) tùy vào loại cổ phiếu.
  • Quỹ tăng trưởng đem đến tỷ suất lợi nhuận (Rate of Return) rất tốt trong dài hạn vì quỹ đầu tư thường nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa lớn Blue-chips. Quỹ đầu tư có nhiều kinh nghiệm quản lý tài sản hơn nên rủi ro sẽ thấp hơn bạn tự đầu tư.

Tính chất và cách hoạt động của quỹ mở

  • Quỹ mở hoạt động không có thời hạn nhất định.
  • Quỹ mở luôn có khoản tiền mặt trong danh mục để mua lại chứng chỉ quỹ của bạn nếu bạn muốn bán lại chứng chỉ quỹ.
  • Quỹ mở phát hành chứng chỉ quỹ không giới hạn, giá của chứng chỉ quỹ dựa trên giá trị tài sản (NAV) của quỹ và tổng số lượng CCQ phát hành.
  • Giá sẽ thay đổi định kỳ vào cuối ngày và mỗi ngày có giá khác nhau dựa trên mức độ tăng/giảm của danh mục quỹ.

Quỹ mở phù hợp với ai? Đầu tư quỹ mở cần tối thiểu bao nhiêu?

Quỹ mở phù hợp với nhà đầu tư nghiệp dư lẫn nhà đầu tư chuyên nghiệp với các nhu cầu cụ thể:

  • Nhà đầu tư cá nhân không có nhiều thời gian để tự đầu tư.
  • Nhà đầu tư chưa tự tin để lựa chọn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nên lựa chọn quỹ đầu tư để họ đánh giá tài sản, xây dựng danh mục đầu tư và quản trị rủi ro giúp bạn.
Đầu tư quỹ mở tối thiểu từ 10,000vnd
Tỷ suất lợi nhuận (Rate of return) của quỹ mở

Tỷ suất lợi nhuận của quỹ mở phụ thuộc vào chiến lược của quỹ. Quỹ tăng trưởng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn quỹ cân bằng hoặc quỹ phòng thủ nhưng mức độ rủi ro cũng cao hơn (High risk/High reward).

Quỹ mở thường áp dụng chiến lược đầu tư chủ động (Active Investing), cố gắng tối ưu hóa danh mục đầu tư để outperform (vượt trội) so với thị trường chung.

Rủi ro khi đầu tư quỹ mở

Quỹ mở thường luôn có nhiều loại quỹ phân bổ dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro để đa dạng hóa nhu cầu của nhà đầu tư. Rủi ro phụ thuộc vào danh mục của quỹ, nếu bạn lựa chọn quỹ tăng trưởng thì rủi ro cao và lợi nhuận cao trong dài hạn.

Rủi ro là khả năng mất tiền của bạn trên thị trường. Mức độ chịu đựng rủi ro là khả năng chịu đựng mất tiền của bạn. Bạn có sẵn sàng mất 1 đồng để đổi lấy 2 đồng?

Đối với quỹ cân bằng hay quỹ phòng thủ quỹ đầu tư sẽ phân bổ tỷ trọng cho trái phiếu, tín phiếu, trái phiếu chính phủ,… hoặc những tài sản với an toàn trong ngắn hạn với mục tiêu là bảo toàn vốn gốc và tạo thu nhập cố định.

Quỹ đóng là gì?

Định nghĩa

Quỹ đóng (Closed-end Funds) là quỹ đầu tư dạng đóng, tương tự như quỹ mở đều là hình thức góp vốn đầu tư với cùng mục tiêu đầu tư. Quỹ đóng cũng được quản lý bởi các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp với danh mục đầu tư đa dạng tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,…

Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có 2 quỹ đóng được niêm yết trên sàn chứng khoán với quy mô rất nhỏ. Quỹ đóng không phổ biến với nhà đầu tư cá nhân như quỹ mở và quỹ ETF.

Tính chất và cách hoạt động của quỹ đóng

  • Quỹ đóng hoạt động có thời hạn nhất định.
  • Quỹ đóng sau khi phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng lần đầu sẽ không mua lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư, bạn sẽ mua bán trên thị trường chứng khoán như một cổ phiếu thông thường.
  • Quỹ đóng phát hành chứng chỉ quỹ với số lượng nhất định và không phát hành chứng chỉ quỹ mới. Vì quỹ đầu tư phát hành không mua lại CCQ nên giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu của thị trường.

Quỹ đóng phù hợp với ai? Đầu tư tối thiểu bao nhiêu?

Quy mô quỹ đóng tại Việt Nam chưa lớn, phù hợp với nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư riêng biệt và thường phải liên hệ trực tiếp với các công ty chứng khoán để được tư vấn đầu tư.

Tuy nhiên, có 2 quỹ đóng được niêm yết là Quỹ đầu tư bất động sản Techcombank (Mã GD: FUCVREIT), Quỹ Đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 2 (Mã GD: FUCTVGF2),…

Đầu tư tối thiểu: 1 triệu – 2 triệu tùy vào giá trị giao dịch trên thị trường.

Đối với nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì có thể thay thế quỹ đóng thành quỹ ETF vì cơ chế hoạt động gần giống nhau nhưng quỹ ETF cho bạn đa dạng lựa chọn hơn với tỷ suất lợi nhuận kép trung bình năm (CAGR) từ 13-17%/năm. Hiện nay có khoảng 8 quỹ ETF nội niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tỷ suất lợi nhuận của quỹ đóng

Tỷ suất lợi nhuận phụ thuộc vào danh mục đầu tư của quỹ. 

Do đặc tính được quản lý chủ động nên quỹ đóng sẽ cố gắng tối ưu để đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với chỉ số tham chiếu hoặc VN-Index.

Rủi ro đầu tư của quỹ đóng

Giá của quỹ đóng phụ thuộc vào cung/cầu thị trường, thường bị lệch xa so với giá trị tài sản (NAV) của quỹ. Bạn sẽ có rủi ro mất tiền nếu chứng chỉ quỹ bị bán nhiều.

Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là gì?

Định nghĩa

Quỹ hoán đổi danh mục ETF (Exchange Traded Funds) là quỹ đầu tư mô phỏng độ biến động của một rổ chỉ số tham chiếu (Price Index) nhất định. Chỉ số tham chiếu có thể là hàng hóa như vàng, bạc, dầu mỏ,… hoặc chỉ số tham chiếu cổ phiếu vốn hóa lớn, vừa và nhỏ,… hoặc tham chiếu rổ chỉ số trái phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, quỹ ETF mô phỏng chỉ số tham chiếu cho một nhóm danh mục các cổ phiếu đáp ứng được yêu cầu của chỉ số như vốn hóa, thanh khoản, thời gian niêm yết,…

Ví dụ

Quỹ ETF E1VFVN30 là quỹ ETF tham chiếu chỉ số VN30 bao gồm top 30 doanh nghiệp hàng đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam được thay đổi hàng quý.

Trên thị trường còn có nhiều quỹ ETF tham chiếu các chỉ số như VNFIN LEAD (Chỉ số nhóm ngành tài chính & ngân hàng), VN DIAMOND (Chỉ số các cổ phiếu kim cương),…

Bạn có thể giao dịch ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam bằng cách đặt lệnh như một cổ phiếu thông thường.

Tính chất và cách hoạt động của quỹ hoán đổi danh mục

  • Quỹ ETF vừa có đặc tính như quỹ mở (OEFs) như phát hành không giới hạn CCQ, không có thời hạn nhất định, vừa có đặc tính giống quỹ đóng (CEFs) là niêm yết trên thị trường chứng khoán và giao dịch như một mã cổ phiếu.
  • Quỹ ETF mô phỏng tỷ suất lợi nhuận của một rổ chỉ số nhất định. Giá được giữ gần bằng với giá trị tài sản (NAV) của quỹ.
  • Quỹ theo chiến lược đầu tư thụ động (Passive Investing), không cố gắng outperform so với thị trường chung, ETF chỉ theo dõi các chỉ số tham chiếu trên thị trường chứng khoán.

Quỹ hoán đổi danh mục ETF phù hợp với ai? Đầu tư tối thiểu bao nhiêu?

  • Quỹ ETF phù hợp với nhà đầu tư cá nhân mới tham gia đầu tư.
  • Quỹ ETF phù hợp với nhà đầu tư ít có thời gian để phân tích lựa chọn cổ phiếu.
  • Quỹ ETF phù hợp với nhà đầu tư “lười”, lazy investor hoặc nhà đầu tư theo chiến lược phân tích Top-down (Thích đầu tư vào triển vọng của ngành nghề, của chỉ số thị trường hơn là từng công ty).
Đầu tư tối thiểu từ 50,000vnd.
Tỷ suất lợi nhuận (Rate of return) của quỹ hoán đổi danh mục ETF

Tỷ suất lợi nhuận của ETF phụ thuộc vào rổ chỉ số tham chiếu. Nếu quỹ ETF theo dõi các chỉ số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì phụ thuộc vào triển vọng nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp chung phân khúc và thị trường chung trong tương lai.

ETF có tăng trưởng kép (CAGR) từ 17-25%/năm tùy vào rổ chỉ số.

Rủi ro khi đầu tư quỹ ETF

ETF tracking chỉ số, nếu thị trường chung đi ngang (Sideway) hoặc đi xuống (Downtrend) thì các chỉ số đều giảm giá. Vì vậy, bạn sẽ gặp rủi ro mất tiền trên thị trường.

Đầu tư vào quỹ ETF là tận dụng sức mạnh thị trường nếu thị trường không ủng hộ thì tiền của bạn “không nở hoa”.

Bảng so sánh các loại chứng chỉ quỹ mở (OEFs), quỹ đóng (CEFs) và quỹ ETF

Đặc điểm Quỹ mở (OEFs) Quỹ đóng (CEFs) Quỹ hoán đổi danh mục (ETF)
Tỷ suất lợi nhuận (RoR) Cao phụ thuộc vào hiệu suất quỹ. Cao phụ thuộc vào hiệu suất quỹ. Trung bình đến cao phụ thuộc thị trường.
Rủi ro Cao Cao Trung bình đến cao
Thanh khoản Cao Trung bình Cao
Quản lý Chủ động Chủ động Thụ động
Giá Dựa trên NAV Cung/cầu thị trường Được giữ gần bằng NAV
Chi phí Cao Cao Thấp

*Bảng so sánh quỹ mở, quỹ đóng và quỹ ETF.

Nên mua các loại chứng chỉ quỹ nào?

Để bắt đầu đầu tư, phân tích và đánh giá tính chất của từng loại quỹ sẽ giúp ích cho bạn. Về cơ bản, các chứng chỉ quỹ đều là hình thức ủy thác đầu tư và đầu tư vào chỉ số nên các phân tích sẽ nhẹ hơn rất nhiều nếu bạn tự đầu tư cổ phiếu.

Các tiêu chí cơ bản để đánh giá hiệu quả quỹ đầu tư:

  • Danh mục đầu tư của quỹ là gì? Phân bổ tỷ trọng ra sao?
  • Tính pháp lý của quỹ và đội ngũ quản lý quỹ (Đối với quỹ mở).
  • Chỉ số tham chiếu (Price Index) của quỹ ETF là gì? Chỉ số đó bao gồm nhóm cổ phiếu hay ngành nào? (Đối với quỹ ETF).
  • Tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành hoặc các cổ phiếu trong danh mục trong 1-2 quý tới hoặc 1-2 năm tới.
  • Các chỉ số hữu ích bạn có thể tham khảo: P/E, P/B, ROE, Chỉ số Beta, Hệ số Sharpe.
  • Tỷ suất lợi nhuận kép (CAGR) trong 1 giai đoạn cụ thể là bao nhiêu?

Để trả lời cho câu hỏi “Nên mua chứng chỉ quỹ nào?”. Bạn hãy xác định khẩu vị rủi ro (Risk Tolerance) của chính mình:

Bạn là người an toàn, cân bằng hay mạo hiểm?

Dựa trên mục tiêu tài chính cá nhân, tình hình tài chính hiện tại, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình của bạn, vốn đầu tư,… để bạn xác định khẩu vị rủi ro của mình. 

Nếu bạn là người có khẩu vị rủi ro thấp (Conservative) bạn có thể lựa chọn các quỹ mở trái phiếu như quỹ TCBF của Techcombank hoặc quỹ cân bằng (Cổ phiếu, trái phiếu) tùy theo khẩu vị rủi ro của bạn. 

Còn bạn có khẩu vị rủi ro từ cao đến rất cao (Very Aggressive) thì có thể lựa chọn quỹ mở tăng trưởng (Tỷ trọng cổ phiếu lớn trong danh mục) hoặc quỹ ETF theo dõi chỉ số thị trường.

Mỗi nhà đầu tư có “style” đầu tư riêng biệt dựa trên khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư bạn có thể kết hợp để tạo ra một danh mục tốt nhất và phù hợp với bạn.

Công cụ đầu tư chứng chỉ quỹ mở, quỹ đóng, quỹ ETF

Bạn có thể mua chứng chỉ quỹ mở và chứng chỉ quỹ ETF tại các ứng dụng đầu tư tài chính, các công ty chứng khoán hoặc mua trực tiếp tại quỹ đầu tư – đơn vị phát hành chứng chỉ quỹ.

Hiện nay có nhiều ứng dụng tài chính kết hợp với các quỹ đầu tư, làm đơn vị trung gian để bạn mua chứng chỉ quỹ một cách đơn giản với số vốn nhỏ hơn khi mua trực tiếp tại các quỹ đầu tư. Các ứng dụng tài chính giúp cho nhà đầu tư cá nhân vốn ít tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ.

Tổng kết

Bài viết phân biệt cơ bản giữa các loại chứng chỉ quỹ hiện nay, bạn có thể đi sâu vào từng loại để tìm hiểu kĩ tính chất của các loại quỹ. Các loại chứng chỉ quỹ về bản chất đều là hình thức ủy thác đầu tư tài chính, phù hợp với nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Tuy nhiên, đây chỉ là các công cụ để giúp bạn đạt mục tiêu tài chính của mình.

Cốt lõi vẫn là cách bạn quản lý tài chính cá nhân, đặt mục tiêu tài chính và phân bổ ngân sách theo các nguyên tắc cơ bản như 50/30/20 hoặc 80/20.

Chứng chỉ quỹ sẽ giúp bạn đạt mục tiêu mà không cần phải tìm hiểu sâu về đầu tư chứng khoán nếu bạn muốn dành thời gian làm công việc chuyên môn của mình để gia tăng thu nhập.

 

Founder Invest VND

Giới thiệu

Mình là Tài, một cá nhân yêu thích về tài chính cá nhân và muốn chia sẻ những kiến thức về tài chính cá nhân cho cộng động.

*Mình không phải chuyên gia tài chính nên tất cả các thông tin được chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân và không khuyến nghị đầu tư hay gọi vốn cộng đồng dưới bất kì hình thức nào.

0 0 votes
Đánh giá
Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Insert math as
Block
Inline
Additional settings
Formula color
Text color
#333333
Type math using LaTeX
Preview
\({}\)
Nothing to preview
Insert
Loading